Chất lượng nước trên các dòng sông tại Hải Phòng đều có dấu hiệu ô nhiễm

07:45' - 21/12/2016
BNEWS Những dòng sông cung cấp nước ngọt cho Hải Phòng gồm: Sông Giá, Rế, Đa Độ bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ như Ni tơ, Phốt pho, Coliform, BOD, nhất là những khúc sông qua các khu dân cư.
Chất lượng nước trên các dòng sông tại Hải Phòng đều có dấu hiệu ô nhiễm. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo của UBND thành phố Hải Phòng về “Công tác bảo vệ môi trường và kết quả quan trắc môi trường năm 2016, nhiệm vụ và giải pháp năm 2017”, các dòng sông trên địa bàn thành phố đều có dấu hiệu ô nhiễm.

Theo đó, đối với những dòng sông cung cấp nước ngọt cho thành phố Hải Phòng gồm: Sông Giá, Rế, Đa Độ bị ô nhiễm bởi các chất hữu cơ như Ni tơ, Phốt pho, Coliform, BOD, nhất là những khúc sông qua các khu dân cư. Đối với một số sông, kênh, hệ thống thủy nông khác đều có dấu hiệu ô nhiễm vì kim loại nặng phenol.

Về chất lượng nước trên sông Cấm khu vực gần điểm xả thải của Công ty cổ phần DAP- Vinachem (điểm gây lo ngại về ô nhiễm môi trường hiện nay tại Hải Phòng), chất lượng nước tại khu vực này có dấu hiệu ô nhiễm do các chất dinh dưỡng, chất độc hại, kim loại nặng trong nước.

Cũng theo báo cáo này, nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngọt của Hải Phòng do nước thải sinh hoạt, nước thải từ sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nước thải từ sản xuất nông nghiệp, từ quá trình nuôi trồng thủy sản, nước thải bệnh viện, nước thải từ các bãi rác và các nguồn khác gây ra.

Hải Phòng là thành phố đã có chính sách bảo vệ nguồn nước từ năm 2013 thông qua đề án: “Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông: Rế, Giá, Đa Độ, Chanh Dương; kênh Hòn Ngọc; hệ thống trung thủy nông Tiên Lãng trên địa bàn thành phố Hải Phòng giai đoạn 2013-2020”.

Theo đề án này, ngoài các biện pháp tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong sử dụng, bảo vệ nguồn nước, thành phố Hải Phòng còn triển khai các biện pháp như thiết lập, xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin và ứng dụng mô hình tổng thể để đánh giá và dự báo một cách hệ thống, đầy đủ diễn biến, số lượng, chất lượng nguồn nước của thành phố; phạm vi, mức độ và các mối quan hệ giữa các nguồn gây ô nhiễm tới chất lượng nguồn nước các sông cấp nước ngọt; xử lý những vi phạm pháp luật về khai thác và xả thải vào nguồn nước...

Các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng đều phải đánh giá tác động môi trường hàng năm. Cho đến thời điểm hiện tại, Hải Phòng đã có 7 khu công nghiệp xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải với công suất hàng nghìn m3/ngày.

Trong thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp để bảo vệ nguồn nước như: Đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể về phối hợp quản lý nguồn nước liên tỉnh giữa thành phố Hải Phòng với các tỉnh lân cận trên cùng lưu vực sông để kiểm soát tổng thể, toàn diện về tổng lưu lượng và chất lượng nước trên các sông trước khi chảy vào địa bàn thành phố.

Tiếp tục thể chế hóa pháp luật về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố, tập trung triển khai Luật Tài nguyên nước và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành; rà soát, đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định pháp luật về tài nguyên nước, từ đó bổ sung, hoàn thiện, đảm bảo tính hoàn chỉnh, thống nhất và đồng bộ; rà soát, cập nhật, chỉnh sửa, bổ sung các thủ tục hành chính về tài nguyên nước; thực hiện điều tra, thống kê các cơ sở, tổ chức, cá nhân phát sinh nước thải có chiều hướng gây ô nhiễm xả thải vào nguồn nước; giải quyết về cơ bản tình trạng thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước trái phép, ngăn chặn và di dời các cơ sở vi phạm chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước...

>>> Đà Nẵng: Tạm dừng hoạt động hai nhà máy thép gây ô nhiễm môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục