Chặng đường phục hồi khó khăn của kinh tế thế giới

05:00' - 08/05/2020
BNEWS Theo mạng tin Arab News, nhiều chuyên gia đánh giá khi thế giới trải qua đỉnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu có thể sụt giảm hơn 4.000 tỷ USD.
Một nhà thờ ở Barcelona, Tây Ban Nha, bị đóng cửa ngày 14/3/2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. Ảnh: THX/ TTXVN

Đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP của Mỹ có thể giảm tới 19%, bất chấp các gói kích thích mà Washington đang triển khai.

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng những hạn chế, song các hoạt động kinh tế và động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như du lịch, giao thông, chế tạo và chi tiêu tiêu dùng vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn.

Đối với phần còn lại của thế giới, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi nhiều chính phủ thiếu các công cụ và nguồn lực cần thiết để tăng cường mạng lưới an sinh xã hội, cũng như cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Hàng loạt nền kinh tế đang phát triển áp dụng chính sách đóng cửa biên giới, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động xuất khẩu, đe dọa nguồn thu thuế và dòng đầu tư nước ngoài, vốn là những tác nhân rất cần thiết đối với sự phục hồi kinh tế.

Quyết định tạm hoãn thanh toán nợ của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dù được hoan nghênh, song đã bỏ qua những tác động của sự đình trệ kinh tế kéo dài ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào dòng chảy thương mại toàn cầu và thị trường hàng hóa.

Các nước này cũng rất nhạy cảm trước bất kỳ sự gián đoạn dù là nhỏ nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với những lựa chọn hạn chế như vậy, để khôi phục nền kinh tế, nhiều quốc gia không còn giải pháp nào khác là phải vay nợ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng nợ công tại các quốc gia phát triển có thể tăng thêm 60.000 tỷ USD, tương đương khoảng 15% tổng GDP, một con số mà thế giới chưa từng chứng kiến kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Điều đáng lo ngại là những tính toán này được ước lượng khi chưa rõ bao giờ phần lớn thế giới sẽ nới lỏng hoàn toàn các biện pháp hạn chế, đồng nghĩa các khoản nợ tích lũy có thể sẽ còn tăng nếu tình trạng phong tỏa kéo dài hơn dự kiến.

Trong kịch bản các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất thấp bằng cách tăng lượng mua vào trái phiếu, những lo ngại về tình trạng lạm phát sẽ càng lớn bên cạnh sự sụp đổ chưa từng thấy về nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.

Bên cạnh đó, giả định này chỉ đúng nếu các ngân hàng trung ương có đủ công cụ chính sách thích hợp và cung cấp hỗ trợ đầy đủ để giảm thiểu tác động của các cuộc khủng hoảng tài chính.

Ở chiều ngược lại, những nền tảng này sẽ thay đổi trong trường hợp giá dầu mỏ dần phục hồi khi thế giới mở cửa trở lại. Nguy cơ lạm phát sẽ buộc một số ngân hàng trung ương giảm mua trái phiếu, khiến lãi suất tăng sớm và các khoản nợ trở nên đắt đỏ hơn.

Trong số 66 thị trường mới nổi trên quy mô toàn cầu, chỉ có Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Kuwait và Morocco có sự dung hòa giữa nợ công và nợ nước ngoài thấp, bên cạnh nguồn dự trữ ngoại hối phù hợp.

Trong khi đó, các quốc gia như Lebanon, Tunisia, Jordan, Ai Cập và Iraq thì không sở hữu những yếu tố đó, khiến họ có nguy cơ không thể cân bằng giữa “thắt lưng buộc bụng” với kích thích kinh tế.

Rất lâu sau đại dịch COVID-19, một phần khu vực Trung Đông sẽ phải vật lộn để phục hồi kinh tế, ngay cả với những quốc gia đang trong quá trình kiểm soát tốt chi tiêu công và cân bằng ngân sách.

Trên thực tế, mức nợ gia tăng trên quy mô toàn cầu hiện nay từng xảy ra cách đây 75 năm, song các điều kiện phục hồi tại thời điểm đó là rất khác. Mặt khác, từ những bài học sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, thế giới đã nhận ra điều gì sẽ xảy ra khi các quốc gia tìm cách rút ngắn thời gian kiểm soát nợ.

Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” không mang lại nhiều kết quả tích cực và Liên minh châu Âu (EU) vẫn trong “mớ bòng bong” chính trị khi cố gắng cắt giảm ngân sách.

Sự gián đoạn hiện tại đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, thương mại và thị trường hàng hóa đồng nghĩa các nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu trong khu vực phải chuẩn bị cho giai đoạn suy giảm kéo dài hoặc tăng trưởng chậm chạp. Do đó, nhóm các nước này cần lên kế hoạch ứng phó một cách phù hợp.

Các dự báo tăng trưởng trong tương lai dựa trên nhu cầu phục hồi nhanh chóng dường như đã không còn phù hợp khi thế giới dần trở nên thích nghi với tình trạng phong tỏa. Những tác động sẽ không xảy ra ngay tức thì, nhưng trong một thế giới hậu đại dịch, nhiều quốc gia có thể sẽ ưu tiên cho thương mại song phương hơn là đa phương.

Điều này sẽ làm hạn chế nghiêm trọng khả năng và nguồn lực của các chính phủ trong dài hạn, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo, để có thể sẵn sàng hành động khi một đại dịch khác xảy ra hoặc khủng hoảng tài chính xuất hiện.

Trong bối cảnh đó, các chính phủ sẽ phải xem xét cẩn trọng giải pháp cân bằng ngân sách và kích thích nền kinh tế, để không lặp lại những sai lầm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục