Chất lượng không khí công sở ảnh hưởng đến sự nhận thức của nhân viên

06:50' - 14/09/2021
BNEWS Theo nghiên cứu của các nhà khoa học ở Harvard (Mỹ), chất lượng không khí trong văn phòng có thể tác động đáng kể đến khả năng nhận biết của nhân viên.

Nếu bạn cảm thấy uể oải ở công sở - ô nhiễm và thông gió kém có thể là nguyên nhân.             

Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Harvard (Mỹ) vừa công bố trên tạp chí Environmental Research Letters, đã phát hiện rằng chất lượng không khí trong văn phòng có thể tác động đáng kể đến khả năng nhận biết của nhân viên, bao gồm tốc độ phản ứng và khả năng tập trung.

Một trong các tác giả của nghiên cứu trên, ông Jose Guillermo Cedeno Laurent cho biết: “Đã có rất nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm ngoài trời, nhưng 90% thời gian của chúng ta là ở trong nhà”.

Theo ông, một số ít nghiên cứu trước đây về các điều kiện không khí trong nhà chỉ tập trung vào các yếu tố như nhiệt độ, hơn là tác động đối với nhận thức.

Ông Cedeno Laurent và các cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu đối với các 302 nhân viên văn phòng ở 6 quốc gia (Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Thái Lan, Mỹ và Anh) trong thời gian 1 năm. Nghiên cứu kết thúc vào tháng 3/2020, khi đại dịch COVID-19 dẫn tới hàng loạt lệnh phong tỏa trên khắp thế giới.

Những người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi từ 18-65, làm việc ít nhất 3 ngày/tuần tại văn phòng và có chỗ ngồi cố định trong phòng.

Nơi làm việc của họ được gắn một thiết bị cảm ứng môi trường để giám sát trong thời gian thực mật độ hạt bụi mịn kích thước từ 2,5 micrometers trở xuống (PM 2.5), cũng như CO2, nhiệt độ và độ ẩm.

Người tham gia nghiên cứu được cấp một ứng dụng trên điện thoại để thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức vào các thời điểm xác định trước hoặc khi thiết bị cảm ứng phát hiện mật độ PM 2.5 và CO2 giảm xuống dưới hoặc tăng vượt một số mốc đã định.

Mật độ CO2 thể hiện mức thông gió trong phòng. Ở ngoài trời, mật độ CO2 khoảng 400ppm được coi là giới hạn cao nhất, trong khi giới hạn trong phòng là 1.000ppm.

Trong nghiên cứu trên, có hai bài kiểm tra. Bài kiểm tra đầu tiên yêu cầu xác định chính xác màu sắc của từ hiện trên màn hình điện thoại trong khi nghĩa của từ là màu khác, qua đó đánh giá tốc độ nhận biết và khả năng tập trung. Bài kiểm tra thứ hai là phép tính cộng hoặc trừ số có hai chữ số để đánh giá khả năng nhận biết và ghi nhớ.

Kết quả cho thấy khi mức độ PM 2.5 tăng lên mức 10 micrograms/m3 làm giảm 1% tốc độ nhận biết trong cả hai bài kiểm tra và giảm hơn 1% độ chính xác trong câu trả lời.

Để so sánh, mức PM2.5 ngoài trời tại thủ đô Washington của Mỹ là 13,9 micrograms/m3 vào ngày 9/9 (theo trang IQAir), trong khi con số này là 42 micrograms/m3 ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Về nồng độ CO2, kết quả nghiên cứu cho thấy cứ tăng lên mức 500ppm sẽ dẫn tới  giảm hơn 1% tốc độ phản ứng và hơn 2% độ chính xác trong hai kiểm tra trên.

Các nghiên cứu trước đây đã cho thấy phơi nhiễm PM2.5 trong thời gian dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và gây thoái hóa thần kinh. Nghiên cứu nói trên là nghiên cứu đầu tiên cho thấy các tác động tức thời của việc phơi nhiễm PM2.5.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị một số biện pháp đối với các nhân viên công sở trở lại làm việc tại văn phòng.

Trước tiên là mở cửa sổ. Nếu chất lượng không khí ngoài trời không tốt, cần nâng cấp hệ thống lọc khí của tòa nhà hoặc bổ sung các máy lọc không khí cầm tay cũng là biện pháp hiệu quả.

Nghiên cứu trên được công bố trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang thảo luận để thông qua gói hỗ trợ cơ sở hạ tầng.

Ông Cedeno Laurent cho rằng giờ là lúc phải lên kế hoạch cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả, xây dựng những tòa nhà có hệ thống thông gió và lọc khí tốt./.

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục