Chính phủ Canada nỗ lực kiềm chế lạm phát

10:12' - 18/06/2022
BNEWS Bộ trưởng Tài chính Canada cam kết tập trung thắt chặt tài chính, thúc đẩy tăng năng suất và triển khai các chương trình đã hứa hẹn.

Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland mới đây đã công bố kế hoạch đối phó với lạm phát của Ottawa, cam kết tập trung thắt chặt tài chính, thúc đẩy tăng năng suất và triển khai các chương trình đã hứa hẹn. Gói biện pháp này có giá trị lên tới 8,9 tỷ CAD (6,8 tỷ USD), với các khoản chi tiêu đã được thông báo trước đó và hạch toán vào ngân sách.

 

Gói biện pháp trên bao gồm tăng một loạt phúc lợi cho người dân thông qua các chương trình như Trợ cấp cho người lao động Canada, tăng 10% đối với chương trình An sinh tuổi già cho người trên 75 tuổi, tăng tài trợ cho chăm sóc trẻ em và hỗ trợ tiền thuê nhà.

Bộ trưởng Chrystia Freeland cũng lưu ý rằng nhiều chương trình hỗ trợ thu nhập của liên bang như chương trình phúc lợi cho trẻ em Canada, khấu trừ thuế hàng hóa và dịch vụ,...được thiết kế để tự động tăng theo lạm phát.
Bà Freeland nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang đang đối phó với thách thức lạm phát theo nhiều cách và hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn. Ngân sách của chính phủ ước thâm hụt 52,8 tỷ CAD trong tài khóa 2022-23, giảm từ mức đỉnh 327,7 tỷ CAD trong tài khóa 2020-21. Quy mô thâm hụt được dự báo giảm còn 8,4 tỷ CAD vào tài khóa 2025-26.
Giá tiêu dùng tại Canada đã tăng mạnh trong năm qua, "bóp nghẹt" các khoản tiết kiệm và tiền lương của người dân nước này. Vào tháng 4/2022, tỷ lệ lạm phát vọt lên 6,8% - tốc độ tăng giá tiêu dùng mạnh nhất trong ba thập kỷ.
Theo giới chuyên gia, các ngân hàng trung ương đã chậm chân trong việc đẩy lùi lạm phát và hiện đang chạy đua để ngăn chặn lạm phát leo thang. Mặc dù việc kiềm chế lạm phát trong nước được cho là trách nhiệm của Ngân hàng trung ương Canada (BoC), nhưng chính sách tài khóa của chính phủ liên bang có thể tác động đến lượng cầu trong nền kinh tế - nhân tố ảnh hưởng đến lạm phát. Cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ bổ sung cho nỗ lực của BoC trong việc hạ nhiệt nền kinh tế.
Tình trạng lạm phát hiện nay chủ yếu xuất phát từ phía nguồn cung liên quan đến đại dịch COVID-19: hoạt động vận tải tắc nghẽn, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đóng cửa, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào quan trọng như chất bán dẫn,...

Thêm vào đó, cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra một cú sốc về giá hàng hóa trên quy mô toàn cầu, với giá thực phẩm và giá dầu tăng mạnh trong những tháng gần đây. Nhưng lạm phát cũng là kết quả của các nhân tố trong nước.

Lãi suất thấp đã khuyến khích người Canada mua nhà, đẩy giá nhà trung bình tăng hơn 50% trong hai năm qua. Trong khi đó, chi tiêu của người tiêu dùng được hỗ trợ bởi các chương trình cứu trợ hào phóng của chính phủ áp dụng trong đại dịch./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục