Cấp thiết xây dựng đề án logistics nông nghiệp cải thiện chất lượng nông sản

15:33' - 24/06/2023
BNEWS Chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản Việt chưa cao do hạn chế về khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển…

Sản xuất nông nghiệp phát triển, nông sản đóng góp ngày càng cao vào tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá mỗi năm của Việt Nam. Tuy nhiên, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản Việt chưa cao do hạn chế về khâu sơ chế, bảo quản, vận chuyển… Do đó, việc xây dựng đề án logistics (dịch vụ hậu cần) đáp ứng các yêu cầu đặc thù của ngành nông nghiệp là vấn đề cấp thiết, cũng là giải pháp giúp cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị cho nông sản Việt về lâu dài.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 24/6.

 

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết. trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông, lâm và thủy sản đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận.

Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2022, tổng sản phẩm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, bình quân đạt 3,04%/năm.

Việt Nam đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu nông, lâm thuỷ sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới. Sản xuất nông sản đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản không ngừng tăng trưởng và đạt kim ngạch trên 53 tỷ đô la Mỹ (USD) năm 2022.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng còn tồn tại nhiều hạn chế. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi liên kết còn hạn chế, hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại dẫn đến hiệu quả kinh doanh, khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân gây ra những tồn tại này trong đó có nguyên nhân rất quan trọng là các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.

Theo Liên đoàn các hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), dịch vụ logistics là bất kỳ loại dịch vụ nào liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, xử lý, đóng gói hoặc phân phối hàng hóa cũng như các dịch vụ phụ trợ và tư vấn liên quan ví dụ dịch vụ hải quan, bảo hiểm) và trên thực tế là quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng cho khách hàng.

Đây cũng là khái niệm được đưa vào trong Luật Thương mại Việt Nam năm 2005. Với phạm vi rộng, gắn chặt với việc cung ứng sản phẩm, logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất, cung ứng hàng hóa theo nhu cầu và đảm bảo chất lượng nông sản đến tay người tiêu dùng, giúp giảm chi phí, tạo ra giá trị gia tăng, giúp tăng khối lượng giao dịch và thúc đẩy mở rộng thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phân tích, logistics cho kinh doanh nông sản có những đặc thù và những yêu cầu khác so với logistics cho hàng hoá công nghiệp, bị ảnh hưởng chi phối bởi các đặc tính của ngành nông nghiệp là chuỗi cung ứng liên quan nhiều khâu, thu hoạch nông sản mang tính thời vụ và theo mùa. 

Nhiều mặt hàng nông sản cần đảm bảo tươi sống, dễ hư hỏng, dễ nhiễm khuẩn và chỉ có giá trị trong một thời hạn ngắn, số khác lại cần bảo quản ở nhiệt độ thấp với chất lượng và mẫu mã không đồng nhất…

Do đó dịch vụ logistics nông nghiệp có tính khác biệt phải gắn với các vùng sản xuất, phải đảm bảo một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển, và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng. Logistics trong nông nghiệp cần được chú trọng vào đầu tư phát triển các hạ tầng kho, bãi; vận tải lạnh, các dịch vụ đóng gói, chiếu xạ, kiểm định tại các vùng nông nghiệp trọng điểm...

Theo ông Trần Thanh Nam, gần đây thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng mang đến cơ hội phát triển vì có thể giảm chi phí kết nối thị trường và giao dịch cho cả người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, thương mại điện tử cũng mang đến những thách thức với các loại dịch vụ logistics mới, liên quan đến kết nối nhận hàng và giao hàng tận nơi (Door to door), giao hàng chặng cuối (last-mile) và kho lưu trữ phục vụ khu vực đô thị.

Với những đặc tính như vậy, để phát triển dịch vụ logistics cho nông sản đảm bảo gắn kết giữa vùng sản xuất với các khâu trong chuỗi giá trị thì không chỉ cần các chợ đầu mối bán buôn như hiện tại mà phải cần các trung tâm cung cấp dịch vụ logistics ở các cấp độ khác nhau với nhiều chức năng như sơ chế, đóng gói, vận chuyển (nhất là vận chuyển lạnh), kiểm dịch, bảo quản (bao gồm bảo quản lạnh), chiếu xạ và có thể cung cấp các dịch vụ khác như cung cấp thông tin cung cầu thị trường, tổ chức đấu giá...

“Để phát triển logistics một cách có hệ thống và phục vụ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh nông sản thì cần phải có đề án riêng, có tính dài hạn và phải gắn kết vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản vì thế việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” là rất cần thiết”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Tiền Giang cũng cho rằng, việc xây dựng một đề án logistics đáp ứng các yêu cầu đặc thù của ngành nông nghiệp là vô cùng cần thiết để giải quyết các vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay.

Thực tế tại Tiền Giang, một trong những địa phương có nhiều chủng loại nông sản, trái cây phục vụ cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, vào các vụ thu hoạch chính, một lượng lớn trái cây không tiêu thụ hết bị dồn ứ, không có nơi sơ chế, bảo quản phải đổ đống ra đường bán với giá rất rẻ.

Điển hình như có thời điểm thanh long chỉ 2.000 đồng/kg hoặc hiện tại dừa khô có giá 20.000 đồng/ chục (12 quả).

Theo ông Phạm Văn Trọng, dịch vụ logistics nông sản tại Tiền Giang đã được hình thành từ lâu thông qua mạng lưới thương lái thu mua, vận chuyển về các chợ đầu mối trái cây, chợ đầu mối lúa gạo nhưng chưa đồng bộ và hoạt động không hiệu quả.

Do đó, với việc xây dựng đề án logistics nông sản cấp quốc gia Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan cần có giải pháp để thu hút đầu tư xã hội như hỗ trợ cho thuê đất dài hạn với giá ưu đãi, thủ tục gọn nhẹ cho các doanh nghiệp. Từ đó tạo sự kết nối đồng bộ từ mạng lưới logistics cơ sở tại địa phương đến trung tâm logisstics khu vực và logistics cửa khẩu.

“Hệ thống logistics nông sản phải giúp giảm được chi phí đầu vào cho nông dân từ giống, phân, thuốc thông qua việc giảm chi phí vận chuyển; tăng giá trị nông sản bán ra thông qua việc đảm bảo chất lượng nông sản khi đến tay người tiêu dùng thì nông dân mới có lợi.

Bên cạnh đó, đề án logistics nông sản cũng cần khai thác được lợi thế vị trí chiến lược và các điều kiện tự nhiên của từng địa phương, từng khu vực để phục vụ mục tiêu phát triển chung cho các vùng sản xuất chủ lực.”, ông Phạm Văn Trọng nêu đề xuất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục