Chi phí và lợi ích của các chuỗi giá trị toàn cầu
Trang mạng Project-Syndicate mới đây đăng bài phân tích của ông Keun Lee, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế quốc gia cho Tổng thống Hàn Quốc, Giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul và bà Isabel Álvarez, Giáo sư kinh tế ứng dụng tại Đại học Complutense Madrid, nhận định về những chi phí và lợi ích của các chuỗi giá trị toàn cầu. Nội dung chính của bài viết như sau:
Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích, song lập luận kinh tế để rút lui khỏi chúng cũng không hề rõ ràng. Khi các chính sách và điều kiện phù hợp được đưa ra, toàn cầu hóa vẫn là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng trong nước.
Địa chính trị hiện là động lực chính của làn sóng phi toàn cầu hóa do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, cũng có những lập luận kinh tế ủng hộ việc đưa chuỗi cung ứng “về gần nhà” hơn. Vậy chi phí kinh tế của toàn cầu hóa là gì và chúng có lớn hơn lợi ích hay không?
Để trả lời, trước hết cần phân biệt giữa tham gia “ngược” và “xuôi” trong GVC. Tham gia “ngược” bao gồm các hàng hóa trung gian nhập khẩu mà hoạt động sản xuất của một quốc gia phụ thuộc vào. Về bản chất, đó là phần giá trị gia tăng nước ngoài được gộp vào tổng kim ngạch xuất khẩu. Ví dụ, khi Việt Nam sản xuất và xuất khẩu điện thoại Samsung Galaxy, nước này sử dụng rất nhiều linh kiện công nghệ cao nhập từ Hàn Quốc và các nơi khác. Do đó, chỉ số tham gia “ngược” trong chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam rất cao và giá trị gia tăng nội địa khá thấp.
Tham gia “xuôi” trong GVC đề cập đến việc xuất khẩu của một quốc gia được đối tác sử dụng làm đầu vào sản xuất - tức phần giá trị gia tăng của nước đó đóng góp vào xuất khẩu của nước khác. Khi Mỹ xuất khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô sang Mexico để lắp ráp, chỉ số tham gia “xuôi” trong GVC của Mỹ cao.
Nghiên cứu gần đây cho thấy tham gia “ngược” trong GVC có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, còn tham gia “xuôi” trong GVC lại dễ làm suy giảm tăng trưởng hơn. Nhưng phía sau kết luận đó là nhiều sắc thái.
Trước hết, tham gia “xuôi” trong GVC thường gây hại nhiều hơn cho tăng trưởng ở những nền kinh tế thiếu linh hoạt. Một lý do có thể là khi các nền kinh tế này chuyển các khâu giá trị gia tăng thấp ra nước khác, họ thường không tái phân bổ được nguồn lực vật chất và con người liên quan. Như vậy, rõ ràng các tập đoàn đa quốc gia hưởng lợi từ việc chuyển sản xuất ra khỏi Mỹ, nhưng chưa chắc kinh tế Mỹ được lợi; một số nhóm lao động chắc chắn bị thiệt.
Điều này phần nào lý giải vì sao, theo một nghiên cứu khác, tác động tiêu cực của tham gia “xuôi” trong GVC phụ thuộc đáng kể vào khâu nào của GVC được chuyển ra nước ngoài. Trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) Hàn Quốc, khâu lắp ráp cuối được chuyển ra nước ngoài trong khi nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển nguyên mẫu và tiếp thị vẫn ở trong nước - và tăng trưởng suy giảm đáng kể. Nhưng trong ngành ô tô - nơi dây chuyền lắp ráp vẫn chủ yếu ở Hàn Quốc - tham gia “xuôi” trong GVC hầu như không tác động tiêu cực.
Tác động của tham gia “ngược” trong GVC cũng rất đa dạng. Tại Tây Ban Nha, chẳng hạn, tham gia “ngược” trong lĩnh vực dược phẩm, thực phẩm, công nghiệp nói chung và toàn bộ lĩnh vực sản xuất đã có tác động tích cực đến tăng trưởng, nhưng hầu như không có lợi trong ngành ô tô. Ở Hàn Quốc, tham gia “ngược” trong hầu hết các ngành không đóng góp tích cực cho tăng trưởng, và ở một số ngành - như máy tính và dịch vụ tài chính - còn tác động tiêu cực.
Cấu trúc công nghiệp và doanh nghiệp dường như là yếu tố quyết định. Công nghiệp Hàn Quốc bị chi phối bởi các chaebol lớn, đa ngành với chuỗi giá trị tích hợp dọc. Vì vậy, khi Hàn Quốc tăng nhập hàng trung gian (tăng liên kết ngược), linh kiện ngoại nhập có xu hướng thay thế sản phẩm và chuỗi giá trị sản xuất trong nước, dẫn tới mất mát chuỗi giá trị nội địa.
Ngược lại, công nghiệp Tây Ban Nha lại chuyên môn hóa cao và liên kết giữa các biên giới (đặc biệt với các nước châu Âu lân cận) hơn là tích hợp dọc. Do đó, hàng trung gian nhập khẩu có thể là đầu vào hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho sản xuất nội địa.
Ngành dược phẩm minh họa điều này. Mức độ liên kết ngược trong xuất khẩu dược phẩm của Tây Ban Nha vượt 30%, với vai trò là “một khâu” trong ngành công nghiệp châu Âu tích hợp cao. Tây Ban Nha không kiểm soát các khâu giá trị cao nhất mà hoạt động gần với thị trường tiêu dùng cuối cùng. Song nước này vẫn có năng lực khoa học công nghệ mạnh giúp liên tục nâng cấp doanh nghiệp nội địa. Từ năm 1995 đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dược của Tây Ban Nha đã tăng theo cấp số nhân.
Trong khi đó, tham gia “ngược” trong GVC có tác động đặc biệt bấp bênh tới tăng trưởng ở các nền kinh tế kém phát triển và đang phát triển. Như trường hợp ngành ô tô Thái Lan cho thấy, các nền kinh tế mới nổi thường có mức tham gia “ngược” cao, giúp tạo việc làm. Nhưng vì tương ứng với giá trị gia tăng nội địa thấp, khả năng nâng cấp công nghệ và tăng năng suất của ngành bị hạn chế, góp phần lý giải vì sao “bẫy thu nhập trung bình” lại khó thoát đến vậy.
Tóm lại, tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu không phải lúc nào cũng có lợi, nhưng lập luận kinh tế để rút khỏi GVC cũng không rõ ràng. Cách tiếp cận tinh tế hơn cần xem xét những khâu giá trị nào được kiểm soát trong nước và những chính sách nào có thể tăng tác động tích cực của GVC. Thay vì bác bỏ GVC, có lẽ các chính phủ nên tăng tính linh hoạt của cấu trúc công nghiệp, hay thúc đẩy nâng cao giá trị gia tăng nội địa.
Tin liên quan
-
Hàng hoá
“Cơn sốt” dừa tươi: Thời điểm xây dựng chuỗi giá trị bền vững
10:59' - 22/06/2025
Thị trường dừa tươi trong nước chứng kiến một “cơn sốt” hiếm thấy khi giá thu mua tại vườn tại “thủ phủ” Bến Tre có thời điểm lên tới 250.000 đồng/chục (12 trái).
-
Doanh nghiệp
Vinachem và TKV hợp tác chiến lược, tạo chuỗi giá trị công nghiệp bền vững
11:53' - 21/06/2025
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã ký Thỏa thuận Hợp tác Toàn diện.
-
Phân tích - Dự báo
Con đường để ASEAN vươn lên trong chuỗi giá trị AI toàn cầu
06:30' - 07/06/2025
Tại Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 46 diễn ra ở Malaysia, các nhà lãnh đạo khu vực tái khẳng định cam kết hướng tới một “tương lai toàn diện và bền vững”.
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Trung Quốc và bàn cờ ảnh hưởng tại lục địa Đen
06:30'
Theo tờ The Economist, hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, bao gồm từ quần áo đến nồi chiên không dầu tràn ngập thị trường, đang thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ở châu Phi.
-
Phân tích - Dự báo
Nhà Trắng và Fed: Cuộc đọ sức định hình lại trật tự tài khoá Mỹ
06:30' - 01/07/2025
Trong hàng loạt phát biểu và bài đăng trên mạng xã hội, ông Trump công khai chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell vì từ chối hạ lãi suất.
-
Phân tích - Dự báo
Cuộc đua chuyển đổi năng lượng: Đức có lỡ nhịp?
05:30' - 01/07/2025
Theo Chiến lược hydro quốc gia của chính phủ liên bang, đến năm 2030, Đức sẽ xây dựng các nhà máy sản xuất hydro xanh với tổng công suất 10 gigawatt (GW).
-
Phân tích - Dự báo
Đông Á già đi: "Trung tâm tăng trưởng toàn cầu" dời bước
06:30' - 30/06/2025
Do tỷ lệ sinh thấp dẫn đến suy giảm dân số và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, Đông Á đang bị buộc phải từ bỏ danh xưng “trung tâm tăng trưởng của thế giới” và nhường cho khu vực khác.
-
Phân tích - Dự báo
WB mở khóa điện hạt nhân: Ván cờ mới trong cuộc chơi năng lượng toàn cầu
05:30' - 30/06/2025
Trong một thỏa thuận lịch sử với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã cam kết sẽ hỗ trợ rộng rãi cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân nhỏ mới.
-
Phân tích - Dự báo
Cuộc đua xe điện: Những mắt xích yếu trong giấc mơ xanh của Canada
06:30' - 29/06/2025
Trong nỗ lực định vị mình là trung tâm sản xuất xe điện (EV) toàn cầu, Canada đã đầu tư hàng chục tỷ CAD vào các dự án sản xuất EV và pin.
-
Phân tích - Dự báo
Túi xách hàng hiệu và nạn phá rừng tại Amazon
05:30' - 29/06/2025
Chăn nuôi gia súc để lấy da dùng để sản xuất túi xách và các sản phẩm thời trang cao cấp chính là nguyên nhân hàng đầu gây ra nạn phá rừng quy mô lớn trong những năm gần đây tại lưu vực Amazon.
-
Phân tích - Dự báo
Kỷ nguyên kinh tế mới: Chính phủ Anh vào cuộc
06:30' - 28/06/2025
Nước Anh có một di sản đậm nét về thương mại và doanh nghiệp. Ba thỏa thuận thương mại gần đây – với Ấn Độ, Mỹ và EU – đã giúp Anh đã khôi phục vị thế là nhà vô địch toàn cầu về thương mại tự do.
-
Phân tích - Dự báo
Bất ổn địa chính trị: Biến số khó lường trên thị trường thế chấp
05:30' - 28/06/2025
Đối với những người mua nhà tiềm năng, một cuộc xung đột tiềm tàng ở Iran tạo ra cả cơ hội và thách thức, có khả năng định hình lại bối cảnh lãi suất thế chấp.