Châu Âu trở lại với than khi nguồn cung khí đốt giảm

07:00' - 22/06/2022
BNEWS Những khách hàng châu Âu mua nhiều khí đốt từ Nga nhất đang nỗ lực chạy đua để tìm nguồn cung cấp nhiên liệu thay thế.
Giữa bối cảnh đó, những quốc gia này có thể đốt nhiều than hơn để đối phó với tình trạng lượng khí đốt vận chuyển từ Nga giảm, điều đang đe dọa gây nên khủng hoảng năng lượng vào mùa Đông nếu các kho chứa tại châu Âu không được lấp đầy nhanh chóng.

* Căng thẳng chưa hạ nhiệt

Tuần trước, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã cắt giảm công suất bơm qua đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy Phương Bắc 1), với lý do Siemens Energy của Đức chậm trả lại thiết bị do họ sửa chữa tại Canada.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có sẵn khí đốt để giao cho châu Âu, nhưng châu Âu phải trả lại những thiết bị được sửa chữa theo nghĩa vụ của họ.

Các quan chức Đức và Italy cho rằng Nga đang sử dụng điều này như một cái cớ để giảm nguồn cung.

Phía Nga ngày 20/6 đã nhắc lại lời chỉ trích trước đó rằng châu Âu đang tự làm khó mình sau khi các nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine – vốn là một tuyến đường trung chuyển khí đốt đến châu Âu cũng như một nhà xuất khẩu lúa mì lớn của thế giới.

Các tuyến vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức thông qua đường ống Nord Stream 1 – cũng là tuyến đường ống chính cung cấp cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn chạy với chỉ khoảng 40% công suất vào ngày 20/6, dù chúng đã tăng lên so với đầu tuần trước.

Chính phủ Ukraine cho biết các đường ống của họ có thể giúp lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào về nguồn cung thông qua đường ống Nord Stream 1. Trong khi đó, Nga trước đó cho biết họ không thể bơm khí đốt thêm qua các đường ống mà Ukraine chưa đóng.

Trong bối cảnh đó, Đức, Italy, Áo và Hà Lan đều đã phát đi tín hiệu rằng các nhà máy nhiệt điện than có thể giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng khiến giá khí đốt và lạm phát tăng cao, gây thêm nhiều khó khăn cho giới hoạch định chính sách.

* Trở về với than

Italy đang tiến gần hơn đến việc tuyên bố tình trạng cảnh báo về năng lượng, sau khi tập đoàn năng lượng Eni của nước này cho biết Gazprom của Nga sẽ chỉ giao một phần yêu cầu cung cấp khí đốt cho họ vào cùng ngày 20/6.

Nếu được triển khai, động thái này sẽ kích hoạt các biện pháp để giảm tiêu thụ, bao gồm phân bổ lượng khí đốt cho một số nhà tiêu thụ công nghiệp, tăng cường sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện sử dụng than, và yêu cầu nhập khẩu nhiều khí đốt hơn từ các nhà cung cấp khác theo các hợp đồng hiện có.

Đức, quốc gia cũng ghi nhận lượng khí đốt từ Nga xuống thấp hơn, đã công bố kế hoạch mới nhất về tăng mức lưu trữ khí đốt. Chính phủ Đức còn cho hay nước này có thể khởi động lại các nhà máy nhiệt điện vốn đã dự định bị loại bỏ trước đây.

Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, một thành viên của đảng Xanh và là người đã thúc đẩy việc ngưng sử dụng than đá, cho hay đây là quyết định rất đau lòng nhưng là điều vô cùng cần thiết trong tình hình hiện thời. Ông nhấn mạnh nước Đức cần giảm tiêu thụ khí đốt để tránh nguy cơ các cơ sở lưu trữ sẽ không được lấp đầy vào mùa Đông cuối năm. Nếu điều đó xảy ra, Chính phủ sẽ không còn khả năng chính trị để hành động.

Chính phủ Hà Lan ngày 20/6 thông báo sẽ dỡ bỏ giới hạn sản lượng tại các nhà máy năng lượng sử dụng than để tiết kiệm khí đốt trước những động thái cắt giảm nguồn cung cấp cho châu Âu của Gazprom. Bộ trưởng Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết, chính phủ nước này cũng đã kích hoạt giai đoạn "cảnh báo sớm" của kế hoạch 3 phần để đối phó với một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tương tự, Đan Mạch cũng đã bắt đầu bước đầu tiên của kế hoạch khí đốt khẩn cấp do nguồn cung từ Nga không được đảm bảo chắc chắn.

Chính phủ Áo ngày 19/6 đã đồng ý với công ty Verbund để chuyển đổi một nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt sang than đá, nếu quốc gia này phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về năng lượng. Công ty chuyên về ngành dầu khí và hóa chất OMV vào ngày 20/6 cho biết nước Áo ước tính chỉ nhận được một nửa lượng khí đốt thông thường.

* Chậm chạp lấp đầy kho dự trữ

Eni và công ty tiện ích Đức Uniper nằm trong số các công ty châu Âu cho biết họ nhận được lượng khí đốt từ Nga ít hơn so với hợp đồng, trong khi các kho dự trữ của châu Âu vẫn đang được lấp đầy với tốc độ chậm.

Tính đến 20/6, những kho này đã đầy khoảng 54% công suất chứa. Mục tiêu của Liên minh châu Âu (EU) là các kho được lấp đầu 80% vào tháng 10 và 90% vào tháng 11/2022.

Bộ Kinh tế Đức cho biết việc đưa các nhà máy nhiệt điện than trở lại có thể tăng thêm 10 GW công suất trong trường hợp nguồn cung cấp khí đốt đạt mức tới hạn. Một đạo luật liên quan đến động thái này sẽ được trình lên Thượng viện Đức vào ngày 8/7 tới.

Cùng với việc chuyển hướng quay trở lại than, các biện pháp mới nhất của Đức bao gồm một hệ thống đấu giá nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp tiêu thụ ít khí đốt hơn, cùng khoản trợ giúp tài chính cho nhà điều hành thị trường khí đốt của Đức thông qua ngân hàng quốc doanh KfW nhằm lấp đầy kho khí đốt của châu Âu nhanh hơn.

RWE ngày 20/6 cho biết họ có thể kéo dài hoạt động của ba nhà máy nhiệt điện công suất 300 MW nếu cần.

Dù vậy, ông Markus Krebber, Giám đốc điều hành của nhà sản xuất điện lớn nhất nước Đức RWE, cho biết, giá điện có thể mất từ 3 đến 5 năm để trở lại mức thấp hơn.

Hợp đồng khí đốt cho tháng giao gần nhất  của Hà Lan – loại hợp đồng tiêu chuẩn của châu Âu - được giao dịch quanh mức 124 euro (130 USD)/MWh vào phiên 20/6. Con số trên đã giảm so với mức đỉnh của năm nay là 335 euro/MWh, nhưng vẫn tăng hơn 300% so với mức của cùng kỳ một năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục