Chợ truyền thống Hà Nội - Ký ức cũ trong nhịp sống hiện đại. Bài 2: Những mảnh ghép còn lại

09:01' - 25/07/2023
BNEWS Chợ cổ Hà Nội còn lại đến ngày nay không nhiều. Do nhu cầu ngày càng phát triển của cuộc sống, nhiều chợ dân sinh khác, nhiều loại hình thương mại hiện đại cũng mọc lên.

Sự tồn tại của những chợ truyền thống hiện diện giữa nhịp sống hiện đại được mọi người nhìn nhận tựa như những mảnh ghép cũ, khiến cuộc sống trở nên thân thuộc, gần gũi hơn và gợi nhớ về những ký ức xưa.

*Mảnh ghép cũ trong nhịp sống mới

Ngày mùng 4/6 âm lịch, đúng ngày họp phiên chợ Bưởi, chị Phạm Thị Thuân (làng Đông, phường Bưởi, quận Tây Hồ) lại mang mấy lồng chó mèo con ra chợ ngồi bán. Công việc này gắn bó với chị hơn 20 năm qua. Dù lượng người mua không nhiều như trước nhưng chị nói rằng, đó là nghề của chị nên không thể bỏ. Không chỉ bán ở chợ Bưởi mà tới các chợ phiên khác như: chợ Hà Đông, chợ Trôi, chợ Mơ... chị cũng lần lượt mang tới bán.

Còn chị Đỗ Thị Trường (tiểu thương chợ Bưởi) lại gắn bó với mặt hàng cây hoa cảnh và cũng có thâm niên gần 30 năm bán hàng tại chợ Bưởi. Không chỉ vào 6 ngày phiên chợ trong tháng mà ngay cả ngày thường, chị cũng ngồi bán tại đây. Cũng trong tình cảnh chung, lượng khách mua ít nhưng có lẽ bán cây hoa cảnh là duyên nghiệp nên chị vẫn gắn bó với nó.

 

Chợ Bưởi ngày nay khác với hình bóng từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng thật may, khu vực chợ phiên, một nét văn hóa xưa, vẫn được bố trí tại một góc chợ, dù diện tích rất khiêm tốn. Khu vực bán cây rau giống, hoa cây cảnh được bố trí phía ngoài, giáp hai đường Lạc Long Quân và Hoàng Hoa Thám.

Khu vực bán con giống được bố trí phía trong chợ. Duy chỉ có điều, lượng người bán cây rau giống chỉ còn vài ba hàng, bán con giống được gần 7 - 8 hàng, còn lại số hàng bán cây hoa cảnh nhiều hơn chút ít. Mặc dù chợ phiên bị thu hẹp rất nhiều so với khoảng 20 năm trước nhưng đó là nét văn hóa đặc trưng của chợ Bưởi nên đơn vị quản lý chợ vẫn duy trì.

Đến đó, người đi chơi chợ vẫn gặp được cảnh vui nhộn, đáng yêu ở khu vực bán con giống; thấy tinh thần thư thái ở khu vực bán cây hoa cảnh. Họ như được trở về tuổi thơ, thủa theo bà, theo mẹ ra chợ chơi, mua bán con giống hay vật dụng sinh hoạt thường ngày.

Chợ Hôm - Đức Viên nằm ở góc ngã tư Phố Huế - Trần Xuân Soạn được biết tới là một trong những chợ dân sinh lâu đời và lớn nhất ở Hà Nội. Xưa kia, khu vực chợ Hôm từng là trận địa đánh trả Thực dân Pháp khốc liệt và từng hứng chịu những đợt mưa bom, lửa đạn của Đế quốc Mỹ. Sau nhiều lần tu sửa, chợ Hôm - Đức Viên dần thay đổi diện mạo, vừa mang dáng vẻ vừa hiện đại, vừa truyền thống như ngày hôm nay.

Bước chân vào cổng chợ là một thế giới hàng hóa mở ra với vô vàn các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm. Ở đây, hầu như có tất cả mặt hàng phục vụ nhu cầu hàng ngày của gia đình, từ quần áo, vải vóc đến thực phẩm, trái cây. . . Trong đó, mặt hàng nhiều nhất ở chợ này chính là vải, khách hàng có thể lựa chọn những loại vải may quần áo, chăn ga, rèm… Ngoài ra, còn rất nhiều gian hàng khác phân theo khu vực như: Khu thực phẩm, khu đồ ăn vặt, khu hoa quả, trái cây… Mỗi khu vực, mỗi gian hàng được sắp xếp theo trình tự không gian rất hợp lý.

Người dân phố Trần Xuân Soạn, Lò Đúc, Hòa Mã, phố Huế… gắn bó với chợ Hôm - Đức Viên như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Không chỉ là nơi mua sắm cho sinh hoạt thường ngày mà chợ trở nên gần gũi, thân thuộc như người bạn tri kỷ khi cùng họ đi qua nhiều năm tháng.

Nhà xã hội học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng, hiện nay, các siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên ngày càng nhiều đã tác động lớn đến thói quen tiêu dùng của người dân và vì thế các chợ truyền thống không còn nhiều ưu thế như trước. Chợ truyền thống bị thu hẹp sẽ để lại nhiều tiếc nuối cho một bộ phận cư dân vì nó không chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa mà nó còn là hoài niệm, ký ức. Những chợ truyền thống còn lại giống như những bảo tàng sống về văn hóa, xã hội trong đời sống hiện nay.

*Ký ức còn lưu lại

Với nhiều người Hà Nội, nhất là những người lớn tuổi, đi chợ như một thói quen hàng ngày khó bỏ. Ngay cả những người không phải lo mua bán rau xanh, thực phẩm hàng ngày, những khi rảnh rỗi, người ta vẫn muốn ra chợ chơi, để xem hàng hóa, giao lưu với mọi người. Ở đó, người ta tìm thấy niềm vui, tìm thấy những kỷ niệm cũ mà trong bộn bề cuộc sống khó có thể tìm thấy được.

Nhân dịp cuối tuần qua, khi con cháu được nghỉ làm, bà Nguyễn Thị Hiền Thanh (trú tại ngõ 81 Lạc Long Quân, quận Cầu Giấy) ra chợ Bái Ân, nay gọi là chợ Nghĩa Đô chơi. Chợ nhỏ, nằm giữa khu dân cư đông đúc nhưng lại mang tính chất chợ quê nhiều hơn, do bà con các vùng ven mang nông sản vào bán.

Chợ họp đến trưa thì tan, chỉ còn vài ba hàng cố định bán. Rau cỏ, hoa quả, thịt, cá chủ yếu mang ở quê ra nên khá đa dạng, giá cả phải chăng. Gặp mấy người quen cũ, bà hồ hởi hỏi thăm. Được mời chào mua hàng, bà Thanh dừng chân lại mua, người bán cũng không nói thách, bà cũng chẳng trả giá. Đi một vòng chợ chừng hơn nửa giờ đồng hồ, chiếc làn trên tay bà cũng trĩu nặng hoa quả, rau xanh và thêm vài vật dụng cần thiết khác.

Bà cho biết, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nên từ nhỏ bà thường được theo bà nội, theo mẹ đi chợ Bái Ân. Hình ảnh chợ quê cứ dần theo tâm trí bà đi cùng năm tháng. Đến khi lập gia đình và giờ có tuổi, bà vẫn ở tại nơi cũ nên vẫn thường xuyên gắn bó với chợ. Dù thời điểm này, việc nội trợ do các con cháu lo nhưng thỉnh thoảng bà vẫn tự mình đi chợ cho vui, cho khuây khỏa.

Chợ truyền thống luôn là hình ảnh in đậm vào tâm thức nhiều người. Có những người xa quê, khi trở về chốn cũ, người ta thường muốn ra chợ thăm thú, mua sắm, tìm lại ký ức. Mới đây có một gia đình Việt kiều Pháp khi về thăm quê đã tới phiên chợ Bưởi chơi, để nhớ về những kỷ niệm thủa xưa.

Hai vợ chồng và con cái vô cùng thích thú khi thăm dãy hàng bán chó, mèo, thỏ, gà, vịt giống và liên tục ghi lại những bức ảnh đáng yêu. Tất nhiên, chợ Bưởi hiện nay khác với thời họ đã từng gắn bó nhưng điều quan trọng, họ tìm về hoài niệm, để sống lại không khí chợ phiên thủa xưa.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, sự gắn kết nông thôn - thành thị ở các đô thị Việt Nam khá chặt chẽ và chợ truyền thống là nơi thể hiện sự gắn kết đó một cách rõ nhất.

Người Việt Nam sống ở các đô thị, dù đã quen với việc mua bán ở siêu thị nhưng vẫn không từ bỏ thói quen mua hàng ở chợ truyền thống vì sự tiện lợi, vì độ tươi ngon của một số loại thực phẩm, vì sự phong phú của các mặt hàng họ đã quen dùng và đặc biệt, vì một thói quen đã gắn chặt với đời sống hàng ngày của họ.

Người Việt Nam luôn cảm thấy một cảm giác thân thương khi đi chợ truyền thống, vì thế, nếu chợ truyền thống mất dần đi, quả là có niềm tiếc nuối nhất định...

Chợ truyền thống Hà Nội là thế, luôn là nơi người ta muốn đến, muốn gắn bó, muốn nhớ về. Dù hệ thống thương mại hiện đại đang ngày càng mở rộng nhưng chợ truyền thống không thể thay thế trong tâm thức nhiều người. Tuy nhiên, sự dịch chuyển của thời cuộc ít nhiều cũng tác động tới vị trí, hình ảnh thân thuộc của các chợ truyền thống ở Thủ đô./. 

>>>Chợ truyền thống Hà Nội - ký ức cũ trong nhịp sống hiện đại. Bài 3: Sự dịch chuyển của thời cuộc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục