Cầu nối giúp doanh nghiệp vượt khó

19:48' - 24/08/2021
BNEWS Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, Bắc Ninh là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ.

Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời giải ngân nguồn vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.
* Giúp doanh nghiệp vượt khó
Công ty cổ phần May Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh là một trong số các doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh được hưởng lợi ích từ chủ trương cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương cho người lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đây được ví như “bình oxy” giúp doanh nghiệp “dễ thở” hơn, tạo động lực vượt qua đại dịch.
Ông Lương Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đáp Cầu cho biết, tháng 5/2021, do có người lao động mắc COVID-19, để đảm bảo phòng, chống dịch, doanh nghiệp phải tạm đóng cửa 35 ngày. Vì vậy, doanh nghiệp rơi vào tình cảnh rất khó khăn.

Do đặc thù doanh nghiệp làm dệt may, các đơn hàng từ đối tác đều nhận từ nhiều tháng trước nên khi tạm thời đóng cửa doanh nghiệp chịu rất nhiều áp lực. Hàng không thể sản xuất, nguyên liệu đã nhập về chất đầy kho, các đối tác liên tục giục hàng. Do không “trả” được hàng đúng hẹn nên nhiều đơn hàng bị hủy, ảnh hưởng lớn đến doanh thu.
Trong khi đó, trong thời gian này, doanh nghiệp vẫn trả lương hỗ trợ cho 100% công nhân, người lao động với khoảng trên 1.800 người, số tiền trung bình khoảng 5 triệu đồng/người/tháng từ nguồn quỹ dự phòng tiền lương, quỹ phúc lợi xã hội, quỹ dự phòng tài chính của công ty. Sự hỗ trợ này đã giúp công nhân lao động vơi bớt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, doanh nghiệp càng rơi vào cảnh khó khăn.
Vừa qua, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, doanh nghiệp được hỗ trợ theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, công ty đã được vay hơn 7 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời gian 11 tháng để trả lương cho người lao động bị ngừng việc và khôi phục sản xuất.

Nguồn vốn này thực sự hữu ích, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, là nguồn động lực to lớn giúp doanh nghiệp vượt khó, ông Lương Văn Thư chia sẻ.
Tương tự, Công ty TNHH Việt Pacific Clothing, thành phố Bắc Ninh vừa được giải ngân vay vốn để trả lương cho người lao động ngừng việc và phục hồi sản xuất với số tiền hơn 9 tỷ đồng, trả lương cho hơn 2.300 lao động. Đây là động lực giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất.
Ông Kim Jung Woong, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Việt Pacific Clothing cho biết, trong thời gian Bắc Ninh bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, mặc dù doanh nghiệp không có bệnh nhân mắc bệnh nhưng cũng tạm ngừng sản xuất để bảo đảm phòng chống dịch.

Đến nay, khi tình hình dịch bệnh ổn định, công ty được giải ngân vốn vay để trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất. Hiện công ty đang động viên công nhân viên đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Ông Woong mong muốn, thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ này.
Chị Nguyễn Thị Thu Nhung, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ dược phẩm Đông Á cho biết, doanh nghiệp của chị chuyên sản xuất thực phẩm chức năng, giải quyết việc làm thường xuyên hơn 30 lao động. Khi dịch bệnh bùng phát, 3/4 số công nhân của công ty ở trong khu vực phong tỏa không thể đến doanh nghiệp làm việc.

Số ít lao động được bố trí ăn ở, sinh hoạt tại công ty cũng không có việc làm do không có đơn hàng sản xuất. Từ đầu tháng 7, công ty mới bắt đầu sản xuất trở lại. Công ty được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quế Võ tuyên truyền, hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ vay vốn phục hồi sản xuất và rất mong muốn sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước.
* Chủ động các biện pháp hỗ trợ
Theo ông Hoàng Trọng Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Ninh đã triển khai rộng rãi đến các khách hàng.

Xác định đây là Nghị quyết quan trọng nhằm hỗ trợ kịp thời người sử dụng lao động và người lao động sớm ổn định cuộc sống, nhanh chóng phục hồi sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, chi nhánh đã chủ động triển khai tiếp cận doanh nghiệp; đồng thời hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi nhất.
Cụ thể, để hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đạt hiệu quả, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nhằm nắm bắt kịp thời thông tin người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn để triển khai cho vay; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền về chủ trương chính sách cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất; kiểm tra, giám sát, bảo đảm việc thực hiện chính sách đúng quy định, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách...

Theo đó, người sử dụng lao động được vay vốn với lãi suất 0% và không phải bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay dưới 12 tháng.

Để tiếp cận được nguồn vay, người sử dụng lao động không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn; có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh; người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến thời điểm đề nghị vay vốn…
Tính đến ngày 14/8, đã có hơn 200 doanh nghiệp liên hệ, tiếp cận với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để được hướng dẫn thủ tục vay vốn. Ngân hàng đã thực hiện hướng dẫn thủ tục hồ sơ cho hơn 50 người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn với số tiền vay 58,8 tỷ đồng để trả lương cho 15.000 người lao động.

Đến nay, chi nhánh đã nhận được 9 hồ sơ; trong đó có 8 hồ sơ đã hoàn thiện và đủ điều kiện vay vốn và đã thực hiện giải ngân cho 7 người sử dụng lao động để trả lương cho trên 5.600 lao động và là một trong số những địa phương giải ngân sớm, số lượng vốn lớn trong cả nước.
Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, nắm bắt nhu cầu vay vốn của người sử dụng lao động; chủ động tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng lao động lập, hoàn thiện hồ sơ giải ngân thuận lợi nhất; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực như vận tải, du lịch, dịch vụ lưu trú, hàng không…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục