Chia sẻ thông tin thị trường để xúc tiến thương mại hiệu quả

20:48' - 30/09/2022
BNEWS Chiều 30/9, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 9/2022”.
Đây là hội nghị thứ 3 thuộc chuỗi chương trình “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” được Bộ Công Thương thực hiện định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022.

 
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã dần trở thành một kênh xúc tiến xuất - nhập khẩu mới nhanh và hiệu quả. Qua đó, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất - khẩu khẩu có thể tương tác trực tiếp với các Tham tán thương mại, cán bộ thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ mang tính thời sự.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3%; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021; xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Đây là kết quả tích cực, phản ánh sự nỗ lực của ngành công thương với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp.

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhiều khả năng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỷ USD. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu và xuất nhập khẩu sẽ vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra là tăng 7 - 8%. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, từ nay đến cuối năm tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức: lạm phát gia tăng ở nhiều khu vực thị trường, nguy cơ suy thoái kinh tế có nhiều bất định, nhất là tại EU, Hoa Kỳ và Trung Quốc là những thị trường xuất khẩu lớn, quan trọng với Việt Nam.

Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga – Ukraine ngày càng leo thang và khó đoán định dẫn đến khủng hoảng năng lượng, lương thực kéo dài, đe đọa đến tính bền vững của thu nhập khả dụng của người tiêu dùng ở các nước phát triển, tạo áp lực và nguy cơ mức tiêu dùng hàng nhập khẩu từ Việt Nam khó duy trì như những tháng đầu năm.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ cho biết đã hết đơn hàng cho giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Nhìn chung, các thách thức khó dự đoán, phụ thuộc vào tình hình biến động địa chính trị tại nhiều quốc gia cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ và các nước châu Âu, kể cả Việt Nam.

Thời gian gần đây, vai trò của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói chung và hệ thống thương vụ nói riêng  đối với hoạt động xúc tiến xuất - nhập khẩu được Chính phủ và Thủ tướng đặc biệt quan tâm, coi là chìa khóa thành công đối với tăng trưởng xuất khẩu.

Để hoàn thành tốt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra cho ngành Công Thương, duy trì sự tăng trưởng bền vững về xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Thương vụ tại thị trường nước ngoài chia sẻ thông tin cập nhật, thời sự về thị trường trong kỳ vừa qua, phân tích, dự báo và đánh giá cơ hội xúc tiến xuất khẩu, khai thác thị trường sở tại thời gian tới. Ngoài ra, khuyến nghị cụ thể cho các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cách thức, giải pháp tiếp cận thị trường để có định hướng triển khai hoạt động xúc tiến thương mại hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các Sở Công Thương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất - nhập khẩu trao đổi nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu cụ thể về mặt hàng và thị trường.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, hỗ trợ các ngành hàng làm tốt thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào thành tích chung của ngành.

Chia sẻ về diễn biến mới trên thị trường sở tại, ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, hiện nay Ấn Độ có chính sách mới về việc hạn chế xuất khẩu một số loại gạo.

Cụ thể, ngày 8/9/2022, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo số 31/2015-2020 quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS10064000, có hiệu lực kể từ ngày 9/9/2022.

Các lô hàng gạo tấm đảm bảo một trong các điều kiện sau sẽ được xuất khẩu trước ngày 15/9: Hàng bắt đầu được xếp lên tàu trước khi có thông báo này; hóa đơn vận chuyển đã xuất và tàu đã cập bến, đến, neo đậu tại cảng của Ấn Độ và số thứ tự xếp hàng của tàu đã được phân bổ.

Cũng theo ông Bùi Trung Thướng, lô hàng đã được chuyển cho Hải quan trước khi có thông báo và đã được Hải quan đăng ký trên hệ thống. Ngày 20/9/2022, Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành thông báo số 34/2015-2020 lùi thời hạn cho phép xuất khẩu với lô hàng gạo tấm đủ điều kiện nêu trên từ ngày 15 - 30/9. Ngày 8/9/2022, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành thông báo số 49/2022-Customes về việc đánh thuế xuất khẩu đối với một số loại gạo từ ngày 9/9/2022.

“Các doanh nghiệp Việt Nam đang phối hợp, hợp tác với doanh nghiệp Ấn Độ cần lưu ý về chính sách mới này”, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh.

Trong khi đó, tại thị trường Hoa Kỳ, ông Nguyễn Mạnh Quyền - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) chia sẻ, Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích kêu gọi đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu hàng Made in USD.

 

Các quan chức chính quyền địa phương rất quan tâm đến doanh nghiệp gốc Á, đưa ra các chương trình marketing sản phẩm Hoa Kỳ để thúc đẩy xuất nhập khẩu, kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng ưu tiên chuyển giao các công nghệ cao; giám sát thị trường bất động sản, đầu cơ tài chính, đồng tiền kỹ thuật số… Tuy nhiên, đối với các hoạt động mang tính chất đầu tư, đầu cơ, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến thuế khi lập công ty vì Hoa Kỳ kiểm soát rất kỹ dòng tiền.

Đặc biệt, khi hợp tác, kết nối các doanh nghiệp rất nhỏ và không rõ nguồn gốc cần tìm hiểu kỹ; lưu ý về việc lợi dụng uy tín của cơ quan nhà nước ở Mỹ để tiến hành hoạt động môi giới, tổ chức dịch vụ liên quan để tổ chức đoàn ra - đoàn vào.

Là một thị trường ở Tây Âu có yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, đòi hỏi thị trường dễ tính hơn, ông Phạm Tuấn Huy - phụ trách Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Bulgaria (kiêm nhiệm Macedonia) cho rằng, nếu coi Bulgaria là thị trường để tìm kiếm cơ hội khi các thị trường lớn nhiều cạnh tranh hoặc tiến tới bão hòa có rất nhiều tiềm năng. Đơn cử có thể kết hợp các đơn hàng, nhóm hàng để cùng vận chuyển trong bối cảnh chi phí logistic tăng cao.

“Việc này cần sự kết hợp, chủ động của các hiệp hội, doanh nghiệp sang xúc tiến, chào hàng, làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối để đánh giá khả năng đáp ứng cho các hệ thống phân phối tại Bungari. Thương vụ luôn sẵn sàng trong các bước cần thực hiện trước như tìm kiếm đối tác thích hợp, xây dựng chương trình làm việc phù hợp”, ông Phạm Tuấn Huy cho hay.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị tiếp tục cập nhật tình hình sản xuất xuất khẩu, thường xuyên trao đổi với doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ về phát triển thị trường.

Ngoài ra, kiến nghị về Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan ngay khi có vấn đề phát sinh hoặc tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng.

Mặt khác, Cục Xúc tiến thương mại tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các địa phương, hiệp hội, báo cáo Lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ cho các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đơn vị liên quan thuộc Bộ xử lý.

Đặc biệt, các Vụ thị trường ngoài nước tiếp tục chỉ đạo các thương vụ thường xuyên cập nhật tình hình thông tin thị trường; tổng hợp và báo cáo ngắn gọn nhận định về cơ hội xuất khẩu sang các khu vực thị trường trong tháng tới gửi Cục Xúc tiến thương mại trước ngày 26 hàng tháng để tổng hợp chung cung cấp cho các địa phương, hiệp hội tại Hội nghị giao ban.

Đáng lưu ý, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các đơn vị liên quan hỗ trợ các hiệp hôi, địa phương triển khai tốt các hoạt động xúc tiến xấu khẩu, nhập khẩu hiệu quả. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới để phân tích, dự báo, phối hợp với các đơn vị liên quan kịp thời có giải pháp phù hợp ứng phó với vấn đề phát sinh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục