Chống ngập tại Tp Hồ Chí Minh: Bài cuối - Giải pháp bền vững là gì?

09:43' - 07/10/2020
BNEWS UBND Tp Hồ Chí Minh đã xây dựng và điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Nghiêm túc nhìn nhận và rút kinh nghiệm những vấn đề tồn tại, những mặt còn hạn chế, đồng thời giữ và phát huy các kết quả đã đạt được trong công tác chống ngập giai đoạn 2016 -2020, thời gian tới, Tp Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các công trình, giải pháp chống ngập, khơi thông kênh rạch, cải tạo cống vòm, nâng cấp hệ thống thoát nước và giữ gìn vệ sinh môi trường để tiến tới giải quyết cơ bản, hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng do thời tiết và triều cường trên địa bàn.

* Hướng đến chống ngập bền vững

Để chuẩn bị cho công tác chống ngập trên địa bàn thời gian tới, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, quy hoạch thoát nước của Thành phố sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng hơn 2.000 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ), rộng gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ. Việc điều chỉnh này nhằm lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, làm cơ sở cho việc phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn Thành phố.

Mặt khác, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng trong năm 2021. Hiện tại, Dự án đã hoàn thành 77% khối lượng, dự kiến sẽ tiếp tục thi công xuyên Tết Tân Sửu 2021 để sớm đưa công trình vào vận hành.

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án chống ngập này có khả năng kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm Thành phố, với diện tích 750 km2 và khoảng 6,5 triệu dân sinh sống. Dự án còn giúp điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Dự kiến sau khi hoàn thành, Dự án sẽ giải quyết ngập ở bốn tuyến đường: Huỳnh Tấn Phát, Quốc lộ 50, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn.

Bên cạnh việc hoàn thành Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực thành phố Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), Thành phố tiếp tục thực hiện 218 dự án chống ngập khác với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Thành phố đặt mục tiêu sau khi Dự án chống ngập trên đi vào hoạt động sẽ cơ bản giải quyết tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm Thành phố và 5 lưu vực ngoại vi, góp phần cải thiện đời sống dân sinh và bảo vệ môi trường.

Với tình trạng lấn chiếm kênh, rạch, các quận, huyện trái phép trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đẩy mạnh thực hiện kiểm soát và cưỡng chế các trường hợp này, trả lại hiện trạng ban đầu của kênh, rạch.

Đối với những trường hợp nhà dân xây lấn kênh, rạch do lịch sử để lại, có những vị trí được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, địa phương sẽ tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng để khôi phục lại hiện trạng. Đồng thời tại các dự án khu dân cư, khu đô thị, việc san lấp kênh, rạch có quy định phải thay thế bằng cống hộp có tiết diện bằng hoặc lớn hơn kênh, rạch bị san lấp.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang triển khai Dự án phục hồi hệ thống cống vòm đầu tư từ trước năm 1975, để phát huy năng lực chống ngập cho khu vực trung tâm Thành phố với sự hỗ trợ kinh phí gần 18 triệu USD từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA.

Tuyến cống vòm này dài hơn 700 km, nằm chủ yếu ở các trục đường chính khu trung tâm. Dự kiến, trong giai đoạn 1, Dự án sẽ thi công phục hồi tuyến cống cũ trên các đường Hai Bà Trưng, Yersin, Cống Quỳnh và Cách mạng tháng 8.

Tiến sỹ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố nên tính toán giải pháp sử dụng nguồn lực tại chỗ để hồi sinh kênh, rạch, tránh việc đầu tư dàn trải.

Khi tiến hành Dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch, thành phố cần tính toán mở rộng biên giải tỏa để có thêm quỹ đất sạch đấu giá, lấy nguồn lực đó triển khai dự án; đồng thời có thể triển khai xây dựng các chung cư, nhà cao tầng trên nguồn đất sạch đó để tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng.

Ông Võ Kim Cương cho biết, song song với việc kè bờ kênh, rạch chống xói lở, Thành phố cần chú trọng thiết kế không gian sông nước hài hòa với thiết kế chung của từng khu vực đô thị.

Đồng thời do các trục song, rạch là những không gian công cộng lý tưởng, các phương án thiết kế cần tăng cường kết nối, nâng cao khả năng tiếp cận của cư dân, tạo không gian đô thị sinh động và an toàn; các trục đường dọc theo các tuyến sông, rạch cần bảo đảm kết nối liên tục.

Về việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh nơi công cộng; ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến công tác phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng người dân để cuộc vận động đi vào chiều sâu.

* Phải hợp tác đa ngành, liên vùng

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lê Huy Bá (chuyên gia môi trường và biến đổi khí hậu), Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng ngập do thời tiết, triều cường nặng nhất Việt Nam.

Thế nhưng, công tác chống ngập của Thành phố chỉ nhỏ lẻ theo cách “ngập đâu chống đó” chứ chưa có tầm nhìn lâu dài. Thành phố còn tồn tại nhiều dự án xây nhà cao tầng nhưng không đầu tư hệ thống thoát nước… nên không thể giải quyết triệt để tình trạng ngập, thậm chí các điểm đã hết ngập vẫn có nguy cơ ngập lại nếu không theo dõi sát sao và có kinh phí duy trì.

Ông Lê Huy Bá cho rằng, để đồng bộ quy hoạch và đẩy nhanh tiến độ các dự án chống ngập, Thành phố Hồ Chí Minh cần tháo gỡ được vấn đề khó khăn về nguồn lực và chú trọng tính liên kết giữa các công trình thoát nước để đạt hiệu quả cao. Muốn làm được những điều này, phải thực hiện hợp tác đa ngành, trong đó cần một bộ phận đủ quyền hành, nguồn lực và chịu trách nhiệm trực tiếp điều phối các ban, ngành cùng tham gia.

Cụ thể, Thành phố cần tính toán đồng bộ xây nhà, nâng đường, bờ bao ngăn triều kết hợp cải tạo hệ thống bơm, tiêu thoát nước. Trong đó, thành phố nên tận dụng lợi thế sông ngòi sẵn có để xây dụng các công trình lưu trữ và tạo dòng thoát nước tự nhiên, đồng thời có thể nâng cao giá trị bản sắc sông nước Thành phố.

Song song đó, khi quy hoạch đô thị mới cần rải đều, tránh tập trung đông dân gây quá tải về hạ tầng; kiến trúc xây dựng phải đảm bảo phù hợp địa hình từng khu vực, hướng tới công trình xanh có khả năng tự tiêu thoát nước, tránh bê tông hóa cao tại các khu vực trọng yếu.

Về lâu dài cần xem xét, điều chỉnh quy hoạch chống ngập theo thực tế, tránh để lạc hậu trước những điều kiện biến đổi khí hậu. Đặc biệt, thực hiện nghiêm chế tài xử lý trách nhiệm chủ đầu tư nếu dự án không có hệ thống thoát nước.

Thành phố cần ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất dự báo, đo đạc, ghi nhận các số liệu khí hậu, thiên tai, thời tiết để lập các phương án ứng phó phù hợp, tránh bị động rơi vào tình trạng “ngập” rồi mới “chống”; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không xả rác bừa bãi xuống kênh, rạch làm tắc nghẽn cống thoát nước, dòng chảy của kênh, rạch.

Việc chỉnh trang và cải tạo kênh, rạch khó khăn chủ yếu là nguồn kinh phí thực hiện, do đó giải pháp tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ cải tạo các tuyến kênh, rạch trên địa bàn Thành phố là kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Theo đó, Nhà nước cần thúc đẩy vai trò của cộng đồng thông qua thể chế, chính sách để người dân, cộng đồng có thể tham gia tích cực không chỉ ở giai đoạn lên ý tưởng và lập quy hoạch chung mà còn ở cả giai đoạn duy trì, quản lý sông, kênh, rạch sau này.

Về lâu dài, ông Lê Huy Bá cho biết, giải pháp ứng phó với ngập úng nói riêng và các tác động khác của biến đổi khí hậu nói chung không thể “khoanh” lại trong phạm vi địa giới hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, mà phải có sự phối hợp với các địa phương khác vì ngập úng, biến đổi khí hậu là vấn đề chung của cả nước chứ không riêng một địa phương nào. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các vấn đề của siêu đô thị phải được giải quyết ở cấp độ vùng.

Theo đó, cần phải có một cơ quan điều phối vùng, thực sự kết nối được Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An... để cùng nhau tìm phương án giải quyết hiệu quả, đồng bộ.

Chống ngập đô thị luôn là bài toán nan giải với Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt trong thời điểm đang chịu sự tác động nặng nề của yếu tố tự nhiên như triều cường, mưa…, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số tăng; hệ thống thoát nước và kênh, rạch dù đã cải tạo, phục hồi nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển.

Tuy nhiên, với hàng loạt công trình, giải pháp mà các cấp chính quyền Thành phố đã và đang triển khai thực hiện, hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một thời gian không xa, tình trạng ngập nước trên địa bàn sẽ sớm được giải quyết, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân./.

Bài 1: Kết quả từ những công trình chống ngập

Bài 2: Vẫn còn không ít tồn tại

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục