Chiến lược xuất ngoại của cửa hàng tiện lợi Nhật Bản

09:12' - 04/07/2024
BNEWS Trong 50 năm tới, khi dân số Nhật Bản được dự báo sẽ giảm gần 1/3, vận mệnh của ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản sẽ phụ thuộc vào chiến lược phát triển ở các thị trường nước ngoài.
Từ cửa hàng 7-Eleven đầu tiên do ông Kenji Yamamoto mở tại khu công nghiệp Toyosu ở Tokyo khi đó, các cửa hàng tiện lợi – còn được gọi là konbini - đã phát triển thành một mạng lưới khoảng 55.000 cửa hàng trên khắp Nhật Bản, hầu hết đều mở cửa 24/7 và thường chỉ cách nhau chưa đầy 100 mét ở các khu trung tâm đô thị.

Nhưng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng về số lượng cửa hàng và doanh thu, điểm đặc trưng ở những thập kỷ trước, đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây và giờ đây gần như chững lại. Theo thông tin trên truyền thông, số lượng cửa hàng konbini ở Nhật Bản đã giảm lần đầu tiên trong năm tài chính 2021.

 
Các chuyên gia cho biết thị trường Nhật Bản đã bão hòa, và cảnh báo sự suy giảm dân số sắp tới của nước này đồng nghĩa với việc ba công ty lớn thống trị lĩnh vực này tại Nhật Bản - là Seven & i Holdings, Lawson Inc. và FamilyMart Co. - cần hoàn thiện các chiến lược phát triển ở nước ngoài.

Nỗ lực kinh doanh bên ngoài Nhật Bản của các “ông lớn” nói trên đã bắt đầu từ hàng chục năm trước, nhưng cho đến nay vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc. Trước sự cạnh tranh gay gắt với nhau và với các đối thủ bản địa đang phát triển nhanh chóng, FamilyMart đã gia nhập và rời khỏi Thái Lan, 7-Eleven cũng có diễn biến tương tự ở Indonesia, và dù có tham vọng lớn đối với Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của Lawson ở nước này vẫn bị chuỗi cửa hàng nội địa Meiyijia lấn át.

Dù vậy, ông Eigo Ogiwara, chuyên gia của công ty tư vấn Boston Consulting Group ở Nhật Bản, nhận định Đông Nam Á là thị trường quan trọng đối với các nhà điều hành cửa hàng tiện lợi Nhật Bản vì hầu hết khách hàng trong khu vực này đều có cái nhìn tích cực về Nhật Bản và các sản phẩm của “đất nước Mặt trời mọc”. Ông dự đoán các thị trường nước ngoài cho các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển, đặc biệt là ở Indonesia, Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Việt Nam.

Các thị trường như Indonesia, quốc gia có tầng lớp trung lưu đang phát triển trong dân số hơn 270 triệu người, đã trở thành mục tiêu hàng đầu của các nhà điều hành cửa hàng tiện lợi Nhật Bản.

Văn hóa ẩm thực đường phố vẫn mạnh mẽ ở nhiều quốc gia Đông Nam Á. Nhưng khi người dân ngày càng quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và có nhiều tiền hơn để chi tiêu, thì các món chiên nóng hổi từ các cửa hàng tiện lợi đang ngày càng được yêu thích.

Lawson, hoạt động tại Indonesia từ năm 2011, đã thành công trong việc bán các món ăn nấu chín như oden - một món hầm của Nhật Bản, bằng cách điều chỉnh công thức để phù hợp với khẩu vị địa phương. Lawson hiện có khoảng 700 cửa hàng ở Indonesia, chiếm khoảng một phần mười tổng số cửa hàng bên ngoài Nhật Bản của công ty này

FamilyMart cũng tự hào về doanh số bán cà phê tại Indonesia, với việc điều chỉnh hương vị ban đầu ngọt hơn để thu hút khách hàng địa phương.

Seven & i đặt mục tiêu mở rộng vào hai thị trường mới ở nước ngoài mỗi năm và đạt đến 100.000 cửa hàng tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2030, so với con số hơn 80.000 cửa hàng tại 20 quốc gia tính đến tháng 9/2023.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục