Châu Âu đặt mục tiêu dẫn đầu toàn cầu về sản xuất vaccine ngừa COVID-19

21:38' - 26/03/2021
BNEWS Với 52 nhà máy tham gia hoạt động này trên khắp châu lục, châu Âu nên dẫn đầu thế giới về việc sản xuất vaccine ngừa bệnh COVID-19 vào cuối năm nay.

Đây là tuyên bố được Ủy viên Thị trường nội địa Liên minh châu Âu (EU) Thierry Breton đưa ra trong bài phát biểu ngày 26/3 tại Tây Ban Nha.

Theo ông Breton, đến mùa Hè, khoảng giữa tháng 7, châu Âu cần tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho đủ một lượng người nhất định nhằm đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng toàn cầu. Đến cuối năm, châu Âu cần đạt năng lực sản xuất từ 2-3 tỷ liều vaccine.

Trong tuyên bố chung đưa ra cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) khuyến cáo cần đưa thủy thủ, tiếp viên và phi công là danh sách "lao động thiết yếu" và được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tuyên bố nêu rõ thủy thủ, tiếp viên và phi công là những người có công việc đòi hỏi đi lại xuyên biên giới, do đó, tại một số nước, những người này cần xuất trình giấy chứng nhận họ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 như một điều kiện để được nhập cảnh.

Do đó, các tổ chức trên khuyến cáo các nước đưa thủy thủ, tiếp viên và phi công vào danh sách "lao động thiết yếu", được ưu tiên tiêm vaccine phòng bệnh.

Trong khi đó, nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford (Anh) cho thấy một liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch tương tự như khi nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên và có thể bảo vệ những người từng mắc bệnh trước các biến thể của loại virus này.

Tháng 12 vừa qua, Anh đã nới rộng giãn cách thời gian giữa các lần tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech từ 3 tuần lên đến 12 tuần.

Nhà chức trách nước này tin tưởng vào kết quả phân tích rằng việc tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech và AstraZeneca có thể tạo ra kháng thể mạnh bảo vệ con người.

Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Sheffield và Đại học Oxford, với sự hỗ trợ của Hiệp hội Miễn dịch SARS-CoV-2 Anh, 99% số người được tiêm 1 liều vaccine của Pfizer/BioNTech cho phản ứng miễn dịch mạnh mẽ.

Để đưa ra được kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu máu của 237 người, và phát hiện rằng phản ứng của kháng thể và tế bào T ở những người chưa từng mắc COVID-19 giống với những bệnh nhân lây nhiễm virus SARS-CoV-2 một cách tự nhiên.

Những người từng mắc bệnh có phản ứng miễn dịch mạnh và rộng hơn, với phản ứng tế bào T cao hơn khoảng 6 lần so với những người không bị mắc bệnh.

Do đó, theo các nhà nghiên cứu, việc tăng cường phản ứng kháng thể đã có từ trước có thể cung cấp "lá chắn" chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2, trong đó có cả biến thể đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi, được cho là giảm hiệu quả của các vaccine hiện có.

Kết quả này củng cố dữ liệu thực tế trong nghiên cứu của tổ chức SIREN đối với việc triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Anh, theo đó, tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19 có thể ngừa bệnh nặng.

Cùng ngày, hãng tin RIA dẫn lời Đại sứ Iran tại Moskva cho biết nước CH Hồi giáo có kế hoạch bắt đầu sản xuất vaccine Sputnik V của Nga từ tháng 4 tới.

Tháng 1 vừa qua, Iran đã phê chuẩn việc sử dụng vaccine Sputnik V trong nước và đã nhận được hơn 400.000 trong tổng số 2 triệu liều vaccine đặt hàng từ Nga./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục