Chỉ tiêu tuyển sinh khối sư phạm tăng mạnh, đăng ký xét tuyển lại giảm

17:45' - 11/05/2019
BNEWS Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp của khối ngành sư phạm là 46.285 chỉ tiêu, tăng 30,05% song tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển khối ngành này là 115.311; giảm 7,94%.

Ngày 11/5, thông tin về công tác tuyển sinh đại học – cao đẳng năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 là 653.278, giảm 5,14% so với năm 2018. Số lượng nguyện vọng trung bình thí sinh đăng ký là 3,94 nguyện vọng. Trong đó, có 1 thí sinh ở Hà Nội đăng ký nhiều nhất là 50 nguyện vọng.

Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2019 giảm 5,14% so với năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Thống kê theo tổ hợp đăng ký dự thi, thí sinh đăng ký đông nhất ở tổ hợp D01 (Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán) với 791.532 nguyện vọng, chiếm 30,74%. Sau đó là tổ hợp A00 (Hóa học, Toán học, Vật lý) có 722.017 nguyện vọng, chiếm 28,04%.

Tổ hợp A01 (Tiếng Anh, Toán, Vật lý) có 331.166 nguyện vọng, chiếm tỷ lệ 12,86%. Tổ hợp C00 (Lịch sử, Ngữ văn, Địa lý) có 248.318 nguyện vọng, chiếm 9,64%. Tổ hợp B00 (Hóa học, Sinh học, Toán) có 224.844 nguyện vọng, chiếm 8,73%. Các tổ hợp còn lại có 257.212 nguyện vọng, chiếm gần 10%.
Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Kim Phụng, hiện các trường trên cả nước tuyển sinh 138 tổ hợp các môn nhưng 5 tổ hợp truyền thống (D01, A00, A01, C00, B00) vẫn được đa số các trường sử dụng để tuyển sinh cũng như đa số các thí sinh lựa chọn, chiếm 90% số nguyện vọng đăng ký.

Như vậy, có thể thấy, các trường vẫn chọn những môn cốt lõi làm điều kiện xây dựng tổ hợp tuyển sinh. Những tổ hợp môn thi “lạ” năm nay không còn, do những năm trước, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển các tổ hợp này rất ít.

Hiện nay, các trường vẫn tuyển sinh dựa trên cơ sở chất lượng, yêu cầu ngành nghề. Phần lớn học sinh chọn các trường có chất lượng để đăng ký.
Năm 2019, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp là 489.637 chỉ tiêu, tăng 7,57% so với năm 2018. Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi Trung học phổ thông quốc gia là 341.840 chỉ tiêu, chiếm 69,81%.

 Đáng lưu ý, chỉ tiêu tuyển sinh của khối ngành sư phạm là 46.285 chỉ tiêu, tăng 30,05%; tuy nhiên, tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển khối ngành này là 115.311; giảm 7,94%.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: Năm 2019 tiếp tục thực hiện chủ trương đào tạo giáo viên theo nhu cầu của các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp nhu cầu đào tạo giáo viên do các địa phương đề nghị.

Kết quả về nhu cầu đào tạo giáo viên của các địa phương năm nay là 63.364 chỉ tiêu. Việc xác định chỉ tiêu theo nguyên tắc căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh, các vùng miền và năng lực đào tạo của các trường để giao chỉ tiêu.

Tổng chỉ tiêu năm 2019 đã xác định giao cho các cơ sở đào tạo giáo viên đạt gần 70% nhu cầu của các địa phương theo ngành đào tạo.
Đối với các ngành đào tạo phục vụ chương trình phổ thông mới gồm Sư phạm Lịch sử, Địa lý; Sư phạm Khoa học tự nhiên, năm 2019, các trường đào tạo sư phạm ở các trình độ đại học, cao đẳng đã đăng ký mở ngành, đăng ký chỉ tiêu để tổ chức đào tạo các ngành học trên cơ sở các trường đã đào tạo các ngành học đơn như Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý, Sư phạm Vật lý, Sư phạm Sinh học, Sư phạm Hóa học.

Song song với việc tổ chức đào tạo các ngành mới, Bộ khuyến khích các trường tổ chức bồi dưỡng đào tạo văn bằng 2 đối với sinh viên đã học một trong các ngành học trên để giải quyết bài toán giáo viên chưa có việc làm.
Đề cập về những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết: Các trường có thủ tục sơ tuyển, tổ chức thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc có môn thi năng khiếu kết hợp với sử dụng kết quả kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia phải thực hiện quy trình xét tuyển chung trên hệ thống tuyển sinh.
Đối với các ngành đào tạo giáo viên, Y khoa, nếu trường sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp giữa điểm thi Trung học phổ thông quốc gia và kết quả học tập Trung học phổ thông hoặc kết hợp giữa điểm của trường tổ chức sơ tuyển với điểm thi Trung học phổ thông quốc gia thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của điểm thi Trung học phổ thông quốc gia, điểm kết quả học tập Trung học phổ thông phải tương đương với các ngưỡng theo quy định của quy chế.
Liên quan đến việc rà soát kiểm tra và xử lý các cơ sở đào tạo vi phạm việc tuyển sinh quá chỉ tiêu, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết: Khi có trường vượt chỉ tiêu, tùy theo từng năm mà Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan phối hợp kiểm tra.

Tuy nhiên, thực tế khoảng 3 năm gần đây, tỷ lệ thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đạt hơn 80% nên số trường vượt chỉ tiêu rất ít. Tại thời điểm thanh tra, kiểm tra, vì nhiều nguyên nhân mà một số thí sinh đã không còn theo học nên hầu như các trường không đào tạo quá chỉ tiêu đã xác định.
Hiện nay, để thực hiện tự chủ tuyển sinh và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học, trong đó có cơ sở dữ liệu tuyển sinh, công khai danh sách các thí sinh đã nhập học để giám sát trong suốt quá trình đào tạo và cấp bằng.

Trường hợp phát hiện các cơ sở đào tạo tuyển sinh vượt chỉ tiêu, Bộ sẽ căn cứ vào quy định tại Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ để xử phạt.

Theo đó, phạt tiền đối với các hành vi tuyển sinh vượt số lượng so với chỉ tiêu được giao từ 5% trở lên. Mức phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng và buộc phải giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt đối với hành vi vi phạm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục