Chẩn đoán “sức khoẻ” của doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh

15:59' - 09/07/2024
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh vẫn là nơi lý tưởng cho các doanh nghiệp đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, tuy nhiên “sức khoẻ” của các doanh nghiệp đang đối diện nhiều vấn đề.

Đây là nhận định các chuyên gia đưa ra trong Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh 2023 được công bố tại "Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024" (Diễn đàn PBCF) do Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp Viện Sáng kiến Việt Nam và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên tổ chức  tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 9/7.

 

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), Chủ nhiệm Báo cáo phân tích năng lực cạnh tranh doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh năm 2023 thông tin: Kết quả phân tích các chỉ số cho thấy Tp. Hồ Chí Minh vẫn là nơi được các doanh nghiệp ưu tiên đặt trụ sở và tổ chức hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo các số liệu thống kê thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của thành phố đang chậm lại so với bình quân chung của cả nước.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Nếu chỉ xét các doanh nghiệp tư nhân, theo xếp hạng trên, trong nhóm 10 doanh nghiệp lớn nhất, năm 2010 Tp. Hồ Chí Minh có 5 doanh nghiệp, nhưng đến năm 2022 chỉ còn lại 3 doanh nghiệp.

Còn trong danh sách Fortune 500 do Tạp chí Fortune công bố vào tháng 6/2024, Việt Nam có 70 doanh nghiệp lọt vào bảng xếp hạng với 30 doanh nghiệp ở Hà Nội và 25 doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh. Cũng trong danh sách này, trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất thì Hà Nội có 6 doanh nghiệp còn Tp. Hồ Chí Minh có 2 doanh nghiệp.

Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết của Tp. Hồ Chí Minh có xu hướng đi xuống rõ rệt từ 50% (năm 2010) còn khoảng 30% (cuối năm 2022). Ngoài ra, các chỉ số về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người của Tp. Hồ Chí Minh cũng đang giảm so với các thành phố khác trong khu vực.

Nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh chỉ rõ, nguyên nhân khiến cho năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thành phố giảm sút cả về “chất” và “lượng” đến từ nhiều yếu tố. Cụ thể, chiến lược hoạt động của chính doanh nghiệp chưa rõ ràng nên chưa mang lại hiệu quả; trình độ phát triển cụm ngành còn khá khiêm tốn, thiếu vắng sự liên kết, tương hỗ lẫn nhau; môi trường kinh doanh dù được cải thiện nhưng vẫn còn cách xa kỳ vọng của doanh nghiệp…

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, theo ông Huỳnh Thế Du, các doanh nghiệp cần đặt chiến lược và tầm nhìn trong tâm thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong nước và quốc tế để vươn lên. Xây dựng thương hiệu và quốc tế hoá thương hiệu là hết sức cần thiết bởi số đông doanh nghiệp bắt đầu từ gia công hay thầu phụ, tuy nhiên năng suất và khả năng phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc vào năng lực đổi mới sáng tạo và tính độc đáo, hữu ích của sản phẩm, dịch vụ được cung cấp. 

"Doanh nghiệp cũng cần chú ý đến việc chuyển đổi quản trị truyền thống sang các ứng dụng các công cụ quản trị chuyên nghiệp, hiện đại để tối ưu hoá mọi nguồn lực cũng như hiệu quả”, ông Du khuyến nghị.

Về phía hiệp hội, hội ngành nghề, các chuyên gia cho rằng cần cải tiến mô hình tổ chức và hoạt động gắn với mục tiêu quan trọng nhất là sự phát triển của doanh nghiệp, cụ thể là lợi nhuận, gia tăng giá trị doanh nghiệp. Các hiệp hội cần tạo dựng cơ chế hợp tác; tiên phong dẫn dắt doanh nghiệp tiếp cận hệ sinh thái cụm ngành. Với chính quyền thành phố, cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo cơ chế và hỗ trợ để các tổ chức hợp tác và phối hợp hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất tạo ra của cải cho toàn xã hội. Các doanh nghiệp đóng góp vào GDP, tạo việc làm cho người dân và nguồn thu ngân sách cho nhà nước. Sự phát triển bền vững của Tp. Hồ Chí Minh phụ thuộc vào năng lực tạo ra giá trị gia tăng cũng như năng lực cạnh tranh của lực lượng doanh nghiệp.

Trong những năm qua, cùng với Trung ương, thành phố đã có nhiều chính sách, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, hỗ trợ phát huy vai trò của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân.

Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của địa phương không chỉ dựa vào năng lực điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố (PCI) mà đòi hỏi sự đồng bộ giữa năng lực quản trị nội tại của các doanh nghiệp và năng lực quản trị của chính quyền địa phương.

Do vậy, việc tổ chức diễn đàn năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh là hết sức quan trọng để có một bức tranh tổng thể về vị trí hiện tại và sự phát triển trong dài hạn của lực lượng doanh nghiệp cũng như năng lực cạnh tranh kinh tế của mỗi địa phương. Trên cơ sở đó, Tp. Hồ Chí Minh sẽ lắng nghe các đề xuất, giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội cho thành phố và cả nước.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục