Tp HCM tiếp tục lùi thời gian hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng

13:30' - 23/05/2020
BNEWS Về thời gian hoàn thành, ban đầu dự án chống ngập tại TP Hồ Chí Minh dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018 nhưng sau đó lùi đến tháng 6/2019, rồi đến cuối năm 2019.

Ngày 23/5, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn lãnh đạo UBND thành phố đã đi kiểm tra tiến độ thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 (quy mô vốn gần 10.000 tỷ đồng) do Trung Nam Group làm chủ đầu tư.

Báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Trung Nam Group cho biết, tính từ lúc khởi công (giữa năm 2016) đến ngày 20/5/2020 dự án đã thi công phần xây dựng đạt 5.319/6.907 tỷ đồng (77%), phần thiết bị cơ khí thuỷ công đạt 517/987 tỷ đồng (52%).

Tổng giá trị thực hiện dự án là 6.443/9.566 tỷ đồng, tương đương 67% tổng mức đầu tư dự án. Giá trị giải ngân bồi thường giải phóng mặt bằng đạt hơn 203 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Tâm Tiến, hiện nay thiết bị xi lanh nhập từ Đức đã về Việt Nam, riêng phần máy bơm sẽ về trong khoảng 4-6 tuần tới để tiến hành lắp ráp.

Tại các cống ngăn triều, thiết bị thi công dưới mặt nước đã ngoi lên mặt đất nên việc thi công sẽ dễ dàng và đẩy nhanh tiến độ. Hiện cống ngăn triều Tân Thuận, phía Quận 4 còn vướng một hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) còn 18 chưa bàn giao mặt bằng ở xã Phú Xuân.

Cùng với đó, trong quá trình thi công tại huyện Nhà Bè xuất hiện việc thi công không phép công trình của Công ty cổ phần cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam khi xây dựng chồng lấn lên tuyến đê kè 2 của Trung Nam Group.

“Nếu các quận, huyện bàn giao mặt bằng đến cuối tháng 5/2020 thì chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành dự án chống ngập trong tháng 10/2020 chào mừng Đại hội Đảng bộ Tp. Hồ Chí Minh”, ông Nguyễn Tâm Tiến cam kết.

Về tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh yêu cầu, các quận huyện nơi dự án đi qua chưa hoàn tất việc giải phóng mặt bằng cần khẩn trương việc giải toả, bàn giao mặt bằng theo hướng ưu tiện vận động, thuyết phục rồi mới tiến hành cưỡng chế.

Đối với công trình xây dựng không phép mà Công ty cổ phần cảng Xăng dầu Hàng không miền Nam xây dựng ảnh hưởng đến việc thi công của Trung Nam Group, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong yêu cầu, UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra, lập biên bản xử lý trên tinh thần kiên quyết, báo cáo UBND thành phố trước ngày 5/6. Nếu cần thiết, UBND thành phố sẽ kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải giải quyết dứt điểm vụ việc.

“Qua kiểm tra nhận thấy cơ bản dự án đã triển khai 77% khối lượng thi công, đang chuẩn bị xây dựng nhà điều hành, đào tạo cán bộ vận hành dự án.

Thành phố thống nhất với chủ đầu tư sẽ hoàn thành dự án trong tháng 10/2020, kịp chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố”, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực Tp. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1 nhằm giải quyết ngập do triều cho thành phố.

Khi dự án kết thúc, UBND Tp. Hồ Chí Minh phải thanh toán cho nhà đầu tư quỹ đất tương đương 1.588 tỷ đồng; đồng thời, ngân sách phải hoàn trả 8.338 tỷ đồng, bao gồm 7.270 tỷ đồng tiền gốc huy động và 1.036 tỷ đồng tiền lãi phát sinh.

Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm Tp. Hồ Chí Minh.

Dự án sẽ xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, bề rộng cống từ 40 – 160m, cao trình đáy cống từ -3,6m đến -10m.

Dự án cũng xây dựng đoạn đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh giai đoạn 1 (dài 7,8km), 25 cống nhỏ có khẩu độ từ 1 – 10m từ Vàm Thuật đến Mương Chuối…

Về thời gian hoàn thành, ban đầu dự án dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018 nhưng sau đó lùi đến tháng 6/2019, rồi đến cuối năm 2019.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư xin lùi thời gian hoàn thành vào tháng 6/2020, tiếp đó ấn định thời gian đến tháng 10/2020.

Trong quá trình triển khai đã phát sinh hàng loạt vấn đề ảnh hưởng đến giải ngân vốn, tiến độ dự án.

Cụ thể, đơn vị Tư vấn giám sát hợp đồng dự án đã khiếu nại chủ đầu tư; trong đó có việc thay đổi thiết kế cơ sở, thay đổi vật liệu thép cửa van.

Các cơ quan chuyên ngành của Trung ương cũng đã thanh, kiểm tra phát hiện và yêu cầu khắc phục các tồn tại từ pháp lý đầu tư, hợp đồng BT (giá trị, phương thức thanh toán), giải ngân vốn…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục