Chi tiêu cho du lịch nội địa tăng mạnh ở Malaysia

09:03' - 09/08/2023
BNEWS Số lượng du khách trong nước ở Malaysia năm 2022 đã tăng vọt 160,1%, đạt kỷ lục 171,6 triệu lượt người so với 66 triệu lượt người của năm 2021.
Báo cáo tình hình kinh tế xã hội của các bang 2022 do Cục Thống kê Malaysia (DOSM) công bố cho biết, chỉ số kinh tế xã hội quan trọng của một số bang được cải thiện đáng kể, nổi bật là mức tăng 248,1% trong chi tiêu du lịch nội địa, đạt 64,1 tỷ ringgit (RM) so với 18,4 tỷ RM vào năm 2021.

Theo nhà thống kê trưởng, Tiến sĩ Mohd Uzir Mahidin, số lượng du khách trong nước tăng vọt 160,1%, đạt kỷ lục 171,6 triệu lượt người so với 66 triệu lượt người của năm 2021. Ông cho rằng, việc mở cửa trở lại biên giới vào ngày 1/4/2022 và quá trình chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu đã tác động sâu sắc đến bối cảnh kinh tế xã hội của đất nước.
 
Điều này được phản ánh thông qua mức tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia lên đến 8,7% so với mức 3,3% của năm 2021, đánh dấu hiệu suất kinh tế tốt nhất kể từ năm 2000.

Ông Mohd Uzir cho biết, việc mở lại tất cả các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các ngành liên quan đến du lịch, đã giúp củng cố nền kinh tế của đất nước. Theo đó, việc đi lại giữa các tiểu bang và việc thực hiện các sáng kiến khác nhau của chính phủ nhằm phục hồi ngành du lịch, vốn bị ảnh hưởng trong hai năm qua, đã giúp thúc đẩy du lịch trong nước.

Theo số liệu thống kê, đứng đầu trong danh sách 16 bang và vùng lãnh thổ liên bang đón nhiều khách du lịch nhất là bang Selangor với 22 triệu lượt người, tiếp theo là Vùng lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur và bang Sarawak, lần lượt là 16,9 triệu lượt người và 15,5 triệu lượt người.

Khách du lịch nội địa tăng 337,1% lên 65,1 triệu lượt người so với 14,9 triệu lượt người vào năm 2021, trong đó bang Pahang ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất ở mức 511,8% với 7,8 triệu lượt người từ mức 1,3 triệu lượt người vào năm 2021, nâng mức tăng trưởng GDP của Pahang về nghệ thuật, giải trí và các dịch vụ tư nhân khác lên 96,7%. Điều này đã cải thiện đáng kể mức thu nhập trung bình hàng tháng của hộ gia đình từ 5.873 RM vào năm 2019 lên 6.338 RM vào năm 2022.

Kuala Lumpur ghi nhận mức tăng thu nhập trung bình của hộ gia đình cao nhất với 10.234 RM, tiếp theo là Putrajaya với 10.056 RM và Selangor với 9.983 RM. Bên cạnh đó, mức thu nhập tăng cũng làm tăng mức chi tiêu của các hộ gia đình, từ mức 5.150 RM mỗi tháng trong năm 2022 so với 4.609 RM vào năm 2021.

Putrajaya có mức chi tiêu hộ gia đình trung bình hàng tháng cao nhất với 8.897 RM. Các tiểu bang khác ghi nhận mức chi tiêu hộ gia đình vượt quá mức trung bình quốc gia là Kuala Lumpur ở mức 7.823 RM, Selangor (6.770 RM), Melaka (5.707RM), Johor (5.342RM) và Penang (5.322RM. Theo ông Mohd Uzir Mahidin cho biết thu nhập hộ gia đình tăng đã thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng, từ đó làm tăng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ. "Đây là một trong những yếu tố góp phần làm tăng giá tiêu dùng. Điều này thể hiện rõ ràng khi lạm phát của Malaysia tăng lên 3,3% so với 2,5% vào năm 2021", ông nói.

Nguyên nhân lạm phát tăng là do chi phí liên quan đến nhóm hàng ăn uống tăng 5,8%; nhà hàng, khách sạn ở mức 5%; phương tiện đi lại ở mức 4,7% và trang thiết bị và bảo trì trong gia đình ở mức 3,5%.

Ba bang có tỷ lệ lạm phát vượt quá 3,3% là Putrajaya, ở mức 7,3%, cao nhất, tiếp theo là Selangor ở mức 4,2% và Johor ở mức 3,4%. Mặt khác, tỷ lệ lạm phát năm 2022 của Labuan, ở mức 2,4%, là mức thấp nhất và thấp hơn mức trung bình quốc gia 3,3%.

Ông Mohd Uzir cho biết, các biện pháp chủ động khác nhau của chính phủ đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kinh tế từ phục hồi sang củng cố. “Sự phục hồi kinh tế không chỉ được thể hiện thông qua tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn. Nó còn được phản ánh trong sự cải thiện mức sống của cộng đồng và phúc lợi xã hội”, ông nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục