Châu Âu thận trọng với Sáng kiến "Vành đai và Con đường"

05:30' - 05/05/2019
BNEWS Nhiều vấn đề liên quan đến Sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) của Trung Quốc đã nảy sinh ở nhiều nơi khác nhau, khiến châu Âu đã phải hết sức thận trọng với sáng kiến này.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tờ Thời báo Tài chính (Anh) nhận định Trung Quốc tiếp tục quảng bá cho sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong chuyến công du châu Âu gần đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chỉ dành một ngày để tham dự Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tại Brussels.

Ông dành nhiều thời gian hơn ở Zagreb để tham gia diễn đàn hợp tác "16 + 1" với các quốc gia Trung, Đông Âu và Balkan. Trung Quốc sử dụng diễn đàn này để mở đường cho đầu tư của Trung Quốc, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và giao thông đi vào các quốc gia trên.

Năm nay, Trung Quốc đã đạt được hai thành công đáng chú ý trong việc mở rộng ảnh hưởng của BRI đến Tây Âu. Thứ nhất, Trung Quốc đã thành công trong việc ký với Italy một thỏa thuận BRI.

Italy rõ ràng thấy rằng nhu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này cấp bách hơn nhiều so với những lời phê phán từ các quốc gia thành viên EU khác. Thứ hai, Trung Quốc đã thuyết phục Hy Lạp, nước được hưởng lợi từ việc Trung Quốc đầu tư vào cảng Piraeus, để biến diễn đàn “16 + 1” thành “17 + 1”.

Vào thời điểm tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc đang vật lộn để được tham gia vào mạng 5G ở châu Âu, những liên kết ngoại giao và kinh tế như vậy rất có giá trị. Tuy nhiên, trải nghiệm với BRI của các quốc gia đã tham gia trước là không mấy vui vẻ. 

Mới đây, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã tiết lộ rằng chính phủ của ông sẽ phải đền bù 5,3 tỷ USD cho Trung Quốc nếu hủy bỏ dự án xây dựng đường sắt. Cuối cùng, Malaysia và Trung Quốc đã thương lượng lại dự án và giá đã giảm đi một phần ba.

Tuy nhiên, cùng với những tranh cãi tương tự ở Sri Lanka và Maldives, vụ việc này cho thấy nguy cơ các nước rơi vào bẫy nợ thông qua các thỏa thuận mờ nhạt và một chiều trong BRI.

Các nước châu Âu cũng chứng kiếm một số dự án thất bại hoặc phải vật lộn để chứng minh giá trị. Montenegro đã vay khoảng 1,3 tỷ euro để xây dựng đường cao tốc tới Belgrade.

Khoản vay đã đẩy nợ quốc gia của nước này tăng từ 63% lên 80% GDP, trong khi những lợi ích kinh tế dự án này đem lại là không chắc chắn. Hai công ty tư vấn, trong đó có một công ty do Ngân hàng Đầu tư châu Âu thuê, đã phản đối dự án, cho rằng lưu lượng giao thông không đủ để trang trải chi phí.

Có một điều là Trung Quốc tham gia và đấu thầu các dự án với giá rẻ hơn so với bất kỳ đối tác khác, như đã làm với cảng Piraeus của Hy Lạp.

Nếu các công ty Trung Quốc muốn xây dựng cơ sở hạ tầng ở châu Âu, cho dù việc bỏ thầu có được Chính phủ Trung Quốc trợ cấp hay không, thì đó là một món quà đối với các nước châu Âu đang thiếu tiền. Tuy nhiên, khi đầu tư đi kèm các điều khoản ràng buộc không rõ ràng về tài sản thế chấp, nước nhận đầu tư nên hết sức cẩn thận.

Trung Quốc thường đưa các dự án BRI thành những gói chung bao gồm tài chính, thiết kế và xây dựng, đi kèm với việc tăng cường quan hệ ngoại giao. Nếu không thể lựa chọn những phần hữu ích mà phải thụ động chấp nhận cả gói, đặc biệt là các gói có những phần không được cụ thể hóa và áp đặt một phía, thì chính phủ các nước tốt nhất là tránh xa.

Bài học cho các nước châu Âu từ thực tế hoạt động của BRI ở những nơi khác là rõ ràng. Các gói đầu tư hấp dẫn có thể chứa đựng một sự bất ngờ không mấy dễ chịu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục