Cập nhật mới nhất diễn biến dịch COVID-19 sáng ngày 21/3

07:59' - 21/03/2020
BNEWS Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 đến sáng 21/3, thế giới có 250.577 người mắc COVID-19, số người tử vong là 10.253 người. Vũ Hán, Trung Quốc không có ca nhiễm mới nào trong 24 giờ qua.

Cập nhật dịch COVID-19 trên thế giới sáng ngày 21/3:

Theo cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, đến sáng 21/3, toàn thế giới có 250.577 người mắc COVID-19 trong đó số người tử vong là 10.253 người, số người bình phục là 90.603.  

Châu Âu với tâm điểm Italy tiếp tục trải qua 24 giờ căng thẳng đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi "đất nước hình chiếc ủng" ghi nhận 627 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Nam Âu này lên thành 4.032 ca.

Trong tuần qua, mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%. Ngược lại, tại Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong có mức tăng 50% mỗi ngày, trong khi tốc độ tăng này tại Tây Ban Nha là 49% những ngày gần đây. Ngoài ra, trong tuần qua, số ca nhiễm COVID-19 tại Italy tăng 171%, trong khi mức tăng tại Anh là 480%, tại Pháp là 300% và tại Đức là 550%.

Nghị viện châu Âu sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thông qua các biện pháp khẩn cấp do Ủy ban châu Âu đề xuất về đại dịch COVID-19.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

-    Vũ Hán, Trung Quốc: Sự phục hồi của thành phố Vũ Hán, nơi được coi là tâm dịch COVID-19 tại Trung Quốc, đã mang đến hy vọng cho phần còn lại của thế giới trong thời điểm hiển nay. Đánh giá về sự “thành công” tại Vũ Hán, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo không có ca nhiễm mới nào tại thành phố này trong 24 giờ qua.

Giới chức địa phương tối 20/3 thông báo, thành phố Vũ Hán ở miền Trung Trung Quốc, chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sẽ mở lại một số trung tâm thương mại cho cư dân một cách có trật tự. Các trung tâm thương mại tại các cộng đồng dân cư và làng mạc không còn ghi nhận những ca mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 có thể buôn bán trở lại. Những trung tâm này chủ yếu bao gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán thực phẩm tươi, rau củ và hoa quả cũng như các nhu yếu phẩm thường ngày.

-     Nhật Bản:  Bộ Y tế và các chính quyền địa phương Nhật Bản thông báo, số ca mắc COVID-19 trên cả nước này đã tăng lên 984 người (tính đến 19h ngày 20/3 theo giờ địa phương) và số ca tử vong là 41 người, bao gồm cả những người tử vong trên tàu Diamond Princess được cách ly gần thủ đô Tokyo. Hiện Nhật Bản ghi nhận tổng cộng 766 người mắc COVID-19 đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ Giáo dục Nhật Bản Koichi Hagiuda thông báo chính phủ sẽ không gia hạn yêu cầu các trường học phải đóng cửa cho đến kỳ nghỉ Xuân. Điều này đồng nghĩa với việc các trường học có thể mở cửa trở lại vào tháng 4 tới.

-    Hàn Quốc: Ngày 20/3, giới chức Hàn Quốc thông báo về ổ dịch mới tại tỉnh Daegu - tâm dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này. Thông báo cho biết ổ dịch mới đã được phát hiện tại một viện điều dưỡng ở Daegu. Trong 3 ngày qua, tổng cộng 57 người, bao gồm nhân viên y tế và bệnh nhân tại viện này, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm virus tại đây.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) đã công bố báo cáo mới nhất về tình hình dịch COVID-19 tại Hàn Quốc, cho biết số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở nước này đã lên tới 102 người, hầu hết là người lớn tuổi. Tổng số ca mắc COVID-19 tại xứ Hàn hiện là 8.653 ca, trong đó 70% các ca nhiễm tập trung tại Daegu - thành phố lớn thứ 4 ở nước này với dân số 2,5 triệu người. Có khoảng 10% bệnh nhân là người già trên 80 tuổi với tỷ lệ tử vong là 1,09%.

Trong bối cảnh đó, Hàn Quốc muốn tìm kiếm hợp tác với Nhật Bản và Trung Quốc nhằm đối phó hiệu quả với dịch bệnh.

-    Italy:

Châu Âu với tâm điểm Italy tiếp tục trải qua 24 giờ căng thẳng đối phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khi "đất nước hình chiếc ủng" ghi nhận 627 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại quốc gia Nam Âu này lên thành 4.032 ca. Số liệu thống kê của Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cũng ghi nhận thêm 5.986 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 47.021 trường hợp. Cũng theo cơ quan này, Italy có tất cả 5.129 ca đã hồi phục, tăng 689 ca so với một ngày trước đó. Trong tổng số ca mắc bệnh hiện tại có 16.020 ca phải nhập viện, 2.655 trường hợp phải điều trị tích cực.

Chính phủ Cuba gửi phái đoàn hỗ trợ y tế tới Italy là theo đề xuất của chính quyền vùng Lombardy, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 trên toàn lãnh thổ Italy. Đây là nhóm chuyên gia có trình độ chuyên môn cao từng tham gia chống bệnh dịch Ebola và có kinh nghiệm ứng phó với những loại dịch bệnh tương tự.

- Anh: Tại Anh đang xuất hiện lo ngại nước này trở thành một "Italy thứ hai" về số ca tử vong do COVID-19 trong những ngày tới. Số ca tử vong do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Vương quốc Anh đã tăng lên thành 177 ca, sau khi vùng England ghi nhận thêm 39 ca tử vong - mức tăng lớn nhất trong vòng một ngày.

Ngoài ra, truyền thông Anh cũng đưa tin, bệnh viện Northwick Park tại thủ đô London tuyên bố thiếu giường cho bệnh nhân cần được điều trị đặc biệt do số ca mắc COVID-19 tăng nhanh.

- Tây Ban Nha:  Trong ngày 19/3, Tây Ban Nha thông báo số ca tử vong tại nước này do mắc COVID-19 đã lên tới 1.002, sau khi ghi nhận thêm 235 trường hợp.

- Pháp: Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này sẽ triển khai tàu sân bay chở trực thăng để đưa những bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 từ đảo Corsica tới các bệnh viện ở miền Đông Nam nước này. Tính đến ngày 19/3, hòn đảo trên Địa Trung Hải này của Pháp đã ghi nhận 162 ca nhiễm COVID-19. Riêng ngày 15/3 vừa qua, có 6 ca tử vong và 6 bệnh nhân cần được chăm sóc đặc biệt. Cơ quan y tế địa phương dự báo số người mắc bệnh cũng như số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt sẽ gia tăng vào cuối tuần này và đầu tuần tới.

Còn tại thủ đô Paris, từ ngày 20/3, cảnh sát sẽ tăng cường kiểm tra an ninh tại các nhà ga tàu hỏa, như một phần trong các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan. Mọi hành khách đi tàu mà không có giấy tờ cần thiết để chứng minh cho hành trình của mình có thể bị phạt 135 euro (khoảng 145 USD).

- Iran: Ngày 20/3, giới chức Iran thông báo ghi nhận thêm 1.237 ca mắc COVID-19 mới và 149 ca tử vong ở nước này. Đây là ngày số ca tử vong tăng cao kỷ lục tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Alireza Raisi cho biết số ca nhiễm mới hằng ngày đang giảm dần. Như vậy, tính đến nay, quốc gia Trung Đông này đã có 19.644 ca bệnh và 1.433 trường hợp tử vong.

-  Nga: Ngày 20/3, Ban tác chiến của Nga về phòng chống lây nhiễm SARS-CoV-2 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã phát hiện thêm 54 trường hợp dương tính với SARS-COV-2 tại 9 khu vực thuộc Liên bang Nga.

Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Moskva có số trường hợp lây nhiễm mới nhiều nhất là 33 người, trong khi thành phố St. Petersburg phát hiện thêm 4 trường hợp. Tổng số ca mắc bệnh COVID-19 tại Nga hiện đã tăng lên 253 người, trong đó 12 người đã được xuất viện.

- Bỉ: Ban quản lý sân bay Charleroi thông báo sẽ ngừng toàn bộ các chuyến bay thương mại trong ít nhất 2 tuần do các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn dịch bệnh khiến số lượng hành khách tại sân bay này giảm tới gần 90%. Sân bay lớn thứ hai của Bỉ này sẽ ngừng hoạt động này vào đêm 24/3 và kéo dài ít nhất đến ngày 5/4.

- Đức: Văn phòng Lao động Đức cho biết hàng chục nghìn công ty nước này thông báo trong tuần này sẽ rút ngắn giờ làm việc. Đây là động thái cho thấy tác động nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) này. Khoảng 76.700 công ty cho biết trong tuần này sẽ đệ đơn xin cứu trợ nhà nước nhằm giúp các công ty duy trì nhân viên làm việc với thời gian làm việc ngắn hơn. Trong khi đó, trung bình chỉ có 600 công ty đệ đơn như vậy trong một tuần hồi năm ngoái.

- Mỹ: Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, ngày 20/3, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo đã ghi nhận 15.268 ca dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, tăng 4.777 ca so với thống kê trước đó. CDC cũng lưu ý rằng tại Mỹ đã có thêm 51 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 201 người.

Số liệu thống kê trên của CDC được tính tới 16h chiều 19/3 (theo giờ địa phương) và được so sánh với số liệu thống kê một ngày trước đó.

Cũng liên quan tới tình hình dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không cân nhắc phương án phong tỏa toàn quốc ở thời điểm hiện tại, và ông nghĩ rằng sẽ không cần thiết phải phong tỏa toàn quốc.

Trong khi đó, tại một cuộc họp báo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay các biện pháp hạn chế đi lại giữa Mỹ và Canada sẽ được xem xét lại sau 30 ngày. Theo ông, các biện pháp hạn chế tại biên giới sẽ kéo dài tới chừng nào vẫn cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ.

Trong cuộc họp báo với các quan chức hàng đầu của Mỹ, Tổng thống Trump cũng thông báo ông sẽ kích hoạt một đạo luật đặt trọng tâm vào y tế nhằm ngăn chặn người di cư xâm nhập vào Mỹ một cách bất hợp pháp, cho rằng dòng nhập cư bất hợp pháp "đe dọa tạo ra một cơn bão thực sự".

Cũng trong ngày 20/3, ông Donald Trump tuyên bố đã kích hoạt Đạo luật Sản xuất quốc phòng, sau khi hồi đầu tuần ông nói sẽ thực hiện biện pháp này song về cơ bản đã để ngỏ phương án này cho tới khi thực sự cần thiết. Quyết định này cho phép Chính phủ Mỹ đẩy nhanh hoạt động sản xuất khẩu trang, máy thở, bộ thông gió cũng như các thiết bị cần thiết khác để chống lại dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

-    Châu Phi: Hiện tốc độ lây lan dịch bệnh tại châu Phi vẫn chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng Liên hợp quốc cảnh báo các quốc gia khu vực này vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác do lo ngại một khi dịch bệnh lây lan nhanh, các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém tại khu vực này sẽ không thể chống đỡ.

Các nước châu Phi đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch. Chính phủ Zimbabwe đã ra lệnh đóng cửa các trường học nhằm phòng ngừa sự lây lan của virus, cấm các cuộc tụ tập có sự tham gia từ 100 người trở lên trong 60 ngày tới. Nigeria cũng tuyên bố sẽ đóng cửa trường học, hạn chế các hội nghị khu vực tại thành phố Lagos thuộc bang cùng tên và thủ đô Abuja. Chính quyền sẽ giới hạn các cuộc tụ tập và sự kiện có sự tham gia của hơn 50 người, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp. Ethiopia kêu gọi người dân nước này không nên phân biệt đối xử với người nước ngoài trong bối cảnh số ca nhiễm trên thế giới tiếp tục tăng.

- Indonesia: Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành "điểm nóng" dịch bệnh tại Đông Nam Á khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Jakarta trong vòng 2 tuần để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. Việc một sự kiện tôn giáo tập trung hàng nghìn người vẫn tiếp tục được tổ chức bất chấp yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của chính phủ đang khiến tình hình trở nên phức tạp.

Cập nhật dịch COVID-19 tại Việt Nam đến sáng ngày 21/3 (nguồn: Bộ Y tế)

Số trường hợp mắc:  91

Trong đó, tổng số ca bình phục là 17:

- 16 người mắc COVID-19 tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2 đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

-  01 bệnh nhân mắc COVID-19 tính từ ngày 6/3 đến 20/3 được chữa khỏi (giai đoạn 2)

Số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện nay gồm có:

* BN17:  nữ 26 tuổi tại Hà Nội đi thăm chị gái tại Anh và qua Italy, Pháp và trở về Hà Nội ngày 2/3/2020 .

* BN18: nam  27 tuổi, quê Thái Bình đến Daegu (Hàn Quốc) và trở về Việt Nam ngày 4/3/2020  (đã 3 lần xét nghiệm có kết quả âm tính, được chuyển sang BVĐK Thái Bình theo dõi sức khoẻ)

* BN19, BN20: 2 người tiếp xúc gần với  BN17 đã xác định mắc COVID-19 ngày 6/3.

* BN21: nam 61 tuổi ở Hà Nội, là người ngồi gần hàng ghế trên chuyến bay với BN17 .

* BN22 đến BN30:  là hành khách nước ngoài cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam ngày 2/3/2020, cụ thể:

- BN22: 60 tuổi, quốc tịch Anh;  BN23: 66 tuổi, quốc tịch Anh; BN24: 58 tuổi, quốc tịch Anh; BN25: 70 tuổi, quốc tịch Anh; BN26: 50 tuổi, quốc tịch Ireland; BN27: 67 tuổi, quốc tịch Anh; BN28: 74 tuổi, quốc tịch Anh; BN29: 58 tuổi, quốc tịch Anh; BN30: nữ 66 tuổi, quốc tịch Anh;

* BN31: nam 49 tuổi, quốc tịch Anh cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam ngày 2/3/2020

* BN32:  nữ 24 tuổi sống tại Anh, quốc tịch Việt Nam, có tiếp xúc với BN17 hôm 27/2 tại Anh, đã trở về Việt Nam ngày 9/3/2020 .

* BN33: nam 58 tuổi,  quốc tịch Anh, là hành khách cùng đi trên chuyến bay VN0054 từ Anh về Việt Nam.

* BN34:  nữ 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, khởi hành từ Washington DC (Mỹ) về Việt Nam, quá cảnh tại sân bay Quốc tế Doha (Qatar) và sáng ngày 2/3/2020 nhập cảnh vào Việt Nam.

* BN35: phụ nữ 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, ngày 4/3/2020 có tiếp xúc trực tiếp với hai người Anh (sau này xác định là BN22 và BN23) tại siêu thị Điện máy Xanh ở Đà Nẵng.

* BN36, BN37, BN38: quê ở Bình Thuận có tiếp xúc gần với BN34 đã được xác định mắc COVID-19 ngày 10/3/2020.

* BN39: nam 25 tuổi, là hướng dẫn viên du lịch cư trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), có tiếp xúc với BN24 khi dẫn đoàn khách nước ngoài đi du lịch tại tỉnh Ninh Bình .

* BN40, BN41, BN42: quê tỉnh Bình Thuận, trong đó có bệnh nhi 02 tuổi có tiếp xúc gần với BN34

* BN43: nữ 47 tuổi, quê Bình Thuận tiếp xúc gần với BN38

* BN44:  nam13 tuổi, quê tỉnh Bình Thuận, tiếp xúc gần với BN37

* BN45:  nam, trú quán tại quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh có tiếp xúc gần với BN34 ngày 3/3/2020.

* BN46:  nữ 30 tuổi tại Hà Nội, là tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ London (Anh) về Hà Nội ngày 09/3/2020.

* BN47:  nữ 43 tuổi tại Hà Nội, là giúp việc trong toà nhà của BN17, có tiếp xúc gần với BN17

* BN48: nam31 tuổi, trú quán tại quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, ngồi chung xe ô tô với BN45 và cùng gặp gỡ với BN34

* BN49: nam  71 tuổi quốc tịch Anh, đi trên chuyến bay VN0054 từ London tới Hà Nội ngày 2/3/2020, là chồng của BN30.

* BN50:  nữ 24 tuổi tại Hạ Long (Quảng Ninh), là hành khách trên chuyến bay từ London (Anh) về Việt Nam ngày 9/3/2020

* BN51: nam  50 tuổi tại Hà Nội từ Paris về Việt Nam ngày 10/3/2020 .

* BN52: nữ 22 tuổi tại Hà Nội, là du học sinh ở Châu Âu đi qua nhiều nước, về Nội Bài trên chuyến bay QR968 ngày 13/3/2020 .

* BN53: nam 53 tuổi, quốc tịch Cộng hoà Czech, nhập cảnh vào Việt Nam ngày 10/3 từ chuyến bay QR970 có quá cảnh tại sân bay Doha (Qatar).

* BN54: nam, sinh năm 1987, quốc tịch Latvia, từ Tây Ban Nha nhập cảnh TP. HCM ngày 8/3/2020 cùng vợ trên chuyến bay TK162.

* BN55: nam 35 tuổi, quốc tịch Đức, là hành khách trên chuyến bay VN0018 từ Pháp về Nội Bài sáng ngày 14/3/2020

* BN56: nam, 30 tuổi quốc tịch Anh, là hành khách trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài sáng 09/03/2020

* BN57: nam  66 tuổi, quốc tịch Anh, là hành khách  trên chuyến bay từ Anh về Nội Bài (cùng BN46 tại Hà Nội) sáng 09/03/2020 )

* BN58: nữ  26 tuổi, trú quán quận Ba Đình,  Hà Nội, là du học sinh tại Pháp, nhập cảnh tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài ngày 15/3/2020.

* BN59:  nữ  30 tuổi, trú quán quận Long Biên, Hà Nội, là tiếp viên trên chuyến bay từ Vương Quốc Anh về Việt Nam ngày 02/3/2020.

* BN60: nam, 29 tuổi quốc tịch Pháp là hành khách trên chuyến bay từ Pháp về Nội Bài ngày 09/03/2020.

* BN61: nam giới 42 tuổi, trú quán huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận từ Malaysia về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 4/3/2020 trên chuyến bay VJ826.

* BN62: nam, 18 tuổi trú quận Hoàn Kiếm,  Hà Nội, là du học sinh từ Anh về Việt Nam trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Anh về Việt Nam ngày 16/03/2020

* BN63: nữ, 20 tuổi trú quận Cầu Giấy, Hà Nội, là du học sinh tại Anh nhập cảnh về Nội Bài ngày 15/03/2020 trên chuyến bay TG564.

* BN64: nữ, 36 tuổi, trú quận 8, TP.HCM đi cùng bạn trai từ Thuỵ Sỹ tới Dubai và về Việt Nam ngày 12/3/2020 trên chuyến bay EK392 từ Thuỵ Sỹ quá cảnh Dubai về Cảng hàng không sân bay Tân Sơn Nhất.

* BN65: nữ, 28 tuổi trú quận Gò Vấp, TP.HCM có tiếp xúc và làm việc cùng BN45,48 vào các ngày 7/3 và 10/3.

* BN66: nữ, 21 tuổi, trú quận 7, TP.HCM. Ngày 14/3 bệnh nhân đi từ Mỹ ( Pennsylvania - Philadenphia) tới Toronto - Canada và quá cảnh ở Đài Loan, về tới Việt Nam ngày 16/3 trên chuyến bay BR 395.

* BN67: nam, 36 tuổi trú quán huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, là người đi cùng BN61 đến Malaysia và về Việt Nam ngày 04/3/2020 trên chuyến bay VJ826.

* BN68: nam, 41 tuổi, quốc tịch Mỹ, lấy vợ người Việt Nam có địa chỉ tại TP. Đà Nẵng. Bệnh nhân đi từ Singapore đến TP Đà Nẵng trên chuyến bay MI 632  trưa ngày 14/3/2020.

*BN69: nam, 30 tuổi, quốc tịch Đức, tạm trú tại Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, là du khách, nhập cảnh Nội Bài ngày 13/03/2020 trên chuyến bay SU290.

*BN70: nam, 19 tuổi, trú quán ở Thanh Xuân, Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/03/2020 trên chuyến bay TK164.

*BN71: nữ, 19 tuổi, trú quán ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 16/03/2020 trên chuyến bay TK164.

*BN72: nữ, 25 tuổi, quốc tịch Pháp, là hành khách trên chuyến bay từ Pháp về Nội Bài ngày 09/03/2020

*BN73: nam, 11 tuổi ở Huyện Thanh Miện, Hải Dương, về Việt Nam trên chuyến bay VN0054 ngày 09/03/2020.

*BN74: nam, 23 tuổi ở Lâm Thao, Phú Thọ trở về Việt Nam chuyến bay VN0018 ngày 16/03/2020.

*BN75: nữ, 40 tuổi, ở Quận 2, TP. Hồ Chí Minh, từ Việt Nam sang London - Anh thăm người thân và về Việt Nam trên chuyến bay VN50 của hãng hàng không VietnamAirline.

*BN76: nam, 52 tuổi, quốc tịch Pháp, là hành khách trên chuyến bay TK162 nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 10/03/2020.

*BN77: nữ, 25 tuổi quê quán Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 17/03/2020 trên chuyến bay QR976.

*BN78: nam, 22 tuổi quê quán Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 17/03/2020 trên chuyến bay EK394.

*BN79: nữ, 48 tuổi quê tỉnh Bạc Liêu, sống tại Anh gần 2 năm nay. Ngày 14/3/2020, từ London (Anh) đi Dubai và sau đó về Việt Nam ngày 15/3 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK392.

*BN80: nam, 18 tuổi quê tỉnh Bạc Liêu, con của BN79. Ngày 14/3/2020, cùng BN79 từ London (Anh) đi Dubai và sau đó về Việt Nam ngày 15/3 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK392.

*BN81: nam, 20 tuổi quê tỉnh Kom Tum. Ngày 14/3/2020 từ Paris - Pháp lên chuyến bay của hãng hàng không AirFrance, số hiệu AF258 và về tới Việt Nam ngày 15/3/2020.

*BN82: nữ, 16 tuổi ở Quận 5, TP.Hồ Chí Minh. Ngày 14/3/2020 cùng mẹ từ London - Anh đi Dubai và sau đó về Việt Nam ngày 15/3/2020 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates, số hiệu EK364.

*BN83: nữ, 50 tuổi, quốc tịch Hoa Kỳ, trú tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân đi Phuket - Thái Lan và từ Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ lên chuyến bay của hãng hàng không Turkish Airline, số hiệu TK162 về tới Việt Nam ngày 15/3/2020.

*BN84: nam, 21 tuổi ở Đống Đa, Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18/03/2020 trên chuyến bay VN0054.

*BN85: nam, 20 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18/03/2020 trên chuyến bay VN0054.

*BN86: nữ 54 tuổi, điều dưỡng của Phòng khám ngoại trú HIV - Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai, trở về sau kỳ nghỉ ở Côn Đảo.

*BN87: nữ, 34 tuổi, điều dưỡng làm việc tiếp đón tại khu cách ly Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Qua rà soát cho thấy, bệnh nhân có nhiều lần tiếp xúc gần với BN86.

*BN88:  nữ, 25 tuổi trú tại Hà Đông, Hà Nội, là du học sinh tại Anh, nhập cảnh về Nội Bài ngày 12/03/2020.

*BN89:  nữ, quốc tịch Việt Nam, 22 tuổi ở Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân về sân bay Tân Sơn Nhất khuya ngày 17/3/2020 từ Nhật Bản trên chuyến bay có số hiệu NH 831.

*BN90: nữ,  21 tuổi, quốc tịch Việt Nam ở Quận Bình Thạnh, TP.HCM. Bệnh nhân từ Tây Ban Nha đi Dubai và về tới sân bay Tân Sơn Nhất ngày 16/3/2020 trên chuyến bay của hãng hàng không Emirates số hiệu EK392.

*BN91: nam, quốc tịch Anh, 43 tuổi, trú tại Quận 2, TP.HCM là phi công hãng hàng không Vietnam Airrline.

Tổng số bình phục:               17 trường hợp

>>>     Cập nhật thông tin mới nhất dịch COVID-19 tại đây

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục