Châu Á: Ô nhiễm không khí cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người/năm

10:43' - 15/11/2021
BNEWS Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), các ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 đã giảm 10%/năm trên khắp châu Âu, nhưng "kẻ giết người vô hình" này vẫn gây ra 307.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) ngày 15/11 cho biết các ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 (có đường kính dưới 2,5 micromet) đã giảm 10%/năm trên khắp châu Âu, nhưng "kẻ giết người vô hình" này vẫn gây ra 307.000 ca tử vong sớm mỗi năm.

Báo cáo của EEA nêu rõ nếu các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tuân theo những hướng dẫn mới nhất về chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có thể giảm 1/2 số ca tử vong do biến đổi khí hậu trong năm 2019.

Số trường hợp tử vong liên quan đến hạt vật chất đặc biệt nhỏ nói trên là 346.000 ca trong năm 2018.

EEA cho biết việc giảm đáng kể số người thiệt mạng trong năm 2019 một phần là do thời tiết thuận lợi, nhưng trên hết là do chất lượng không khí được cải thiện dần trên khắp lục địa.

Theo báo cáo trên, vào đầu những năm 1990, các hạt mịn xâm nhập sâu vào phổi đã dẫn đến gần một triệu ca tử vong sớm ở 27 quốc gia thành viên EU. Con số này đã giảm hơn 1/2, xuống còn 450.000 ca vào năm 2005.

Năm 2019, ô nhiễm bụi mịn đã gây ra 53.800 ca tử vong sớm ở Đức, 49.900 ca ở Italy, 29.800 ca ở Pháp và 23.300 ca ở Tây Ban Nha. Ba Lan chứng kiến 39.300 ca, cao nhất châu lục tính theo bình quân đầu người.

EEA cũng ghi nhận những ca tử vong sớm liên quan đến hai chất gây ô nhiễm hàng đầu khác.

Các trường hợp tử vong do nitơ điôxít (N02) - chủ yếu từ ô tô, xe tải và các nhà máy nhiệt điện - đã giảm 1/4 xuống còn 40.000 người từ năm 2018 đến năm 2019. Các trường hợp tử vong liên quan đến tầng ozon (O3) trên mặt đất vào năm 2019 cũng giảm 13% xuống còn 16.800 người.

EEA chỉ ra rằng ô nhiễm không khí vẫn là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người ở châu Âu.

Bệnh tim và đột quỵ gây ra hầu hết các ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, sau đó là các bệnh về phổi bao gồm cả ung thư. Ở trẻ em, ô nhiễm không khí có thể gây hại cho sự phát triển của phổi, gây nhiễm trùng đường hô hấp và làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn.

Theo WHO, ô nhiễm không khí gây ra 7 triệu ca tử vong sớm hằng năm trên toàn cầu - ngang với hút thuốc và chế độ ăn thiếu dinh dưỡng. Tháng 9 vừa qua, trước những số liệu thống kê đáng báo động, WHO lần đầu tiên đã siết chặt hạn chế được khuyến nghị về các chất gây ô nhiễm không khí lớn kể từ năm 2005. 

Giám đốc EEA Hans Bruyninck cho biết: “Đầu tư vào hệ thống sưởi, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp sạch hơn giúp cải thiện sức khỏe, năng suất và chất lượng cuộc sống cho tất cả người dân châu Âu, và đặc biệt là những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất”.

EU đặt mục tiêu giảm ít nhất 55% số ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn vào năm 2030 so với năm 2005. Nếu ô nhiễm không khí tiếp tục giảm với tốc độ hiện nay, EEA ước tính mục tiêu sẽ đạt được vào năm 2032.

Tuy nhiên, dân số già hóa và tình trạng đô thị hóa ngày càng gia tăng có thể gây khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục