Chống ngập ở Tp. Hồ Chí Minh - Bài 3: Chống ngập gắn liền với quản lý đô thị

16:34' - 24/10/2018
BNEWS Mặc dù đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cho các dự án chống ngập nhưng đến thời điểm hiện tại, việc chống ngập vẫn còn nhiều khó khăn bởi các giải pháp vẫn mang tính tạm thời và thiếu đồng bộ.

Các chuyên gia quy hoạch cho rằng nếu như Tp. Hồ Chí Minh không có một chiến lược mang tính đột phá và những giải pháp thực thi đồng bộ thì với tốc độ biến đổi khí hậu, nước biển dâng ngày một phức tạp như hiện nay, trong tương lai không xa Tp. Hồ Chí Minh sẽ dần chìm trong nước.

Thực tế trên cũng đang tác động ngày càng rõ ràng đến phát triển đô thị bền vững, vì vậy việc xem xét lại việc quản lý phát triển đô thị là hết sức cần thiết.

*Hạn chế trong quản lý

Siêu máy bơm đang được Tập đoàn Quang Trung lắp đặt tại những khu vực chống ngập dọc sông Sài Gòn. Ảnh: Hoàng Hải-TTXVN

Quá trình phát triển đô thị thiếu kiểm soát trong suốt vài thập niên qua đã vượt xa so với tốc độ nâng cấp hệ thống thoát nước. San lấp lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước cũng như hiện tượng lún hàng năm đã dẫn đến hệ quả là tình trạng ngập ở Tp. Hồ Chí Minh ngày càng nghiêm trọng. Vấn đề này trở nên không thể kiểm soát nổi trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Nhận định từ các chuyên gia, khoảng 10 năm gần đây, nỗ lực của thành phố trong việc xoá ngập chỉ là để khắc phục hậu quả của việc thiếu đầu tư đồng bộ cho hệ thống thoát nước. Hơn nữa, việc dự báo chưa lường hết được biến đổi khí hậu nên thông số thiết kế theo quy hoạch đã không còn phù hợp với tình hình thực tế khiến một số tuyến thoát nước dù mới được đầu tư cũng trở nên quá tải.

Các tuyến cống thoát nước tại Tp.Hồ Chí Minh trước kia xây dựng theo Quyết định số 752/2001/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 (còn gọi là Quy hoạch 752) về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Tp. Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Theo thiết kế, nếu mưa có vũ lượng trên 85 mm thì cống cấp 3 sẽ tràn. Cao trình mực nước thiết kế của các tuyến cống theo quy hoạch 752 là +1,32 mét. Tuy nhiên, trong hai năm qua, thành phố đã xuất hiện 17 trận mưa với vũ lượng hơn 100 mm, thậm chí lên tới 206,2 mm vào năm 2017 khiến hệ thống thoát nước trở nên lạc hậu.

Song song đó, từ năm 2008 đến nay, đỉnh triều cường thường đạt mức rất cao (trên 1,5 m) và không ngừng phá kỷ lục, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, triều cường ở Tp.Hồ Chí Minh đã lập kỷ lục mới là 1,72 m tại trạm Nhà Bè, cao hơn cao độ thiết kế của quy hoạch 0,4 m.

Dự báo về những khó khăn trong việc triển khai chương trình chống ngập, UBND Tp.Hồ Chí Minh cũng nhận định, tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, tình trạng sạt lở và lún nền tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư xây dựng công trình cũng như gia tăng tình trạng ngập lụt trên địa bàn thành phố.

*Kiểm soát quá trình mở rộng đô thị

Quản lý phát triển đô thị thiếu hợp lý trong nhiều năm qua đang gây ra những hệ luỵ, đòi hỏi các biện pháp giải quyết cực kỳ tốn kém, thậm chí không giải quyết được (điển hình là vấn đề lún mặt đất). Các yếu tố môi trường, sinh thái chưa được quan tâm đúng mức ngay từ khi hoạch định phát triển đô thị đến các dự án đầu tư xây dựng dẫn đến hậu quả trước hết là ngập lụt đô thị.

Đã có nhiều nghiên cứu, đề xuất giải pháp chống ngập cho Tp. Hồ Chí Minh, đặc biệt là các giải pháp mang tính dự án công trình như đê bao kiên cố, nâng cấp cầu cống…

Ông Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng cho rằng, trong điều kiện kinh tế và nguồn lực hạn chế hiện nay thì các giải pháp, dự án này sẽ không được triển khai toàn diện và kịp thời, thậm chí có thể làm trầm trọng thêm hậu quả ngập lụt. Cần phải có những giải pháp quản lý đô thị bổ sung được thực hiện để hỗ trợ cho những giải pháp truyền thống nhằm làm chậm dòng chảy tràn, gia tăng không gian điều tiết, giảm sụt lún…

Ông Lưu Đức Cường nhấn mạnh, tình trạng ngập lụt liên quan mật thiết đến việc kiểm soát quá trình mở rộng đô thị. Vì vậy, trong quá trình kiểm soát phát triển đô thị cần thiết lập “khu vực khuyến khích đô thị hoá” và “khu vực đô thị hoá có kiểm soát” trên cơ sở xem xét điều kiện đất đai như một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu.

Theo đó, khu vực khuyến khích đô thị hoá là những khu vực có địa hình cao như khu vực đô thị trung tâm hiện hữu và hướng Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 – trục xuyên Á. Đây là hướng phát triển kém hấp dẫn hơn các hướng khác, vì vậy cần có sự đầu tư đáng kể về mọi mặt nhằm khuyến khích phát triển.

 Mưa lớn gây ngập tại đường Thanh Loan (Quận 8), khiến phương tiện lưu thông khó khăn. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

Khu vực đô thị hoá có kiểm soát là những khu vực địa hình thấp như hướng Đông Bắc, gồm quận 2, 9, Thủ Đức; hướng Tây Nam gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và hướng Nam, Đông Nam tiến ra biển gắn với Nhà Bè, Cần Giờ. Việc phát triển khu vực này cần được thiết kế, quy hoạch một cách hết sức cẩn thận, mềm dẻo để loại bỏ những nguyên nhân gây ngập lụt như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết chống ngập tại Tp. Hồ Chí Minh thì cần phải làm tốt việc dự báo hơn nữa. Cụ thể, những vùng dự kiến sẽ bị ngập cần được dự báo chính xác và có phương án ứng phó phù hợp, hoặc ngăn chặn triệt để bằng các phương pháp hiện đại, hoặc là để ngập và xây dựng thành một khu vực có đặc điểm sinh thái mới nằm trong lòng đô thị.

Những vùng chưa bị ngập hoặc có tác động vừa phải cũng cần được dự báo mức độ tác động và có phương án ứng phó tương ứng. Trong bối cảnh chung đó, có thể có những phương án giao thông, xây dựng, nhà ở… nào thực sự “sống chung với ngập” một cách hiệu quả.

*Dành quỹ đất thích đáng cho nước

Theo các chuyên gia đô thị, Tp. Hồ Chí Minh cần thay đổi cách sử dụng đất phục vụ quản lý nước. Đặc biệt, các khu chức năng trong đô thị cần có hệ thống lưu trữ hoặc thu nước mưa tại các khu vực thấp trũng.

Ông Châu Nguyễn Xuân Quang, Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia Tp.Hồ Chí Minh) cho rằng, ngay cả khi hoàn thành các dự án chống ngập đang được triển khai, thành phố vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong tương lai đến từ tốc độ đô thị hóa, sụt lún, nước biển dâng, hạ tầng xuống cấp... Giải pháp hiệu quả nhất vừa giúp giải quyết tình trạng ngập lụt cục bộ trong hiện tại, vừa giải quyết các yếu tố thời tiết bất định trong tương lai đó là phát triển không gian điều tiết nước mưa.

Theo ông Quang, để việc phát triển không gian điều tiết nước mưa cho đô thị đạt hiệu quả, thành phố cần nghiên cứu lựa chọn và cải tiến các kỹ thuật điều tiết phù hợp với điều kiện khí hậu và phi khí hậu tại. Đồng thời, đánh giá những rào cản và đề xuất giải pháp khắc phục để triển khai có hiệu quả không gian điều tiết nước mưa...

“Phát triển không gian điều tiết nước mưa có thể thực hiện bằng cách xây dựng hồ điều tiết tập trung, xây dựng các hồ ao, hồ chứa nước ở công viên, khu dân cư, xây dựng khu vực chứa nước mưa ở hộ gia đình sử dụng trong sinh hoạt. Đồng thời có thể lồng ghép chức năng điều tiết nước vào các hồ hiện có, lồng ghép giải pháp không gian điều tiết nước mưa vào hệ thống thoát nước”, ông Quang chia sẻ.

Đề cập về giải pháp cụ thể, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật VMCTech cho rằng, thành phố có thể thực hiện giải pháp Cross wave sử dụng mô đun nhựa xây dựng, lắp đặt ngầm dưới lòng đất nhằm mục đích điều tiết nước mưa.

Bởi công nghệ Cross wave, tỉ suất chứa nước lên đến trên 95% thể tích lắp đặt và khoảng không chiếm chỗ của vật liệu rất ít. Thời gian thi công ngắn hơn so với thi công bê tông truyền thống, xây dựng, lắp ghép dễ dàng, diện tích hồ 1.000 m3 có thể lắp đặt trong vòng 5 ngày.

Đây là giải pháp công nghệ tiên tiến, hiệu quả và có tính khả thi cao góp phần giải quyết ngập lụt đô thị, sử dụng hiệu quả nguồn nước mưa, giảm ô nhiễm môi trường.

Nhằm giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường, kỹ sư Vũ Hải, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội nước và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện giải pháp xây dựng đập ngăn triều kiểu mới tại cửa sông Soài Rạp (huyện Cần Giờ); trong đó có tuyến đập với chiều dài khoảng 3 km, sâu 5 - 6m tại vị trí phía dưới ngã ba sông Vàm Cỏ, cách cửa biển 11 hoặc 16 km, đồng thời xây dựng tuyến đê bao phía trái đập nối với Quốc lộ 50 dài 10 km hoặc sử dụng đường hiện hữu Quốc lộ 50 - phà Vàm Láng làm đê bao.

Theo kỹ sư Vũ Hải, đập kiểu mới không đóng kín dòng sông mà để mở ở giữa sông với chiều rộng vài trăm mét nhằm mục đích hạn chế nước triều cường vào sông, từ đó làm giảm mức nước triều ở phía trên của đập, giải quyết vấn đề ngập nước do triều cường.

Hai bên cửa mở giữa sông là đập bê tông mềm gồm các trụ bê tông chế sẵn trên bờ có gắn các lá sách bằng thép không rỉ để khi triều cường lên thì các lá sách tự động đóng lại không cho nước triều vào sông, khi triều cường rút lá sách tự động mở ra để nước mưa, nước bẩn thoát ra biển.

Bên cạnh đó, đập ngăn triều kiểu mới giúp cho độ mặn trên sông không vượt quá 0,1%, không làm thay đổi môi trường sinh thái, cảnh quan khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Tất Đắc, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng đề xuất giải pháp chống ngập do triều cường bằng cách xây dựng cống ở cửa sông Soài Rạp cách ngã ba Vàm Cỏ khoảng 6 km. Cống có chiều rộng khoảng 750 - 1.000 m; trong đó một phần cống rộng khoảng 150 - 200 m luôn mở cho giao thông đường thủy, phần còn lại được vận hành để nước chảy một chiều trong mùa lũ.

Theo ông Nguyễn Tất Đắc, giải pháp công trình này có thể làm giảm mực nước đỉnh triều tại ngã ba Đèn Đỏ (quận 7) xuống 22 - 39 cm trong mùa cạn và giảm hơn 40 cm trong mùa lũ tùy theo độ mở của cống, giúp chống ngập do triều cường đạt hiệu quả cao.

Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp chống ngập bằng xây dựng cống, đập ngăn triều kiểu mở ở cửa sông đề xuất là một trong những giải pháp có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để thực hiện công trình này một cách hiệu quả cần thực hiện nhiều công trình phụ đi kèm như nâng cốt nền các đường giao thông có kết nối với đập, xây dựng các đê bao nối tiếp trong khu vực xây dựng đập./.

Bài cuối: Đồng bộ các giải pháp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục