Chiều 21/12, giá dầu châu Á biến động nhẹ

16:34' - 21/12/2022
BNEWS Chiều 21/12, giá dầu tại thị trường châu Á biến động nhẹ khi sự sụt giảm dự trữ dầu thô của Mỹ bù đắp những lo ngại về số ca nhiễm COVID-19 tại Trung Quốc.

Vào lúc 14 giờ 15 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 8 xu (0,1%) lên 80,07 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1 xu xuống 76,22 USD.

Theo số liệu từ Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 16/12 giảm khoảng 3,1 triệu thùng, cao hơn ước tính giảm 1,7 triệu thùng. Dự trữ xăng tăng khoảng 4,5 triệu thùng, trong khi dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 828.000 thùng.

Serena Huang, chuyên gia tại Vortexa, nhận định sự sụt giảm mạnh hơn dự kiến của dự trữ dầu thô cùng với kế hoạch bổ sung thêm Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược của Mỹ đã hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, tâm lý lạc quan đã bị hạn chế bởi sức ép suy giảm từ những trận gió ngược của kinh tế toàn cầu và sự gia tăng các ca mắc COVID tại Trung Quốc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, cho rằng quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, vốn bị chỉ trích nặng nề, lại là một quyết định đúng đắn để hỗ trợ sự ổn định của thị trường.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho biết, giá dầu được thúc đẩy nhờ những bình luận này cho thấy OPEC+ có thể tiếp tục thắt chặt nguồn cung để hỗ trợ giá dầu.

Tuy nhiên, những lo lắng về sự gia tăng các ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc khi nước này bắt đầu dỡ bỏ chính sách kiểm soát chặt dịch COVID-19 đã kiềm chế đà tăng của giá dầu.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 11/2022 đã tăng 17% so với một năm trước đó, do các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc vội vã đảm bảo thêm hàng hóa trước khi mức giá trần giá do Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) có hiệu lực vào ngày 5/12. Sự gia tăng này khiến Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Trung Quốc, vượt qua Saudi Arabia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục