Chính thức triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics Việt Nam

11:51' - 12/04/2017
BNEWS Hiện tốc độ phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đạt từ 16 -20% và là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng tốt và đều nhất trong thời gian qua.
Tăng năng lực cạnh tranh cho dịch vụ logistics Việt Nam. Ảnh minh họa: Phan Quân - TTXVN

Ngày 12/4, tại Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức Lễ phát động triển khai thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA cho biết, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện.

Cách làm này nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – ngành được xác định là ngành dịch vụ giá trị tăng cao lên một bước phát triển mới.

Trong chức năng, nhiệm vụ đặt ra, VLA được phân công chủ trì thực hiện 10 nhiệm vụ và tham gia 27 trong tổng số 60 nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động nói trên.

Ngày 14/2/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Quyết định này xác định mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8 – 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ cho thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 – 60%, chi phí logistics giảm xuống còn 16 – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics trên thế giới đạt thứ 50 trở lên

Cùng với đó, phấn đấu hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.

Việc tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế được chú trọng.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả kết nối giữa Việt Nam với các nước; đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics của khu vực.

Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu; trong đó, có nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics và phát triển thị trường dịch vụ logistics.

Hiện tốc độ phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam đạt từ 16 -20% và là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng tốt và đều nhất trong thời gian qua.

Sự phát triển của ngành dịch vụ logistics đóng góp kết quả lớn đối với kim ngạch xuất nhập khẩu, là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều yếu kém; trong đó có vấn cơ sở hạ tầng và chi phí dịch vụ.

>> Quy hoạch lại hệ thống logistics vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục