Chăn nuôi nhỏ lẻ là thách thức trong phòng, chống bệnh cúm gia cầm

12:56' - 22/03/2019
BNEWS Sáng 22/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025”.
 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN 
Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng truyền lây giữa động vật và người. Để phòng, chống bệnh cúm gia cầm hiệu quả, ngày 13/2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 172/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025”.
Kế hoạch sẽ tập trung vào 12 nội dung, giải pháp chính; trong đó, tập trung vào phân vùng để có cơ sở kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh cúm gia cầm; giám sát dịch bệnh; xử lý dịch bệnh; tiêm vắc xin phòng bệnh; kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, quản lý kiểm soát chợ buôn bán gia cầm sống; kiểm soát giết mổ, ấp nở gia cầm; vệ sinh tiêu độc khử trùng; xây dựng vùng, chuỗi cơ sở an toàn dịch bệnh… Mục tiêu là kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh cúm gia cầm xảy ra và lây lan diện rộng, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của bệnh cúm gia cầm đối với sức khoẻ cộng đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm đã đem lại hiệu quả cao trong việc phòng, chống cúm gia cầm những năm qua. Đến nay, cúm gia cầm chỉ còn ở những hộ nhỏ lẻ, không có sự lây lan sang người. Đây là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ quan trọng của các tổ chức quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN 
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm riêng ở nước ta vẫn chủ yếu nhỏ lẻ trong khu dân cư, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Do vậy, nguy cơ xảy ra vấn đề dịch bệnh rất cao. Trước bối cảnh mới, Thứ trưởng đề nghị các bộ ngành, các tỉnh thành với trách nhiệm trong phòng chống dịch tiếp tục quyết tâm cao hơn nữa trên cơ sở triển khai quyết liệt hơn về kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Thứ trưởng cũng mong muốn, các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh nói chung và cúm gia cầm nói riêng.
Trong giai đoạn 2014 đến tháng 3/2019, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Kết quả, Việt Nam cơ bản kiểm soát được dịch bệnh cúm gia cầm, phạm vi có dịch (cấp xã) trung bình hằng năm giảm 2,6 lần so với giai đoạn trước năm 2014; số gia cầm buộc phải tiêu hủy vì bệnh cúm gia cầm giảm 3,6 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y, trung bình mỗi năm các tỉnh bố trí kinh phí mua khoảng 180 triệu liều vắc xin cúm gia cầm và khoảng 180 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch. Hiện nay, cả nước có 28 phòng thử nghiệm bệnh động vật; trong đó, có 17 phòng thí nghiệm đủ năng lực xét nghiệm bệnh cúm gia cầm.
Cục Thú y cũng đã phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Thú y thế giới (OIE) tổ chức lấy mẫu giám sát bệnh cúm gia cầm hàng năm. Đặc biệt, Việt Nam đã và đang xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đến nay, cả nước đã có 6 vùng (cấp huyện) và 654 cơ sở chăn nuôi gia cầm tại 28 tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm. Một số chuỗi sản xuất thịt gà, trứng gia cầm đạt tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh để xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ, cả nước có 70% tổng số xã phường có chăn nuôi gia cầm với trên 12 triệu hộ chăn nuôi; trong đó, có trên 70% số hộ nuôi gia cầm ở quy mô nhỏ lẻ. Do đó, việc áp dụng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gặp khó khăn hoặc không áp dụng.
Đây cũng là trăn trở cũng như khó khăn lớn được nhiều đại biểu nêu ra tại hội nghị. Theo ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, những năm qua, dịch bệnh thường xảy ra chủ yếu trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Để phòng chống dịch bệnh, giải pháp tiêu độc khử trùng là rất quan trọng. Bắc Giang luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng phải thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc khử trùng, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại. Cùng với đó là kiểm soát an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các cơ sở giết mổ, lò ấp nở gia cầm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục