Chênh lệch giá thực phẩm gây quan ngại tại New Zealand

09:07' - 22/07/2024
BNEWS Theo Tạp chí The Conversation, giá thực phẩm ở New Zealand tăng cao đã trở thành chủ đề được quan tâm trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, giá tăng không đồng đều đối với tất cả các nhóm thực phẩm.
Tuần trước, Stats New Zealand – cơ quan thống kê của New Zealand - công bố dữ liệu cho thấy đã xuất hiện một đợt giảm giá mạnh nhất đối với thực phẩm trong vòng 6 năm qua, sau quãng thời gian tăng kéo dài. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quý II/2024 sắp được công bố sẽ đưa ra cái nhìn tổng quan hơn về áp lực lạm phát mà người dân New Zealand phải đối mặt, bao gồm cả chi phí ăn uống.

Bất chấp những đợt giảm giá gần đây, lo ngại về an ninh lương thực, khả năng chi trả cho thực phẩm và chất lượng dinh dưỡng trong chế độ ăn uống của người dân New Zealand vẫn đang hiện hữu.

Mặc dù nhiều người chú ý đến việc giá thực phẩm tăng cao trong thời gian dài, song sự chênh lệch tương đối về giá - là giá của một loại thực phẩm này so với loại thực phẩm khác -  thường không được quan tâm. Tuy nhiên, đây lại là yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn của người tiêu dùng, thường là trong tiềm thức.

Nhóm tác giả đã thực hiện một nghiên cứu mới, trong đó xem xét dữ liệu của Stats New Zealand từ năm 2014-2023 về giá của 85 mặt hàng thực phẩm được bày bán tại 560 cửa hàng bán lẻ (bao gồm siêu thị, cửa hàng rau quả, cửa hàng cá, cửa hàng thịt, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng và cửa hàng bán đồ ăn sáng, bữa trưa và đồ ăn mang đi) tại 12 khu vực đô thị. Từ tháng 7/2014 đến tháng 3/2023, giá một số thực phẩm và đồ uống có đường, chế biến sẵn như sô-cô-la đóng hộp, kem, nước ngọt và nước tăng lực thể thao chỉ tăng khoảng 14%, trong khi giá một số loại rau quả tăng khoảng 45%.

Khi thực phẩm đã qua chế biến có đường rẻ hơn so với trái cây và rau quả, mọi người có xu hướng mua nhiều hơn. Điều này có thể dẫn đến thói quen ăn uống thiếu lành mạnh, làm tăng tỷ lệ béo phì và các vấn đề sức khỏe liên quan.
 
* Các yếu tố khiến giá thực phẩm giảm chậm hơn

Trong khi giá lương thực trên toàn cầu tăng kể từ năm 2020, đáng chú ý nhất là do đại dịch COVID-19 và căng thẳng địa chính trị, nhiều quốc gia đã chứng kiến lạm phát giá lương thực bắt đầu giảm sau đó. Như dữ liệu gần đây từ Stats New Zealand cho thấy, điều này đang bắt đầu diễn ra ở New Zealand.

Tuy nhiên, lạm phát giá cả ở New Zealand lớn hơn và tồn tại dai dẳng hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Điều này cho thấy có thể còn những yếu tố đặc biệt đang diễn ra ở nước này.

Cấu trúc của ngành thực phẩm bán lẻ ở New Zealand, do hai chuỗi siêu thị Foodstuffs và Woolworths thống trị, đã trở nên rõ nét hơn khi giá thực phẩm tăng. Sự thiếu cạnh tranh có xu hướng dẫn đến giá cao hơn.

Tuy nhiên, khi xem xét tình trạng độc quyền thống trị lĩnh vực siêu thị trong một thời gian dài, vấn đề này không hẳn là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi về giá tương đối và tuyệt đối mà nghiên cứu trên đề cập.

Do sự chuyên môn hóa theo từng khu vực ngày càng tăng, chuỗi cung ứng rau quả tươi của New Zealand đặc biệt dễ bị gián đoạn do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Mặc dù chuyên môn hóa giúp cải thiện hiệu quả sản xuất nhưng lại làm tăng nguy cơ “dễ bị tổn thương” trước những “cú sốc cục bộ”, chẳng hạn như Bão Gabrielle. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn do mạng lưới giao thông thưa thớt ở New Zealand.

Thương mại quốc tế cũng ảnh hưởng đến giá tương đối của nhiều loại thực phẩm khác nhau. Cơ cấu sản xuất và xuất khẩu của New Zealand có sự khác biệt đáng kể so với nhập khẩu. Chẳng hạn, New Zealand không sản xuất củ cải đường hoặc mía, khiến nước này hoàn toàn phụ thuộc vào đường nhập khẩu. Ngược lại, hầu hết trái cây và rau quả tươi mà người tiêu dùng New Zealand tiêu thụ đều được trồng ở trong nước.

Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất và giá thành của các loại thực phẩm khác nhau, dẫn đến giá cả khác nhau. Việc tiếp cận các nguồn thực phẩm nhập khẩu khác nhau có thể làm giảm biến động giá cả, ngược lại việc tập trung nguồn cung nội địa theo từng khu vực có thể gây ra biến động mạnh đối với giá thực phẩm.

* Giá thực phẩm chính là vấn đề sức khỏe

Khoảng cách ngày càng lớn về giá của thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm lành mạnh không chỉ là vấn đề về khả năng tiếp cận sản phẩm, mà còn tác động đáng kể đến sức khỏe người dân.

Trong giai đoạn 2020–2021, cứ ba người trưởng thành ở New Zealand thì có một người bị béo phì, trong đó tình trạng béo phì ở trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng từ 35,7/1.000 người vào năm 2012 lên 41,5/1.000 người vào năm 2021. Hơn nữa, số lượng bệnh nhân tiểu đường dự kiến sẽ tăng 70–90% trong 20 năm tới và chi phí hàng năm cho bệnh tiểu đường có thể tăng từ 2,1 tỷ NZD (1,2 tỷ USD) lên 3,5 tỷ NZD trong cùng thời kỳ.

Điều đáng lo ngại hơn là những gánh nặng này không chia đều cho người dân New Zealand. Chế độ ăn uống kém chất lượng đang ảnh hưởng không tương xứng đến người bản địa New Zealand và những người thuộc tầng lớp có thu nhập thấp.

Người dân các quốc đảo Thái Bình Dương và người Māori có thu nhập trung bình thấp hơn người New Zealand gốc châu Âu nhưng lại có tỷ lệ béo phì cao hơn. Các gia đình có thu nhập thấp từ lâu đã gặp khó khăn trong việc chi trả và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh do giá trái cây và rau quả nhìn chung đã tăng cao.

* Cần có chiến lược đa hướng

Mức chênh lệch ngày càng tăng về khả năng chi trả đối với thực phẩm có đường và thực phẩm lành mạnh đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe người dân New Zealand. Nếu không có sự can thiệp, nước này có thể sẽ phải đối mặt với tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính ngày càng tăng có liên quan đến chế độ ăn uống, từ đó gây căng thẳng lên hệ thống y tế vốn đang quá tải.

Một trong những cách tiếp cận toàn diện, bao gồm các biện pháp kinh tế, giáo dục và quản lý, là rất cần thiết để đảo ngược xu hướng trên và thúc đẩy chất lượng dinh dưỡng, sức khỏe tốt hơn cho tất cả người dân New Zealand.

New Zealand cần phải có một chiến lược đa hướng nhằm giải quyết những thách thức phức tạp mà hệ thống thực phẩm của nước này đang phải đối mặt. Những biện pháp cần thiết bao gồm áp thuế đối với thực phẩm có đường cũng như trợ cấp cho sản phẩm tươi sống, ban hành lệnh cấm tiếp thị đồ ăn không lành mạnh nhắm vào trẻ em, giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và đầu tư vào bữa ăn trưa miễn phí ở các trường học.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục