Đức: Kế hoạch giảm thuế cho lao động nước ngoài vấp phải nhiều ý kiến phản đối

09:33' - 10/07/2024
BNEWS Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, để giải quyết tình trạng thiếu lao động, chính phủ liên minh ba đảng của Đức đang xem xét giảm thuế trong ba năm cho lao động nước ngoài có chuyên môn cao.

Tuy nhiên, kế hoạch này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phe đối lập, cho rằng giải pháp này phân biệt đối xử với người lao động trong nước.

 

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính liên bang Christian Lindner (thuộc đảng Dân chủ Tự do - FDP) đã giải thích lại ý tưởng Đức có thể giải quyết tình trạng thiếu lao động tay nghề cao bằng các ưu đãi thuế cho người lao động nước ngoài. Ông đề xuất việc giảm thuế cho người lao động nhập cư trong ba năm đầu tiên với mức giảm lần lượt 30%, 20%, 10%.

Tuy nhiên, ý tưởng này bị phe đối lập chỉ trích gay gắt. Người phát ngôn chính sách kinh tế của nhóm nghị sĩ Liên minh Cơ đốc giáo (CDU/CSU) tại Quốc hội Đức, Julia Klöckner, cho rằng ý tưởng này là “sự phân biệt đối xử với lao động trong nước”. Bà cho rằng ưu đãi với lao động nước ngoài như vậy sẽ tạo ra những người lao động hạng nhất và hạng hai.

Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) và đảng Cánh tả cũng kiên quyết phản đối kế hoạch này. Kể cả người đứng đầu Liên minh nghiệp đoàn đoàn Đức, Yasmin Fahimi, cũng phản đối và cho đây là “ngòi nổ xã hội”.

Việc giảm thuế cho người nước ngoài cho đến nay vẫn chưa được quyết định. Ý tưởng này là một phần của gói biện pháp mà chính phủ liên bang muốn sử dụng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Số người già ở Đức ngày càng tăng trong khi số người trẻ lại giảm do tỷ lệ sinh giảm liên tục dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động lành nghề trầm trọng – đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin hoặc chăm sóc sức khỏe.

Nước Đức không phải là quốc gia duy nhất gặp phải vấn đề này. Để thị trường lao động hấp dẫn hơn đối với lao động nước ngoài, Hà Lan và Áo đã áp dụng chính sách giảm thuế cho lao động nước ngoài có tay nghề.

Ngày 9/7, Viện nghiên cứu kinh tế vĩ mô và chu kỳ kinh doanh (IMK) có quan hệ gần gũi với các nghiệp đoàn công bố nghiên cứu cho biết khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Đức khá ổn định xét theo chi phí tiền lương.

Theo nghiên cứu, chi phí lao động mỗi giờ làm việc trong khu vực tư nhân ở Đức tăng trung bình hàng năm là 5% vào năm 2023. Theo IMK, đây là con số tương đối cao so với nhiều năm, nhưng thấp hơn đáng kể mức 6,5% của năm 2022.

Trung bình, chi phí lao động ở EU tăng 5,6% năm 2023 và 5,1% ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo các nhà nghiên cứu kinh tế, với chi phí lao động 41,90 euro trong khu vực tư nhân, Đức hiện đứng thứ năm trong EU, cùng với Hà Lan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục