Chênh lệch trong tỷ lệ ca bệnh ung thư có cơ hội kéo dài sự sống

16:38' - 31/01/2018
BNEWS Tỷ lệ bệnh nhân ung thư thoát khỏi lưỡi hái tử thần ngày càng tăng, kể cả những loại ung thư nguy hiểm nhất như ung thư gan, phổi nhưng tỷ lệ này là khác nhau tại các quốc gia trên thế giới.

Tạp chí y học Lancet số ra ngày 31/1 cho biết đây là kết quả công trình nghiên cứu y khoa quốc tế đối với 18 loại bệnh ung thư được tiến hành tại 71 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2010-2014. Tỷ lệ bệnh nhi ung thư não có cơ hội kéo dài cuộc sống trong vòng 5 năm trên toàn thế giới tăng lên hơn 60%, từ mức 54% ghi nhận trong giai đoạn 2000-2004.

Tuy vậy, có sự chênh lệch về tiến bộ đạt được trong việc nâng cao cơ hội sống trong 5 năm cho các bệnh nhi ung thư não tại từng quốc gia. Tỷ lệ này ở Mỹ, Đan Mạch, Thụy Điển và Slovakia tăng tới 80% hoặc cao hơn như vậy, trong khi Mexico và Brazil chỉ ghi nhận dưới 40%.

Tương tự, tỷ lệ bệnh nhi ung thư máu có cơ hội kéo dài sự sống trong 5 năm đang tăng trên 90% tại Canada, Mỹ và 9 quốc gia châu Âu, song con số này tại Trung Quốc và Mexico chỉ dưới 60%.

Với một căn bệnh phổ biến khác là ung thư vú, nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về tỷ lệ bệnh nhân sống sót sau 5 năm phát hiện mắc bệnh giữa các nước phát triển và các quốc gia đang phát triển. Cụ thể, Australia và Mỹ ghi nhận tỷ lệ 90%, trong khi con số này ở Ấn Độ chỉ khoảng 66%. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt về tỷ lệ này giữa Tây Âu và Bắc Âu với hai số liệu tương ứng là 85% và 71%.

Các chuyên gia y tế cho rằng có sự khác biệt trên giữa các quốc gia là do sự chênh lệch trình độ cũng như mức độ đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh tại mỗi nước.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Michel Coleman thuộc Đại học Y Khoa Nhiệt Đới London, đồng tác giả công trình nghiên cứu trên, cho biết việc điều trị ung thư quy mô toàn cầu dù có nhiều tiến triển nhưng căn bệnh nan y này mỗi năm vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 trẻ em trên toàn thế giới.

Theo ông Coleman, để có thể tăng tỷ lệ sống sót của bệnh nhi ung thư, cần phải thu thập các số liệu chính xác về chi phí và hiệu quả chữa trị tại tất cả các nước và lấy đó làm cơ sở để đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp với từng quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng những rào cản về pháp lý và quy định hành chính tại nhiều quốc gia trong việc cập nhật và công bố tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư là các yếu tố làm hạn chế công tác thu thập dữ liệu liên quan. Điển hình, tại châu Phi, có tới 40% ca bệnh ung thư không được ghi chép và lưu trữ đầy đủ bệnh án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục