Chỉ số giá tiêu dùng CPI của Thủ đô Hà Nội tháng 9 tăng mạnh

19:49' - 29/09/2023
BNEWS Cục Thống kê Hà Nội vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thủ đô Hà Nội tháng 9 tăng 3,06% so với tháng trước, tăng 4,71% so với tháng 12/2022 và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

CPI  bình quân 9 tháng năm nay tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 9, có 8/11 nhóm hàng CPI tăng so với tháng trước; trong đó, nhóm giáo dục tăng 33,84% (tác động làm tăng CPI 2,68%) do các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết 03/2023/NQ-HĐND ngày 04/7/2023 của HĐND Thành phố về Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2023 - 2024, đồng thời một số trường dân lập, tư thục trên địa bàn thành phố cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024.

Người dân mua sắm tại siêu thị Aeon Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Năm học 2022 - 2023, Hà Nội hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học khoảng 600 tỷ đồng, tổng ngân sách thành phố hỗ trợ khoảng 1.133 tỷ đồng. Năm học 2023 -  2024 mức thu học phí bằng năm học trước nhưng không hỗ trợ 50% học phí như năm học vừa qua.

Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,81% (tác động làm tăng CPI 0,37%) do trong tháng giá nước sinh  hoạt tăng 19,42%, giá dầu hỏa tăng 8,12%, giá gas tăng 7,78%.

Nhóm giao  thông tăng 1,18% (tác động làm tăng CPI chung 0,12%) do trong tháng giá xăng  điều chỉnh tăng so với tháng trước 3,51%, dầu diezen tăng 5,96%.
 
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,64% (tác động làm tăng CPI 0,2%) do giá lương  thực tăng 2,51%, giá thực phẩm tăng 0,54% (thịt lợn tăng 4,88%; thịt chế biến tăng 0,14%; rau tăng 1,94%); dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,18%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,46% (tác động làm tăng CPI  0,03%); đồ uống, thuốc lá tăng 0,22%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; hàng  hóa và dịch vụ khác tăng 0,27%.

Trong tháng 9 có 3/11 nhóm hàng CPI  giảm so với tháng trước bưu chính viễn thông giảm 0,15%; văn hóa, giải trí, du  lịch giảm 0,11%; thiết bị, đồ dùng gia đình giảm 0,01%.

Bình quân quý III/2023, CPI tăng 1,21% so với bình quân quý III/2022; trong đó, 8/11 nhóm hàng có CPI tăng đồ uống, thuốc lá tăng 3,44%; giáo dục  tăng 2,7%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 1,97%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,77%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,53%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,4%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,32%; hàng hóa và dịch  vụ khác tăng 5,82%. Có 3/11 nhóm hàng CPI bình quân quý III năm nay giảm so với bình quân cùng kỳ giao thông giảm 2,15%; văn hóa, giải trí, du lịch giảm  2,05%; bưu chính viễn thông giảm 0,88%. 

Bình quân 9 tháng năm 2023, CPI tăng 1,22% so với bình quân cùng kỳ năm trước; trong đó, 8/11 nhóm hàng CPI tăng đồ uống và thuốc lá tăng 3,48%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,35%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,99%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 1,67%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,01%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,97%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,34%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,02%. Có 3/11 nhóm hàng CPI  bình quân 9 tháng giảm so với bình quân cùng kỳ giao thông giảm 3,03%; giáo dục giảm 2,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,54%. 

Chỉ số giá vàng tháng 9 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 6,37% so với tháng 12/2022 và tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý  III/2023 chỉ số giá vàng tăng 7,63% so với bình quân quý III/2022. Bình quân 9  tháng năm nay, chỉ số giá vàng tăng 3,3% so với bình quân 9 tháng năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 tăng 1,54% so với tháng trước, tăng 0,17%  so với tháng 12/2022 và tăng 10,21% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý  III/2023 chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,94% so với quý III/2022. Bình quân 9 tháng năm nay, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 2,57% so với bình quân 9 tháng năm trước.

Hà Nội luôn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngay từ đầu năm, ngành du lịch Thủ đô đã chú trọng đổi mới, đa dạng  hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, các sản  phẩm du lịch mới trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước và quốc tế.  Với thông điệp xuyên suốt "Hà Nội điểm đến an toàn cho du khách" và "Hà Nội đến để yêu" đã tạo sức lan tỏa lớn, thu hút khách đến tham quan, du lịch. Chính du lịch phát triển cũng là động lực cho các ngành nghề, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn phát triển.

Tính chung 9 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội quý III/2023 ước đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 5,1% so với quý trước và tăng 62,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội gần 3,5 triệu lượt người, gấp 2,1 lần cùng kỳ năm trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục