Châu Âu lạc nhịp trong cuộc đua thu hút lao động nhập cư

16:11' - 09/08/2024
BNEWS Là một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới, nhưng Liên minh châu Âu (EU) không thu hút được nhiều nhân tài từ nước ngoài như mong muốn, ngay cả khi khối này đang gặp khủng hoảng về di cư.
Trên khắp 27 quốc gia của EU, chính phủ các nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động ở mọi cấp độ và trong mọi loại hình việc làm - từ nhân viên phục vụ đến chuyên gia khoa học dữ liệu - và đang nỗ lực để thu hút lao động nhập cư.

Thế nhưng, EU lại không thu hút được nhiều lao động nước ngoài như các nền kinh tế lớn khác. Tháng Tám năm ngoái, Indeed cho biết số lượt tìm kiếm từ nước ngoài cho các vị trí việc làm ở Australia, Canada và Vương quốc Anh đã tăng lần lượt 141%, 74% và 69% so với mức trước đại dịch, trong khi số lượt tìm kiếm từ nước ngoài cho việc làm ở EU chỉ tăng 5%.

 
Đây không phải là một vấn đề mới. Vào năm 2015 và 2016, chỉ 25% số người nhập cư có trình độ cao cư trú tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chọn sống ở EU, trong khi gần 2/3 trong số đó thích các nước ở Bắc Mỹ hoặc châu Đại Dương, bao gồm Australia và New Zealand (Niu Di-lân). Nhiều người nhập cư ở mọi trình độ học vấn cũng lựa chọn đến Mỹ - một cường quốc kinh tế chiếm gần 20% dân số nhập cư của toàn thế giới.

Tuy nhiên, EU không hoàn toàn yếu thế trong cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài. Theo một báo cáo của McKinsey Global Institute, EU đã đạt được thứ hạng cao nhất về tiến bộ xã hội và tuổi thọ trung bình. Nhiều quốc gia EU nổi bật với GDP cao và chất lượng cuộc sống tốt nhất thế giới đối với người nước ngoài. EU cũng có thể thu hút được công dân từ các quốc gia bị Mỹ trừng phạt. Năm 2022, người dân từ Nga, Belarus (Bê-la-rút) và Iraq (I-rắc) thuộc top đầu trong tỷ trọng người nhận được Thẻ Xanh - giấy phép lao động của EU dành cho người nhập cư có kỹ năng cao.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), chỉ có 6% dân số EU không phải là công dân của khối này. Khoảng 20% thẻ cư trú được cấp cho mục đích làm việc, trong khi các lý do khác bao gồm gia đình, giáo dục và tị nạn. Ông Jonathan Chaloff, chuyên gia về chính sách di cư của OECD, cho biết giấy phép lao động thường dành cho người lao động có thu nhập cao, vì nhiều quốc gia thành viên không có kênh di cư thường xuyên cho các nghề nghiệp có thu nhập thấp. Vì vậy, ông cho biết những người thợ làm bánh hoặc thợ xây, thợ lợp mái, nhân viên quét đường hoặc người dọn dẹp tòa nhà có lẽ sẽ không được nhận vào hầu hết các quốc gia EU như một lao động nhập cư".

Mặc dù công việc không phải là lý do ban đầu khi xin visa, nhưng nhiều người nhập cư đến EU vì lý do gia đình, tị nạn hoặc các lý do khác cuối cùng vẫn phải xin việc tại đây khi muốn ổn định cuộc sống. Và họ thường phải làm những công việc không được trả lương cao. EC cho biết có quá nhiều người nhập cư trong ngành nhà hàng- khách sạn, giúp việc gia đình và xây dựng. Người nhập cư thường đảm nhận nhiều vị trí việc làm ở các bậc lương thấp, và ít xuất hiện trong các vị trí công việc "chuyên nghiệp, khoa học và kỹ thuật" mà EU cũng đang tìm cách thu hút nhân tài.

Những bất lợi như ngôn ngữ hoặc học vấn cũng có thể là nguyên nhân khiến công dân ngoài EU có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn người bản xứ. Ông Alexandre Judes, chuyên gia kinh tế của Indeed, nhận định vấn đề đặt ra với người lao động nước ngoài không phải lúc nào cũng là thu hút họ đến EU, mà còn hòa nhập họ vào thị trường lao động của khối. Theo ông, việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, khi người lao động nhập cư cần có đủ điều kiện, cần biết tiếng..., trong khi chính phủ các nước EU cũng cần phải có những chính sách cụ thể để hòa nhập người lao động nhập cư vào thị trường lao động.

Đây là một thách thức đối với nhiều quốc gia EU. Trên khắp EU, nhiều trường hợp người nhập cư có các bằng cấp cao hơn hẳn so với yêu cầu công việc, nhưng các chứng chỉ và bằng cấp nước ngoài không phải lúc nào cũng được công nhận tại EU. Điều này khiến người nhập cư khó có được những việc làm phù hợp với kỹ năng của mình.

Tình trạng này là vướng mắc lớn trong vấn đề chấp nhận người xin tị nạn mới. Mười năm trước, Thụy Điển được khen ngợi vì có tỷ lệ người tị nạn trong số những người nhập cư cao nhất, nhưng nước này sau đó đã phải vật lộn để giúp người tị nạn học tiếng và tìm việc làm. Năm 2023, 15,51% dân số được sinh ra ở nước ngoài của nước này thất nghiệp, gấp đôi tỷ lệ thất nghiệp chung (7,7%) và gấp ba lần tỷ lệ thất nghiệp của nhóm những người sinh ra ở Thụy Điển (5,1%). Và giờ đây, Thụy Điển đang đề xuất một số biện pháp hạn chế mạnh nhất đối với người nhập cư tại EU.

Việc nâng cao kỹ năng, đào tạo và hòa nhập người nhập cư, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc sẽ không thể xảy ra trong một sớm một chiều. Hiện tại, ngay cả các quốc gia dè dặt với người nhập cư cũng phải thừa nhận rằng họ cần lao động mới giải quyết tình trạng thiếu hụt. Nhưng đối tượng nào và số lượng bao nhiêu là một vấn đề khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục