Chính sách hướng ngoại của nhà cung cấp điện thoại lớn nhất Trung Quốc ở châu Phi (Phần 2)

05:00' - 19/06/2019
BNEWS Theo Mo Jia, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu công nghệ Canalys, khoảng 95% điện thoại thông minh Transsion có giá dưới 200 USD và “Transsion là vua của điện thoại thông minh với giá cả hợp lý.”
Chính sách hướng ngoại của nhà cung cấp điện thoại lớn nhất Trung Quốc ở châu Phi. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trên tất cả, động thái thông minh nhất của Transsion là giá cả sản phẩm. Transsion có ba thương hiệu chính: Tecno, Infinix và Itel. Mức giá cho các điện thoại thông minh này dao động từ 60 USD đến khoảng 250 USD cho các sản phẩm cao cấp hơn như Tecno Phantom.

Tháng 4/2019, Tecno đã ra mắt thế hệ thứ 3 của loạt điện thoại thông minh tập trung vào camera SPARK. Transsion cho biết camera trên các điện thoại này có thể bao gồm 18 góc độ khuôn mặt, cho phép tinh chỉnh khuôn mặt 3D, bên cạnh việc tăng cường độ tương phản của tóc, độ bão hòa màu và kéo dài mí mắt. 

Công ty cho biết các máy ảnh này là sản phẩm phụ của một nghiên cứu nghiêm túc trên diện rộng về khuôn mặt của người châu Phi. Wang khẳng định việc nghiên cứu màu da, chất lượng da và các đặc điểm trên khuôn mặt của người dân châu Phi là một phần của những cải tiến điện thoại cho châu lục.

Transsion không chỉ triển khai những cải tiến này ở riêng châu Phi. Là một nhà sản xuất tập trung vào các thị trường mới nổi, hãng đã phát triển các tính năng độc đáo như nhận dạng vân tay chịu dầu ở các quốc gia như Ấn Độ - thị trường ghi dấu ấn ngày càng lớn của Transsion. 

Tuy nhiên, việc tập trung vào nhu cầu của người tiêu dùng châu Phi được chú ý hơn khi cuộc chiến kiểm soát thị trường phần cứng di động của lục địa ngày càng trở nên gay gắt. Ngay cả khi sự cạnh tranh này chưa thật sự định hình rõ, các doanh nhân, công ty đa quốc gia, các chính phủ và các công ty viễn thông từ Ai Cập, Kenya và Nam Phi đều đã công bố kế hoạch sản xuất điện thoại châu Phi cho người dùng châu Phi.

Tháng trước, tập đoàn đầu tư xuyên châu lục Mara đã ra mắt một chiếc điện thoại thông minh mới, cao cấp, sản xuất tại Rwanda, chủ yếu phục vụ thị trường châu Phi. Các công ty viễn thông lớn trong châu lục như Orange và MTN cũng đã ra mắt điện thoại tính năng thông minh với hệ điều hành “nhẹ” để chiếm lĩnh thị phần nhiều hơn và giảm khoảng cách kỹ thuật số ở châu lục.

Trong tiếp thị, Transsion ít nhấn mạnh đến nguồn gốc xuất xứ Trung Quốc. Phó Chủ tịch Transsion Arif Chowdhury cho biết "Ở châu Phi, … chúng tôi là người châu Phi", đồng thời giải thích đó là lý do tại sao các cửa hàng của Tecno không có ký tự Trung Quốc hoặc có dấu hiệu là một thương hiệu Trung Quốc. 

Trong báo cáo “Brand Africa 100” 2017-2018 của tạp chí Kinh doanh châu Phi (African Business), Tecno được xếp hạng là thương hiệu được ưa chuộng thứ 7 ở châu Phi (so với vị trí thứ 14 của năm trước), nhưng thương hiệu vẫn xếp sau Samsung (thứ 2) và Apple (thứ 5) về mức độ được ưa thích. iPhone vẫn được coi là một sản phẩm xa xỉ mà nhiều người châu Phi khao khát sở hữu.

Ở Ethiopia, Transsion đã tiến thêm một bước để đồng hóa. Kể từ năm 2011, toàn bộ điện thoại của hãng được bán tại quốc gia đông dân thứ hai châu Phi này đã được lắp ráp tại các cơ sở ở vùng ngoại ô thủ đô Addis Ababa.

Transsion cũng đang tăng cường phạm vi hoạt động ở châu Phi khi các thương hiệu như Samsung và Huawei gia tăng sự hiện diện và sản xuất ở lục địa này. Theo thống kê tháng 3/2019 của Công ty Dữ liệu quốc tế (IDC), Transsion (gồm các thương hiệu Tecno, Infinix và Itel) là nhà cung cấp điện thoại với các tính năng cơ bản (feature phones) lớn nhất châu Phi với 58,7% thị phần (Nokia đứng thứ 2 với 9,6% thị phần). 

Transsion, Samsung và Huawei thống trị thị phần mảng điện thoại thông minh với tỷ lệ chiếm giữ lần lượt là 34,3%, 22,6% và 9,9%. Tuy nhiên, về mặt giá trị, Samsung dẫn đầu khi chiếm 36,9% tổng doanh thu tại thị trường này, tiếp theo là Transsion (20,2%) và Huawei (12,4%). Khi số lượng thuê bao tăng lên, việc sử dụng điện thoại thông minh ở châu Phi dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi từ 36% năm 2018 lên 66% năm 2025.

Sự trỗi dậy của Transsion phản ánh vai trò lớn hơn của các công ty Trung Quốc hiện nay trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân ưa chuộng công nghệ trên khắp châu Phi, bao gồm cả việc cung cấp mạng Internet tốc độ cao. Bất chấp những lo ngại về an ninh liên quan đến Huawei và ZTE ở các quốc gia như Mỹ và Australia, nhu cầu đối với các sản phẩm của Trung Quốc được kỳ vọng vẫn duy trì mạnh mẽ ở châu Phi, bởi chính phủ và người tiêu dùng ở châu lục này rất nhạy cảm về giá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục