Chất lượng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam chưa cao

17:08' - 15/12/2016
BNEWS Hiện nay, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được Chính phủ rất chú trọng, tuy nhiên chất lượng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam không cao.

Ngày 15/12, Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân (HĐND) Tp.Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học "Doanh nghiệp khởi nghiệp - Hướng phát triển", nhằm gợi ý chính sách giúp hỗ trợ phát triển năng lực khởi nghiệp phù hợp với bối cảnh Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng.
Hiện nay, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang được Chính phủ rất chú trọng, tuy nhiên chất lượng môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam không cao.

Điển hình, báo cáo "Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015 - 2016" (GEM Việt Nam 2015) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cho thấy, chỉ số sáng tạo, đổi mới trong năm 2015 chỉ đạt 11,4%, xếp hạng thứ 50 trong 60 quốc gia thực hiện GEM.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lo lắng thất bại trong kinh doanh dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao là 45,6%. Đặc biệt, ba lý do chính khiến người Việt Nam từ bỏ kinh doanh là gặp khó khăn về tài chính, lợi nhuận thấp và có được cơ hội làm việc khác.
Bên cạnh nhận định việc cải thiện môi trường kinh doanh là điều kiện cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, cho rằng, lĩnh vực công nghệ thông tin ngày càng phát triển, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần hướng tới ứng dụng công nghệ thông tin, bám theo cuộc cách mạng số - cách mạng công nghệ lần thứ 4.

Một doanh nghiệp khởi nghiệp không nên quá phụ thuộc vào vốn, mà cần ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối người tiêu dùng với doanh nghiệp sản xuất thông qua các dịch vụ tốt sẽ mang lại cơ hội thành công cao.
Theo ông Mã Văn Tuệ, Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. Hồ Chí Minh, Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa và phát triển bền vững, nên các nhà khởi nghiệp trong thời điểm này phải đối diện với nhiều thách thức không nhỏ; trong đó, việc đưa ra những quyết sách về quản trị trong quá trình thực hiệu cũng như các chức năng quản trị để điều hành doanh nghiệp khởi nghiệp là rào cản hàng đầu.
Do đó, chính quyền Tp. Hồ Chí Minh cần có giải pháp phát triển mạnh mẽ các trung tâm ươm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển dựa vào công nghệ thông qua các "Vườn ươm doanh nghiệp"; đồng thời, khuyến khích thành lập các Quỹ đầu tư tư nhân, Quỹ đầu tư mạo hiểm... để tạo nguồn "vốn mồi" hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho hay, để có hệ sinh thái tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thành phố phải sớm xúc tiến đầu mối tập trung để hỗ trợ thủ tục, vốn...

Song song đó, vấn đề cần thiết đối với phát triển khởi nghiệp hiện nay là thành lập các trung tâm chuyên ngành, độc lập để thẩm định tính hiệu quả của các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp thường chưa hoàn chỉnh bộ máy hoạt động, quản trị doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết đang xây dựng các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất hợp lý tập trung vào các lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn, ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Theo đó, đơn vị này sẽ tích cực tăng cường các giải pháp góp phần nâng cao tinh thần khởi nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh, hướng tới năm 2020 đạt hơn 500.000 doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục