Chia sẻ cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ

15:46' - 17/11/2022
BNEWS Thu hút nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường thuỷ trên tình thần, vốn đầu tư công dẫn dắn vốn đầu tư tư, khi đó nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư kết câu hạ tầng như luồng lạch, phao tiêu…
Để thảo luận cơ chế, chính sách cụ thể thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa, ngày 17/11, tại Hải Phòng, Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã tổ chức "Hội nghị đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa khu vực phía Bắc".

Tham dự hội nghị là đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo các tỉnh và lãnh đạo các doanh nghiệp, hiệp hội và hội có các hoạt động liên quan tới lĩnh vực đường thuỷ khu vực phía Bắc.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lê Minh Đạo, Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam cho biết, vận tải thuỷ nội địa chiếm tỷ trọng trung bình từ 17-20% tổng sản lượng của 5 phương thức vận tải. Phương thức vận tải thuỷ nội địa được đánh giá có nhiều ưu thế về giá cả, chi phí xã hội, bảo vệ môi trường….

Để phát triển phương thức vận tải này, cần thiết có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa.

Đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI)- đơn vị tư vấn Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa cho biết, để tăng tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả khai thác, bên cạnh đầu tư kết cấu hạ tầng, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp vận tải - cảng- cảng cạn (ICD) - logistics và cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương và địa phương, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin 4.0 vào quản lý, xây dựng kết cấu.

Cũng theo đại diện TEDI, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đường thuỷ nội địa phải được quan tâm đầu tư nhằm khai thá tối đa tiềm năng, cơ hội về lợi thế cạnh tranh của từng vùng và khu vực; đảm bảo tính tổng thể, tầm nhìn xa, chiến lược dài hạn; đầu tư phân kỳ hợp lý giữa các ngành, khu vực. Đồng thời, góp phần giảm chi phí logistics quốc gia; nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách để huy động nguồn lực nhà nước đồng thời với huy động tối đa các nguồn lực xã hội; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu quy hoạch- kế hoạch đề ra.

Ông Phan Hoàng Phương, Trưởng phòng Giao thông đô thị - Viện Chiến lược & Phát triển giao thông vận tải thông tin, các kết quả dự báo nhu cầu vận tải đã chỉ ra hoạt động vận tải thuỷ nội địa sẽ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao trong các giai đoạn sắp tới (giai đoạn đến 2030 dự báo đạt 8,65%/năm), đặt biệt là hoạt động vận tải container kết nối với hệ thống cảng biển lớn.

Trong bối cảnh xu hướng container hoá cảng biển ngày càng gia tăng, hệ thống đường sắt kết nối cảng biển phải sau giai đoạn 2030 mới đưa vào khai thác thì các tuyến vận tải thuỷ container sẽ là sự lựa chọn tất yếu để đưa, rút hàng cảng biển với lợi thế về kết nội tự nhiên cũng như chi phí khai thác.

Ngoài ra, hành lang pháp lý, khung cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện sẽ là động lực và cơ hội lớn để đường thuỷ nội địa có thể thu hút nguồn lực xã hội hoá tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường thuỷ, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, các doanh nghiệp đang khai thác, vận hành các chuỗi dịch vụ đa phương thức. Từ đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu đã đề ta tại Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đại diện Hội vận tải thuỷ nội địa Việt Nam, xây dựng kết cấu hạ tầng và mua sắm đóng mới phương tiện luôn cần một khối lượng vốn lớn, thu hồi chậm; hiện các doanh nghiệp, người dân đều phải vay ngân hàng thương mại theo lãi suất thị trường biến đổi hàng năm với thời gian trung hạn có 5 năm. Như vậy, rất khó và dễ rủi ro cho doanh nghiệp khi xây dựng kế hoạch đầu tư. Vì vậy, nhà nước có chương trình tài chính giúp cho doanh nghiệp, người dân đầu tư kết cấu hạ tầng và mua sắm phương tiện phục vụ cho ngành giao thông vận tải thuỷ nội địa, có thể là một gói vay vốn ưu đãi trong thời gian từ 10-15 năm cùng lãi suất ổn định và thấp hơn thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cảng - Đường thủy và thềm lục địa Việt Nam chia sẻ: thời gian qua đầu tư cho đường thủy nội địa; trong đó có hạ tầng rất thấp. Thị phần vận tải hàng hóa đường thuỷ nội địa gần 20%, nhưng tỷ trọng vốn đầu tư cho đầu tư đường thuỷ chỉ hơn 1%.

Để phát huy được các ưu thế của vận tải đường thuỷ nội địa, nhất là vận tải hàng hóa, container thì phải đầu tư hạ tầng, phương tiện. Trong đó, đối với đầu tư hạ tầng, vẫn phải dành vốn ngân sách tương xứng, đáp ứng nhu cầu, mục tiêu phải đầu tư đồng bộ hóa để khai thác hiệu quả toàn tuyến vận tải.

Cùng với đó, đầu tư hạ tầng kết nối với các phương thức vận tải khác.  Với huy động vốn ngoài ngân sách, cần có chính sách, cơ chế ưu tiên, ưu đãi riêng cho lĩnh vực đường thuỷ nội địa để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư.

Kết luận tại hội nghị, Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu một lần nữa nhấn mạnh tiềm năng, lợi thế của phương thức vận tải thuỷ. Đặc biệt, với việc chiếm khoảng 20% tổng sản lượng vận chuyển của các phương thức vận tải, như vậy phương thức vận tải thuỷ hiện đóng vai trò quan trọng trong việc lưu thông hàng hoá.

Tuy nhiên, Cục trưởng Bùi Thiên Thu cũng thừa nhận những điểm yếu mà vận tải thuỷ đang gặp phải đó là liên kết vùng, miền và ngành còn kém. Hoạt động logistics lĩnh vực đường thuỷ cũng còn nhiều hạn chế….

Mặc dù vậy thì ngành đường thuỷ hiện tại cũng có những thuận lợi nhất định về cơ chế chính sách khi Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thuỷ nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đặc biệt, ngày 9/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2022/QĐ-TTg phê duyệt cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

Nói về nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thuỷ, Cục trưởng Bùi Thiên Thu nhận mạnh, với những đặc thù và khó khăn của ngành đường thuỷ thì nhà nước vẫn phải dành nguồn lực cho lĩnh vực này. Trên tinh thần, vốn đầu tư công dẫn dắn vốn đầu tư tư, khi đó ngân sách nhà nước sẽ tập trung vào đầu tư kết câu hạ tầng như luồng lạch, phao tiêu… còn tư nhân sẽ đầu tư bến, bãi, cảng biển, phương tiện…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục