Chính sách thương mại của Tổng thống Trump – Bước đảo ngược trong lịch sử

18:03' - 28/07/2018
BNEWS Chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, được đánh giá “thay đổi hoàn toàn” so với những cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa trước đây.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. TTXVN phát

Với việc gây căng thẳng thương mại với nhiều quốc gia và mới đây là khoản hỗ trợ trị giá 12 tỷ USD cho nông dân trong nước, những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ, Donald Trump, được đánh giá “thay đổi hoàn toàn” so với những cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa trước đây.

Trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình, ông George W. Bush đã nâng số quốc gia ký thỏa thuận thương mại với Mỹ từ 3 lên 16. Trong khi đó, cựu Tổng thống Ronald Reagan đã ký một thỏa thuận thương mại với Canada và sau đó thỏa thuận này đã được nâng cấp lên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), với sự tham gia của Mexico.

Trong một phát biểu trên đài phát thanh năm 1988, ông Reagan từng cho rằng Mỹ cần cảnh giác trước những "đối tượng"sẵn sàng tuyên bố chiến tranh thương mại với những đối tác thương mại của nước này, đồng thời làm suy yếu kinh tế, an ninh quốc gia của Mỹ và tự do thương mại trên toàn cầu.

Ngược với quan điểm của người tiền nhiệm, ông Trump đã gọi NAFTA là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất và chính quyền của ông đã sử dụng hàng rào thuế quan đối với các đối tác thương mại như một đòn bảy để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn.

Ông Trump cũng rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương ( TPP) - một trong những "di sản" của cựu Tổng thống Barack Obama.

TPP nay được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Hiệp định này đã được 11 nước thành viên ký kết hôm 8/3/2018 tại Chile ( Chi-lê) và đang chờ sự phê chuẩn của các cơ quan chức năng của các nước thành viên để sớm có hiệu lực.

Ngày 24/7, Chính phủ Mỹ thông báo hỗ trợ 12 tỷ USD cho những nông dân chịu ảnh hưởng của các biện pháp trả đũa từ các đối tác nước ngoài.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết chương trình này sẽ hỗ trợ những người nông dân vốn gánh chịu thiệt hại ước tính lên tới 11 tỷ USD do các hành động áp thuế trả đũa của các đối tác thương mại của Mỹ.

Theo ông Perdue, đây là giải pháp "ngắn hạn" nhằm trợ giúp nông dân Mỹ, đồng thời cho phép Tổng thống Trump có thêm thời gian để đàm phán về thỏa thuận thương mại dài hơi hơn nhằm hỗ trợ ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác bị tổn hại do "các hành động thương mại bất bình đẳng của các nước khác".

Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch trên, gọi đây là hình thức trợ cấp cho người nông dân. Trong khi đó, các nhóm nông dân lại kêu gọi chính phủ cần đưa ra một giải pháp lâu dài hơn.

Không chỉ chính sách thương mại, ưu tiên giải quyết nợ công cũng bị thay đổi. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo nợ công của nước này sẽ tăng từ 21.000 tỷ USD lên 33.000 tỷ USD trong 10 năm.

Theo CBO, chương trình cắt giảm thuế được lưỡng viện Mỹ thông qua hồi tháng 12/2017 sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế, song đồng thời cũng tăng thâm hụt ngân sách thêm 1.800 tỷ USD trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, trong một buổi phỏng vấn mới đây, ông Trump lạc quan cho rằng một nền kinh tế vững mạnh sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt ngân sách.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục