Cây có múi “lên ngôi” trên vương quốc vải thiều Lục Ngạn

14:39' - 08/12/2018
BNEWS Nhắc đến huyện Lục Ngạn, Bắc Giang, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến thủ phủ của vải thiều. Giờ đây, cùng với cây vải các loại cây có múi như cam, bưởi cũng phát triển mạnh mẽ trên vùng đất này.

Trước kia, cây vải thiều giúp nhiều người dân Lục Ngạn thoát nghèo và trở thành triệu phú thì nay cây có múi ở Lục Ngạn giúp nhiều người dân nơi đây làm giàu, trở thành tỷ phú.

Cây cam hợp đất, hợp khí hậu, cùng với sự chăm sóc cẩn thận đã phát triển mạnh mẽ.

* Những tỷ phú cam, bưởi

Được coi là tỷ phú có nhiều đất và cam bưởi nhất vùng, chị Nguyễn Thị Chiếm, thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang bắt tay vào trồng cam năm 2009.

Lúc đấy, chị đã mạnh dạn phá bỏ toàn bộ 2 ha vải của gia đình để trồng gần 2 nghìn cây cam.

Tuy nhiên, việc làm của chị đã bị nhiều người nghi ngờ, phản đối vì lúc đó vải là cây trồng truyền thống, chủ lực của địa phương.

Không phụ công người, những cây cam hợp đất, hợp khí hậu, cùng với sự chăm sóc cẩn thận của chị đã phát triển mạnh mẽ.

Vụ đầu tiên, chị Chiếm đã thu về gần 400 triệu đồng, gấp 4 lần so với trồng vải. Thấy hiệu quả, chị tiếp tục đầu tư, mua thêm đất đồi, mở rộng diện tích trồng cam, bưởi.

Đến nay, gia đình chị có khoảng 7,5 ha cây ăn quả các loại; trong đó có 2 ha cam lòng vàng, 1,5 ha cam ngọt và 4 ha bưởi da xanh, mỗi năm cho thu nhập hơn 2 tỷ đồng. Hiện nay, cứ đến mùa thu hoạch, thương lái đều tìm về tận vườn nhà chị để mua.

Chị Chiếm cho biết, cây vải là cây trồng truyền thống, chủ lực của địa phương, nhưng giá cả lại bấp bênh, lúc nên, lúc xuống không ổn định. Trên cùng một diện tích, so với cây vải, cây cam cho thu nhập cao hơn khoảng từ 3- 4 lần.

Tương tự, mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình anh Lê Duy Chứ ở thôn Nam Điện, xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn mỗi năm cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng.

Luôn đau đáu tìm một cây trồng cho thu nhập ổn định hơn cây vải. Năm 2010, qua người bà con ở tỉnh Bến Tre anh biết đến cây bưởi da xanh là loại cây giúp nhiều hộ nông dân phát triển kinh tế làm giàu.

Sau một thời gian tham quan, tìm hiểu thực tế, gia đình anh chuyển bớt diện tích vải hiện có để đầu tư trồng 600 cây bưởi da xanh.

Thấy cây bưởi phù hợp với vùng đất đồi, phát triển tốt, lại dễ chăm sóc, năm sau anh tiếp tục trồng thêm 1 nghìn cây bưởi. Để có kiến thức chăm sóc cây trồng mới này, anh Chứ tìm hiểu kỹ thuật qua sách, báo, đồng thời đi thực tế tìm hiểu cách chăm sóc tại những vườn bưởi khác.

Được chăm sóc đúng cách, vườn bưởi nhà anh luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh. Sau 3 năm, những cây bưởi đầu tiên đã cho thu hoạch. Đến nay, gia đình anh mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh lên 3 ha với trên 2 nghìn cây, năng suất trung bình đạt từ 50- 60 tấn quả mỗi năm.

Với giá bán hiện nay khoảng 30 – 50 nghìn đồng/kg, ước tính vụ này gia đình anh thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng.

Anh Chứ cho biết, chất lượng quả bưởi da xanh trồng ở Lục Ngạn không kém gì quả bưởi da xanh ở Bến Tre, mỗi quả bưởi nặng từ 1,5 kg đến 2kg, có vị ngon ngọt, thanh mát nên được thị trường ưa chuộng. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái lại đến đặt mua cả vườn nên không lo đầu ra.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, sau mỗi vụ quả, số hộ dân trồng cam, bưởi ở Lục Ngạn có thu nhập từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng không phải là hiếm.

Một số hộ có doanh thu từ tiền bán quả đạt khoảng 3 tỷ đồng như hộ gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn, thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải, Lục Ngạn với sản lượng bưởi đạt trên 70 tấn quả; hộ bà Nguyễn Thị Luật, thôn Sẻ Cũ, xã Thanh Hải, Lục Ngạn, sản lượng bưởi ước đạt hơn 65 tấn quả.

* Mở rộng kết nối cung cầu

Cây có múi như cam, bưởi mới du nhập vào Lục Ngạn được hơn 10 năm nhưng nhanh chóng phát triển rộng khắp.

Hiện, huyện Lục Ngạn có trên 6.500 ha cây có múi, chủ yếu là bưởi da xanh, cam ngọt (gốc Vân Canh), cam lòng vàng (gốc cam Vinh), bưởi ngọt (gốc bưởi Diễn).

Sản lượng năm 2018 ước đạt hơn 55 nghìn tấn, tăng 10 nghìn tấn so với năm 2017, ước tính sẽ đem lại thu nhập trên 1.200 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của Lục Ngạn rất phù hợp cho cây ăn quả có múi phát triển, cùng kỹ thuật chăm sóc của người dân đã tạo ra sản phẩm cam, bưởi của địa phương có chất lượng thơm ngon không kém gì ở quê gốc.

Sau mỗi năm, chất lượng quả có múi của Lục Ngạn ngày càng tăng, quả ngọt, đượm, nhiều nước, róc múi, mầu sắc vỏ quả rất đẹp, trong khi giá thành thấp hơn nhiều so với các loại quả "chính gốc", nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Những năm qua, chính quyền và nhân dân huyện Lục Ngạn đã tập trung thực hiện nhiều biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu cho cây có múi ở Lục Ngạn nhằm tạo đầu ra ổn định.

Cùng với việc tập trung mở rộng vùng trồng cam, bưởi ở các xã có nhiều diện tích đồi cao, đất đai màu mỡ như: Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Quý Sơn, Trù Hựu, Nam Dương, Giáp Sơn, Tân Lập và thị trấn Chũ, huyện chỉ đạo, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào chăm sóc cây ăn quả.

Cùng đó, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật, Viện Cây ăn quả tổ chức tập huấn quy trình VietGAP cho các chủ vườn trên địa bàn; hướng dẫn các hộ sử dụng thuốc sinh học phòng, trừ sâu bệnh cho cây; tăng cường bón phân hữu cơ thay phân bón vô cơ, bảo đảm sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường.

Để giúp nông dân thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2016, cứ vào tháng 11 hàng năm huyện Lục Ngạn lại tổ chức Ngày hội trái cây nhằm giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng trong, ngoài nước về sản phẩm cây có múi của huyện.

Năm 2018, huyện đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại như trích kinh phí hỗ trợ người dân về bao bì, nhãn mác sản phẩm.

Đặc biệt, huyện tổ chức Hội chợ Trái cây Lục Ngạn thay vì ngày hội như mọi năm để du khách có điều kiện tham quan, tìm hiểu sản phẩm cũng như tạo cơ hội kết nối tiêu thụ.

Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn Nguyễn Thanh Bình cho biết, hiện đang là thời điểm sôi động thu hoạch cây có múi ở Lục Ngạn, huyện đã chủ động, kết nối, làm việc và mời các công ty, doanh nghiệp, các chợ đầu mối hoa quả lớn trong cả nước như Thủ Đức, Bình Điền, Dầu Giây…, cùng hệ thống các kênh phân phối bán lẻ như Big C, Saigon Co.op … về dự hội chợ, tham quan, xúc tiến, ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Thời gian tới, huyện Lục Ngạn sẽ định hướng cho nông dân sản xuất theo mô hình công nghệ cao, lựa chọn giống cây tốt có năng suất, chất lượng, sản xuất sạch, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ, liên kết với doanh nghiệp để chế biến sâu, hướng tới đáp ứng yêu cầu của ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu ra các nước trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục