Chỉ số chứng khoán S&P 500 chính thức cán mốc kỷ lục 5.000 điểm

10:23' - 09/02/2024
BNEWS Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã chính thức cán mốc 5.000 điểm trước khi thị trường khép lại phiên giao dịch 8/2.

Chỉ số chứng khoán S&P 500 đã chính thức cán mốc 5.000 điểm trước khi thị trường khép lại phiên giao dịch 8/2, khi một loạt báo cáo thu nhập và việc làm được công bố đem lại sự lạc quan cho các nhà đầu tư, bất chấp những đồn đoán liên quan tới việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội tăng lãi suất trong những tháng đầu năm 2024 đã phần nào kìm hãm tâm lý thị trường.

 

Trên sàn giao dịch phố Wall, chỉ số S&P 500 có lúc chạm tới 5.000,40 điểm trước khi chốt phiên giao dịch 8/2 ở mức 4.997,91 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cũng ghi nhận mức tăng 48,97 điểm, tương đương 0,13%, lên 38.726,33 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cao hơn 37,07 điểm, tương đương 0,24%, lên 15.793,72 điểm.

Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu LSEG, hơn một nửa số công ty thuộc nhóm chỉ số S&P 500 đã báo cáo thu nhập quý IV/2023, với 80,6% vượt kỳ vọng, tăng đáng kể khi so với mức trung bình dài hạn là 67%.

Trong khi, dữ liệu kinh tế vừa công bố của Mỹ cho thấy, vào tuần trước, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã giảm nhẹ hơn dự kiến, minh chứng cho sức mạnh cơ bản của thị trường lao động vững chắc.

Trên các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, khối lượng giao dịch thấp hơn mức trung bình thường ngày trong phiên giao dịch đầu giờ sáng ngày 9/2, khi các nhà đầu tư chuẩn bị cho kỳ nghỉ dài nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 và các ngày lễ khác trong khu vực. Tại đây, số liệu tín dụng và cho vay của Trung Quốc có thể là những sự kiện chính tác động đến thị trường.

Điểm nhấn lớn nhất trong sáng 9/2 là chỉ số chứng khoán Nikkei 225 của Nhật Bản đã vượt mốc 37.000 điểm lần đầu tiên trong 34 năm. Điều này chủ yếu nhờ giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đồng yen giảm giá và các công ty trong nhóm blue chip (những cổ phiếu của các công ty lớn, các công ty đầu ngành, ổn định và có uy tín cao trên thị trường) báo cáo kết quả kinh doanh tốt.

Ngay trong 15 phút giao dịch đầu ngày, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 đã tăng 138,48 điểm (0,38%) so với chốt phiên ngày 8/2 lên mức 37.001,76 điểm. Nhóm cổ phiếu dẫn đầu xu hướng tăng giá là của các công ty sản xuất kim loại, khai khoáng và thông tin liên lạc trong khi nhóm giảm điểm có vận tải biển, dệt may và quần áo.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư châu Á sẽ kết thúc tuần này với một tín hiệu tích cực và chỉ số chứng khoán MSCI toàn châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ lần đầu tiên kể từ tháng 6/2023, tăng liên tiếp ba tuần.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ với nền tảng vững chắc hơn nhiều so với một tuần trước. Các chỉ số Hang Seng trên sàn giao dịch Hong Kong và Shanghai Composite trên sàn giao dịch Thượng Hải đều tăng điểm trong các phiên giao dịch của tuần này, đánh dấu một tuần hoạt động  tốt nhất trong hơn một năm qua nhờ sự lạc quan về các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc.      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục