Sức nặng của Mỹ Latinh trong “Vành đai và Con đường”

06:30' - 16/11/2018
BNEWS Trung Quốc đã cho thấy mối quan tâm về kinh tế và địa chính trị tại nhiều nước Mỹ Latinh với minh chứng rõ nhất là sức nặng hiện tại của thương mại song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN 

Theo tổng kết của báo mạng “America Latina en movimiento” (Mỹ Latinh chuyển động), “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc 2025) là một kế hoạch công nghiệp khung, được Hội đồng Nhà nước Trung Quốc công bố năm 2015, với mục tiêu củng cố nền kinh tế lớn nhất châu Á này trở thành một siêu cường thế giới thông qua đổi mới công nghệ trong các hoạt động chế tạo như cột trụ chính.

Chính sách công nghiệp này không chỉ đề ra những mục tiêu cụ thể tới năm 2025 mà thậm chí còn tới 2049, năm có bối cảnh kỷ niệm 100 năm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và cuộc cách mạng do Mao Trạch Đông dẫn dắt.

Chiến lược này bao gồm một dự án chính trị-kinh tế mang tên “Vành đai và Con đường” (BRI), hay còn được gọi là “Con đường tơ lụa mới”, nhằm tái thiết lại những con đường thương mại từng nối liền các nền văn minh châu Á, đặc biệt là từ Trung Quốc tới châu Phi và châu Âu trong thế kỷ XIX.

BRI hướng tới mục tiêu tạo ra 55% GDP toàn cầu, với sự tham dự của các nền kinh tế chiếm tới 75% trữ lượng năng lượng và 70% dân số của thế giới, vào năm 2049.

Theo định hướng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, được coi là nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc có ảnh hưởng nhất kể từ thời Mao Trạch Đông, với niềm tin vào việc tái hiện “một dân tộc Trung Hoa vĩ đại”, kết nối nhiều nền kinh tế trên thế giới dưới 5 chủ trương Chung sống hòa bình: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Thỏa thuận không đe dọa lẫn nhau; Thỏa thuận không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Bình đẳng và cùng có lợi; và Chung sống hòa bình. Đó gần như là sự đối lập hoàn toàn với chính sách và hình ảnh của Mỹ tại Mỹ Latinh. Nhưng cho dù luận điệu này có tính mê hoặc đối với các nền kinh tế đang nổi lên, cần phải xem lại cái giá phải trả về cơ hội xã hội và kinh tế để leo lên con tầu mang tên “Made in China 2025”.

Từ góc nhìn này, các khoản đầu tư kinh tế và vào hạ tầng cơ sở mà Trung Quốc thực hiện tại nhiều nước trên thế giới, như một phần của các chiến lược công nghiệp của họ, đang thử thách vị thế vượt trội của các nền kinh tế chủ chốt của thế giới và các tập đoàn toàn cầu hiện tại, ngoài việc đặt Bắc Kinh vào vị thế đi đầu trong sáng tạo, với khả năng ảnh hưởng tới các tiêu chuẩn toàn cầu và các chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, đâu là những mối liên hệ với Mỹ Latinh và Caribe trong tầm vóc phạm vi của “Made in China 2025”?

Trong những năm qua, Trung Quốc đã cho thấy mối quan tâm về kinh tế và địa chính trị tại nhiều nước Mỹ Latinh. Minh chứng rõ nhất cho điều này là sức nặng hiện tại của thương mại song phương, qua những tăng trưởng ấn tượng và đều đặn trong những năm qua trong cả xuất khẩu và nhập khẩu.

Trong giai đoạn 2004-2017, nhập khẩu của khu vực này từ Trung Quốc tăng từ khoảng 26 tỷ USD lên khoảng 176 tỷ USD, trong khi xuất khẩu tăng từ 14 tỷ USD lên 99 tỷ USD (số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế), trong đó chỉ có 2 lần sụt giảm là vào các năm 2010 và 2016.

Tuy nhiên, có thể nói Bắc Kinh vẫn nhìn các nước Nam Mỹ như các nhà cung cấp tài nguyên và trong một số trường hợp, là nguồn giải ngân cho các đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trong khi các nước tại Lòng chảo Caribe (gồm Mexico, các nước Trung Mỹ và các nước Caribe) nhìn Trung Quốc như một “con rồng tốt bụng” khi nhận được các gói kinh tế dành cho phát triển xã hội.

Đối với Bắc Kinh, thương mại với Caribe chỉ là yếu tố nhỏ trong bối cảnh toàn cầu và do đó, mối quan tâm chính của họ tại khu vực này chủ yếu mang tính địa chính trị, với mục tiêu rõ ràng là cắt đứt về dài hạn nguồn cung tài nguyên và nguyên liệu cho Vùng lãnh thổ Đài Loan và đặt chân vững vàng vào khu vực, trong khi Mỹ vẫn theo hướng quân sự hóa quan hệ với các nước tại vùng biển này.

Cho tới nay, cho dù nhiều nước Mỹ Latinh được xem xét đánh giá trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”, Panama là nước duy nhất tới nay ký một Bản ghi nhớ về việc tham gia dự án này (Chile và Cuba cũng sắp ký kết văn bản tương tự). 

Liên quan tới đề tài này, trong Diễn đàn Trung Quốc và các nước Mỹ Latinh và Caribe lần thứ 2 diễn ra hồi tháng 1 năm nay, quan chức Bắc Kinh đã đề cập tới khu vực này như “sự mở rộng tự nhiên” của "Vành đai và Con đường" và rằng khu vực này là một “nhân tố tham gia thiết yếu” trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch.

Thực tế cho thấy khu vực Mỹ Latinh và Caribe có quan hệ thương mại chặt chẽ với động cơ chính của nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, đây vẫn không phải là những quan hệ thật sự lành mạnh với Mỹ Latinh, khi không có sự đa dạng hóa về hàng hóa và dịch vụ được trao đổi. Đa phần các sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ Latinh vẫn chỉ là các mặt hàng nguyên liệu, duy trì nguyên tính chất quan hệ kinh tế trung tâm-ngoại vi. 

Như vậy, Mỹ Latinh sắp trở thành một trục bánh răng trong cỗ máy “Made in China 2025” khi chiếm giữ vai trò nguồn cung tài nguyên quan trọng, cũng như điểm tiêu thụ tiềm năng cho các sản phẩm chế tạo từ “công xưởng của thế giới”. 

Điều thiết yếu cho các chính phủ tại cả hai tiểu khu vực trong Mỹ Latinh (Lòng chảo Caribe và Nam Mỹ) ở thời điểm chuẩn bị tích hợp vào kế hoạch công nghiệp Trung Quốc là xem xét tính toàn diện và đa dạng hóa thương mại cũng như tầm vóc của các mối liên hệ này.

Tóm lại, có thể thấy rõ Trung Quốc mua tài nguyên và nguyên liệu thô của Mỹ Latinh và bán cho các nước trong khu vực này các sản phẩm công nghiệp, và dù chủ thể có khác nhưng vẫn là mô hình phụ thuộc kinh tế mà Mỹ Latinh từng chịu từ khi bắt đầu giành độc lập từ thế kỷ XIX./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục