Chống lãng phí đất đai - Bài 2: Hậu quả lớn thất thu ngân sách

18:04' - 31/12/2024
BNEWS Đáng lo ngại và gây hậu quả lớn thất thu ngân sách, lãng phí tài nguyên nhất là vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích: xây dựng trái phép nhà ở, nhà xưởng... trên đất nông nghiệp công ích.

Do quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích còn nhiều bất cập đã tạo điều kiện cho vi phạm đất phát sinh, phát triển. Nhiều nơi để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp công ích, cho mượn đất hoặc bỏ hoang, nhất là ở những địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, sản xuất nông nghiệp không phải là lợi thế. Theo số liệu của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hà Nội, tổng quỹ đất nông nghiệp công ích trên địa bàn là khoảng 10.754,34 ha; trong đó, có tới 3.286 trường hợp vi phạm với diện tích là 170,66 ha đất, chiếm 1,58% diện tích đất nông nghiệp công ích của thành phố.

 

*Muôn kiểu vi phạm

Vi phạm trên đất nông nghiệp công ích được phân thành 4 nhóm. Nhóm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp để xây dựng trang trại sinh thái, xây dựng nhà ở, nhà xưởng, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nhóm tự ý chuyển nhượng đất nông nghiệp trái quy định. Nhóm chuyển mục đích đất nông nghiệp công ích thành bến bãi vật liệu, bãi trông giữ xe… Nhóm vi phạm khác bao gồm: đào ao, xây tường bao trên đất, không sử dụng đúng mục đích nông nghiệp, đổ phế thải xây dựng trên đất nông nghiệp công ích.

Đáng lo ngại và gây hậu quả lớn thất thu ngân sách, lãng phí tài nguyên nhất được xem là nhóm vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích: xây dựng trái phép nhà ở, nhà xưởng, lán tạm, chuồng trại chăn nuôi trên đất nông nghiệp công ích.

Trong số các trường hợp vi phạm nêu trên, có những vi phạm tồn tại từ trước năm 2014 chiếm 78,85% với khoảng 2.591 trường hợp vi phạm. Đáng chú ý, có 1.648 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp công ích qua nhiều thời kỳ, từ năm 2014 - 2018 với diện tích 16,21 ha. Từ những con số trên chứng tỏ vi phạm đất nông nghiệp công ích trên địa bàn thành phố là rất nghiêm trọng, quy mô lớn, tồn tại nhiều năm, gây bức xúc và hậu quả nặng nề cho xã hội mà chưa biết đến bao giờ mới giải quyết được.

Phường Khương Đình, quận Thanh Xuân là địa bàn nóng vi phạm đất nông nghiệp trên địa Thủ đô. Ngõ 207, 271 phố Bùi Xương Trạch (Khương Đình) là điển hình của vi phạm. Từ mảnh đất nông nghiệp trồng rau màu, nay đã biến thành những căn nhà cao tầng, thấp tầng, nhà tạm - nơi sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình. Nhiều ngôi nhà ở đây có hình dáng kỳ lạ, phía ngoài quây tôn, bên trong là tường gạch kiên cố, nhằm che mắt việc xây dựng sai phạm trên đất nông nghiệp. Đặc biệt tại phường Khương Đình - khu vực có 9/10 khu dân cư chủ yếu có nguồn gốc đất công, đất nông nghiệp.

Theo thống kê, trên địa bàn phường Khương Đình có khoảng 10.000 thửa đất; trong đó, khoảng 5.000/10.000 thửa đất có nguồn gốc là đất công, đất nông nghiệp. Trên thực tế, đã có trên 4.000 thửa đất đã bị người dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành công trình từ giai đoạn 1990-2014. Do xây dựng trái phép nên công trình chắp vá manh mún quy mô từ 1 đến 5 tầng và mặc dù nhà quây tôn bên ngoài nhưng thực tế bên trong đã phần nào kiên cố hoá.

Vi phạm vắt qua nhiều thời kỳ và có sự mua bán trao tay nhập nhằng, phức tạp về pháp lý và hồ sơ đất. Do gặp khó về áp dụng chính sách tháo gỡ cho các hộ dân, hiện nay chính quyền phường Khương Đình đang thực hiện biện pháp giữ nguyên trạng, nghĩa là ngăn chặn không cho các hộ dân đang sinh sống ở đây xây dựng thêm công trình trên đất vi phạm.

*Thiếu quản lý giám sát

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước kia tại Hà Nội đất nông nghiệp công ích thường là do các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc UBND cấp xã quản lý và cho thuê thầu trồng cây, nuôi cá hàng năm hoặc vài chục năm. Thời gian cho thuê thầu dài, lại thiếu quản lý giám sát đã dẫn tới vi phạm đất nông nghiệp công ích.

Tại huyện Phúc Thọ, một dự án trồng hoa mang tên Hoa Bay, (thôn Tân Bồi xã Hiệp Thuận - Phúc Thọ), được địa phương cho thuê thầu 50 năm, từ năm 2009 đến năm 2059, với diện tích 9.400 m2. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, ngoài sản xuất nông nghiệp, trồng hoa, chủ đầu tư lắp dựng nhà tạm bằng mái cọ, xung quanh bứng tôn và tre nứa diện tích mỗi công trình là 18 m2. Hệ thống đường bê tông rộng khoảng 3m, dài 80m.

Dự án trên đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân, cử tri. Đỉnh điểm Kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 12/5/2023 tiến hành chất vấn lãnh đạo UBND huyện Phúc Thọ về sự biến tướng của dự án này. Cuối tháng 10/2024 khi chúng tôi có mặt tại khu dự án, dự án vẫn mở cửa đón khách và thu phí.

Từ những thực tế trên cho thấy, việc sử dụng, cho thuê đất nông nghiệp công ích ở Hà Nội vào nhiều mục đích khác nhau; thời gian thuê thầu cũng không giống nhau. Theo tìm hiểu, nhiều địa phương của Hà Nội đã buông lỏng quản lý; đất nông nghiệp công ích được mang ra xin – cho, làm lợi cho một số đối tượng, theo kiểu lợi ích nhóm.

Mới đây, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với N.C.L (nguyên Chủ tịch UBND xã An Thượng (Hoài Đức) về hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai.

Kết quả điều tra cho thấy từ năm 2018 đến năm 2020, với chức vụ là Chủ tịch UBND xã An Thượng, ông N.C.L đã ký nhiều hợp đồng giao thầu đất công ích 5% tại xã An Thượng cho nhiều hộ dân nhưng không thông qua đấu giá.

Việc ký kết các hợp đồng cho thuê đất nông nghiệp công ích không thông qua việc đấu giá của lãnh đạo UBND xã An Thượng là không đúng theo quy định.

Căn cứ vào tài liệu thu thập được, ngày 3/7/2024, Công an huyện ra Quyết định Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với N.C.L về hành vi Vi phạm quy định về quản lý đất đai.

Đó là 1 trường hợp vi phạm điển hình mà cơ quan Công an xử lý. Còn trên thực tế tại nhiều địa phương ở Hà Nội, nhiều trường hợp vi phạm sử dụng đất; đất giao trái thẩm quyền nhưng được cấp có thẩm quyền châm chước, chưa xử lý.

Theo báo cáo của UBND thị xã Sơn Tây, địa bàn hiện có đến 11 trường hợp biến đất nông nghiệp công ích thành nhà ở với tổng diện tích 740 m2; 7 trường hợp xây dựng cơ sở kinh doanh dịch vụ với diện tích 1.181,95 m2...cũng chưa thể cưỡng chế bàn giao mặt bằng để đấu giá.

Thị xã Sơn Tây cho rằng, nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ nên khi được thuê đất công ích đã xây dựng công trình trên đất, trồng cây lâu năm, đến thời hạn thanh lý hợp đồng thì yêu cầu bồi thường tài sản và hoa màu trên đất mới làm thủ tục bàn giao.

Còn ở Hợp Tiến (Mỹ Đức) hiện có 29 thửa đất nông nghiệp công ích hiện nay chưa thể xử lý được tài sản trên đất. UBND xã Hợp Tiến cho biết, các hộ gia đình đã hợp đồng thuê thầu với Hợp tác xã nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp từ nhiều năm qua, bỏ công sức cải tạo, trồng cây ăn quả trên đất. Dù hết hạn hợp đồng thuê thầu nhưng phía UBND xã cũng rất khó yêu cầu các hộ thu dọn cây trồng, vật nuôi để bàn giao mặt bằng sạch để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Theo ông Trần Văn Vịnh, Công chức địa chính xã Hợp Tiến, tài sản của công dân là những cây lâu năm ăn quả, cây rau và ao thả cá. Theo nguyên tắc, khi đấu giá phải có mặt bằng sạch, nếu xã phá bỏ toàn bộ tài sản trên đất thì rất lãng phí. Còn nếu để nguyên trạng thì vi phạm các quy định về đấu giá.

"Khi đấu giá buộc phải bàn giao mặt bằng sạch, chặt toàn bộ cây cối ban đầu, các hộ ý kiến nhiều về việc này và không chấp hành. Còn xã mà cưỡng chế, giải phóng mặt bằng thì quả thực là điều bất cập và phức tạp với dân, vì người ta đã bỏ tiền đầu tư ra, có hộ đã được thu hoạch, có hộ mới bắt đầu được thu thì phải trả mặt bằng. Do đó UBND kiến nghị cấp trên xem xét, có hướng dẫn cụ thể để xã có trình tự sử dụng quỹ đất 2 (đất nông nghiệp công ích) cho đúng luật".

Bài cuối: Gỡ điểm nghẽn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục