Chỉ số chứng khoán dao động trong biên độ hẹp, khối ngoại mua ròng phiên thứ 3 liên tiếp

16:40' - 13/08/2024
BNEWS Thị trường hôm nay diễn biến lình xình không rõ xu hướng. Sắc xanh, đỏ đan xen tại các nhóm cổ phiếu, thậm chí nhiều mã không có biến động giá.

Cuối phiên giao dịch, VN-Index hồi về tham chiếu và kết phiên trong sắc xanh, mặc dù mức tăng rất nhỏ. Theo đó, VN-Index tăng 0,14 điểm lên 1,230.42 điểm; HNX-Index thì giảm nhẹ 0,6 điểm về còn 230,18 điểm.

Hôm nay, cổ phiếu vốn hóa lớn hàng đầu thị trường là VCB tăng 1,94% là trụ cột của thị trường. Cùng đó, các mã vốn hóa lớn khác như CTG tăng 0,47%, SAB tăng 0,56%, VNM tăng 1,1%, HVN tăng 2,46%, HDB tăng 1,57%... đã tạo đà cho VN-Index hồi phục.

Trong khi đó, HPG giảm 1,74%, MSN giảm 0,53%, VHM giảm 0,41%, FPT giảm 0,23% đã kìm hãm đà hồi phục của VN-Index.

Diễn biến thị trường cho thấy sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen ở các nhóm ngành. Thậm chí nhiều mã còn không biến động giá.

Sự lưỡng lự của nhà đầu tư thể hiện rõ bởi thanh khoản thị trường ở mức thấp. Hôm nay, giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt 13.081 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý là khối ngoại mua ròng gần 320 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đây cũng là phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp của nhà đầu tư nước ngoài. Khối ngoại mua ròng 324 tỷ đồng trên HOSE.  Cổ phiếu HDB được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với giá trị 380 tỷ đồng. Tiếp đến, khối ngoại mua ròng VNM 152 tỷ đồng; FPT; CTG và MWG được mua ròng từ 48 tới 77 tỷ đồng.

Trên UPCOM khối ngoại cũng mua ròng 2 tỷ đồng, trong khi khối ngoại bán ròng 6 tỷ đồng trên HNX.

 

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 8 với chủ đề “các bất ổn kìm hãm thị trường” do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán ACB (ACBS) vừa phát hành, nhóm phân tích từ công ty chứng khoán này nhìn nhận rằng, tháng 7 là thời điểm thị trường hấp thụ tốt yếu tố tiêu cực và tạo ra vùng đi ngang tích lũy với biên độ giá lớn từ 1180 - 1.300 điểm, chuẩn bị cho nhịp sóng tăng của nửa cuối năm 2024. 

Sau các nhịp điều chỉnh với biên độ giá quanh 60-100 điểm sẽ luôn có hồi phục kỹ thuật nhanh với những phiên tăng điểm nhờ cổ phiếu vốn hóa lớn.

ACBS nhìn nhận, từ cuối tháng 7, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam tích cực, các thông tin bất lợi trên thế giới ảnh hưởng khá mạnh đến thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam và dự kiến sẽ còn tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới. 

ACBS dự báo 2 kịch bản cho thị trường trong tháng 8. Kịch bản 1: Trong tháng 8, trường hợp các cuộc bạo loạn, xung đột vũ trang được hóa giải, không leo thang xấu hơn, nếu VN-Index giữ được mốc 1.166 sẽ hình thành cấu trúc đi ngang tích lũy.  Kịch bản 2: Trường hợp ngược lại, kịch bản giá điều chỉnh xuống trong tháng 8 được ưu tiên. Nếu giá đóng cửa tuần không giữ được mốc 1.166 điểm, thị trường chung sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống các mốc hỗ trợ 3 của báo cáo phân tích các tháng trước đây tại vùng giá 1140-1080+/-.

Các nhịp điều chỉnh có thể diễn ra với cường độ khá nhanh và mạnh. Khi đó hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) trong 12 tháng của thị trường dự kiến giảm về mức khá hấp dẫn 12,6x - 11,9x.

Theo ACBS, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định của Việt Nam là điểm sáng giữa bối cảnh tình hình thế giới đang đối mới với nhiều bất ổn lớn.

Tại Mỹ, số liệu việc làm kém khả quan và thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của giới chuyên môn cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng đột biến đã thúc đẩy một dây chuyền bán tháo và nguy cơ nước Mỹ rơi vào suy thoái sau một thời gian dài duy trì mức lãi suất cao là rất lớn (theo chỉ báo suy thoái Sahm). Hiện khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giảm lãi suất một cách quyết liệt hơn với một tốc độ nhanh hơn để có thể vực dậy nền kinh tế. 

Tại châu Á, các thị trường tài chính lớn đều bị bán tháo, đặc biệt tại thị trường Nhật Bản khi Nikkei 225 sụp đổ hơn 12% trong 1 phiên do tác động của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) khi nâng lãi suất lên mức 0,25% khiến đồng Yên Nhật tăng mạnh chỉ trong vài ngày. Các nhà giao dịch carry trade đã phải bán tài sản để đóng vị thế. 

Tại Trung Quốc, dường như nền kinh tế này vẫn đang không thể phục hồi khi các chỉ số kinh tế đều cho thấy mức thu hẹp và khủng hoảng bất động sản vẫn là gánh nặng tài chính cực lớn đối với hệ thống tài chính của quốc gia tỷ dân này. 

Tại lục địa già, số liệu kinh tế của EU tiếp tục gây thất vọng, ngành sản xuất thu hẹp với tốc độ nhanh trong khi CPI đã ngay lập tức tăng vượt kỳ vọng chỉ sau hơn 1 tháng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố cắt giảm lãi suất. Mặc dù tại Anh, lạm phát đang được kiểm soát và sản xuất bùng nổ nhưng những bất ổn chính trị lại bắt đầu nổ ra liên quan tới phong trào bài dân nhập cư của phe cực hữu.

Xung đột tại Trung Đông đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Tại Nam Á, Bangladesh đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, bắt nguồn từ những căng thẳng do hàng loạt vấn đề kinh tế-xã hội. Điều này có thể gây ra những gián đoạn nghiêm trọng cho ngành may mặc toàn cầu. 

Bất chấp những tình hình bất ổn trên thế giới, các số liệu vĩ mô Việt Nam vẫn cho thấy những dấu hiệu tích cực.

PMI duy trì được mức mở rộng kỷ lục 54,7 trong 2 tháng liên tiếp cho thấy một tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc của ngành sản xuất. Xuất nhập khẩu và đầu tư FDI tiếp tục tăng trưởng tốt trong khi USD giảm mạnh đã giúp Việt Nam cởi bỏ được áp lực tỷ giá trong ngắn hạn. 

Ngân hàng Nhà nước cũng nhân cơ hội này giảm lãi suất thị trường mở để hỗ trợ hệ thống tài chính, tại thời điểm đầu tháng 8. 

Ngân hàng Nhà nước cũng đã không còn bán ra USD ồ ạt như trong hai tháng trước. 

Số liệu kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy đà hồi phục tích cực tiếp diễn từ quý trước. 

Nhiều nhóm ngành tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ như bán lẻ, thép, chứng khoán, hóa chất, cao su… Đáng chú ý, sự tăng trưởng lan tỏa ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là các ngành phi tài chính.

Về mặt định giá, sau khi số liệu kết quả kinh doanh quý II/2024 được công bố, P/E của VNIndex đã giảm từ mức 14,1x cuối tháng 6 xuống 13,8x cuối tháng 7, thấp hơn mức bình quân 14,14x của chỉ số này trong 1 năm qua. 

P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục