Câu chuyện đổi thay trên vùng cao Quảng Trị

05:30' - 13/11/2024
BNEWS Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Quảng Trị đang từng ngày viết nên câu chuyện đổi thay, vươn lên thoát nghèo.
Hành trình ấy có sự đồng hành không nhỏ của những chính sách hỗ trợ thiết thực, trong đó nổi bật là chương trình tín dụng ưu đãi giúp bà con xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Giấc mơ an cư thành hiện thực

Từ những mái nhà xuống cấp, hư hỏng, nhiều hộ gia đình DTTS đã có thể an cư lạc nghiệp trong những ngôi nhà kiên cố, vững chãi. 

 

Giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Ảnh: Nguyên Linh

 

Ông Hồ Văn Chiến, người DTTS ở thôn Ka Túp, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa cho biết với khoản vay 40 triệu đồng từ NHCSXH, cùng số tiền tích cóp được, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, thay thế cho căn nhà cũ đã xuống cấp. Không chỉ vậy, ông Chiến còn được vay thêm 100 triệu đồng để đầu tư trồng tràm và chăn nuôi trâu bò, từng bước cải thiện kinh tế gia đình. "Chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước", ông Chiến xúc động chia sẻ.

 
Ông Hồ Văn Quân, Giám đốc NHCSXH huyện Hướng Hóa, cho biết, đơn vị đã giải ngân hơn 31,8 tỷ đồng cho 527 hộ vay vốn theo Nghị định 28, đạt 100% kế hoạch. Nguồn vốn đã giúp 251 hộ xây dựng, sửa chữa nhà ở và 276 hộ đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. 

"Điều đáng mừng là bà con đều sử dụng vốn vay rất hiệu quả", ông Quân nhấn mạnh. Hiện tại, tổng dư nợ cho vay đối với người DTTS tại huyện Hướng Hóa đã đạt hơn 775 tỷ đồng với hơn 11.835 hộ vay vốn.

Yên tâm sản xuất

Không chỉ ở Hướng Hóa, chương trình tín dụng ưu đãi cũng đang mang lại hiệu quả tích cực tại huyện Đakrông. Ước mơ về một ngôi nhà vững chãi đã thành hiện thực đối với gia đình chị Hồ Thị Năm, ở thôn Klu. 

Từ một hộ nghèo, chỉ biết trông chờ vào nguồn thu ít ỏi từ nương rẫy, chị Năm đã được vay 40 triệu đồng để xây nhà. "Giờ đây, chúng tôi không còn lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến", chị Năm vui mừng nói.

Cũng tại xã Đakrông, anh Hồ Văn Công đã sử dụng khoản vay 100 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu. "Lãi suất ưu đãi, thời gian vay dài, lại được trả nợ theo kỳ hạn, giúp chúng tôi yên tâm phát triển sản xuất", anh Công cho biết. Việc chăn nuôi trâu cũng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán sản xuất của người dân địa phương.

Ông Ngô Văn Bảo, Giám đốc NHCSXH huyện Đakrông, cho biết, với hơn 80% dân số là người DTTS, nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế ở địa phương là rất lớn. Đến nay, huyện đã giải ngân hơn 7,8 tỷ đồng cho 196 hộ vay xây dựng nhà ở và hơn 5 tỷ đồng cho 69 hộ vay chuyển đổi nghề. Nguồn vốn đã góp phần cải thiện đáng kể đời sống của bà con, đặc biệt là giúp họ an cư lạc nghiệp trong mùa mưa bão.

Bà Trần Đức Xuân Hương, Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Trị, cho biết, chi nhánh đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng. Nghị định 28/2022/NĐ-CP được ví như "phao cứu sinh", giúp đồng bào DTTS tiếp cận nguồn vốn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 28 tại Quảng Trị đã đạt hơn 52,4 tỷ đồng với gần 1.000 hộ còn dư nợ, góp phần xây dựng, sửa chữa gần 640 ngôi nhà và hỗ trợ 320 hộ chuyển đổi nghề, sản xuất, kinh doanh.

Một điểm đáng chú ý là các chương trình tín dụng chính sách đã giúp hơn 20.000 hộ đồng bào DTTS làm quen với việc vay vốn, sản xuất, tạo thu nhập, qua đó nâng cao trình độ sản xuất kinh doanh và quản lý vốn. Đây là thành công đáng ghi nhận của tỉnh Quảng Trị.

Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khẳng định, chính sách tín dụng ưu đãi đã có tác động tích cực, giúp các hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Chính sách này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào vùng khó khăn, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục