Chống nhập lậu đường: Doanh nghiệp cần quản lý tốt bao bì sản phẩm

14:49' - 07/04/2018
BNEWS Doanh nghiệp cũng nên sát cánh trong việc quản lý tốt hơn bao bì sản phẩm của mình, tránh tình trạng các đối tượng sử dụng lại chính các bao bì đó để chứa hàng nhập lậu.

Thời gian qua, chống hàng giả, hàng nhái nói chung và chống xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam luôn là mối quan tâm rất lớn của nhiều doanh nghiệp và nhất là người tiêu dùng Việt.

Dù Nhà nước đã áp dụng nhiều giải pháp, biện pháp phòng, chống nhưng diễn biến của tình trạng này vẫn còn rất phức tạp và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát.

Chính vì vậy, bên cạnh sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, rất cần sự hợp tác từ phía doanh nghiệp cũng như ý thức của người tiêu dùng góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước và đẩy lùi nạn buôn lậu trong tương lai.

Ngành đường gặp khó

Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 3 diễn ra mới đây, ông Hà Hữu Phái - Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tại Hà Nội cho biết, do tình hình tiêu thụ khá chậm và giá hạ nên sản xuất mía đường trong nước đang gặp nhiều khó khăn.

Phú Yên: Các nhà máy đường cam kết mua mía cho nông dân. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, quý I, giá đường liên tục hạ, giá bán buôn giảm hơn 300 đồng/kg so với tháng 2, lượng đường trên thị trường đang tồn kho khoảng 500.000 tấn.

Dù đã có chính sách hỗ trợ giá mía để người nông dân không bị thua thiệt nhưng do sản xuất khó khăn, nhiều nhà máy phải nghỉ hàng tuần đã phần nào ảnh hưởng đến việc tiêu thụ mía của nông dân.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Sở dĩ có tình trạng này bởi thời gian qua lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu.

Điều này đã khiến giá đường thế giới liên tục giảm và đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá đường trong nước.

Cùng với đó, ngành đường trong nước đang bị ảnh hưởng bởi đường Thái Lan - quốc gia sản xuất lớn thứ 4 và xuất khẩu thứ 2 thế giới.

Năm nay, lượng đường sản xuất của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với vụ trước. Do vậy một lượng lớn đường nhập lậu được chuyển sang các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam…

Hơn nữa, khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực, nhiều nhà máy sản xuất mía đường trong nước, nhất là các nhà máy có công suất nhỏ, sẽ có nguy cơ "đắp chiếu" bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh nổi.

Bởi theo tính toán, khi thực hiện mở cửa hội nhập theo các cam kết với WTO và ASEAN, để các nhà máy đường có thể sản xuất, kinh doanh hiệu quả, các nhà máy cần có công suất ép từ 6.000 tấn mía/ngày trở lên, nhưng cả nước mới có 8 nhà máy đạt được công suất này, 11 nhà máy công suất 3.000 tấn mía/ngày.

Điều đáng nói, có đến 2/3 số nhà máy, tương đương 22 nhà máy công suất dưới 3000 tấn mía/ngày có khả năng phải đóng cửa vì thua lỗ, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống việc làm, thu nhập của 11 vạn hộ nông dân trồng mía với 38 vạn lao động và 10 vạn công nhân trong các nhà máy đường.

Hơn nữa, giá đường thế giới còn đang trên đà xuống, dự báo chu kỳ xuống sẽ giống năm 1999-2000, giá bán thấp dưới giá thành.

Như vậy, đây sẽ là thách thức cạnh tranh vô cùng gay gắt với các doanh nghiệp ngành mía đường trong nước với doanh nghiệp ngoại.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, thách thức lớn của ngành Mía đường trong năm 2018 ngoài việc đối mặt với những bất lợi do biến đổi khí hậu mang lại còn phải đương đầu với sự cạnh tranh của đường ngoại nhập khi thực hiện các cam kết về thương mại do hạn ngạch thuế quan sẽ được xóa bỏ. Khi đó, thuế suất nhập khẩu đối với mặt hàng đường sẽ bằng 0% thay vì 30% như hiện nay.

Vì thế, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho cao cùng diễn biến phức tạp của đường nhập lậu, việc thực hiện cam kết song phương và đa phương trong hội nhập ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại, phát triển.

Siết chặt kỷ cương

Lực lượng chức năng kiểm tra đường nhập lậu. Ảnh: TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, trước tình trạng buôn lậu nói chung và mặt hàng đường nói riêng tại các cửa khẩu gia tăng, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo các Chi cục tại địa phương phối hợp với công an, biên phòng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc về nhập lậu đường.

Tuy nhiên, với diễn biến rất phức tạp về nhập lậu đường hiện nay ở các địa phương như Tây Ninh, An Giang khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát nguồn gốc.

Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay: Cùng với những thủ đoạn tinh vi, che mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường tập kết hàng phía bên kia biên giới và lợi dụng giờ giao ca hoặc giờ nghỉ là đối tượng thuê người canh chừng và vận chuyển đường vào nội địa.

Ngoài ra, các đối tượng còn vận chuyển đường thô từ nước ngoài vào trong nước mới nấu thành đường thành phẩm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình pháp luật hiện hành, đường nhập lậu sau khi thu được sẽ bị tịch thu để bán đấu giá.

Tuy nhiên, sau khi bán nhiều đối tượng đã sử dụng lại bộ hồ sơ đó để lách luật, tuồn vào trong nước. Do đó, các lực lượng chức năng đang đề xuất sửa luật theo hướng bán chỉ định thay vì đấu giá.

Ông Nguyễn Thanh Bình cũng khuyến cáo, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng nên sát cánh trong việc quản lý tốt hơn bao bì sản phẩm của mình, tránh tình trạng các đối tượng sử dụng lại chính các bao bì đó để chứa hàng nhập lậu.

Đây cũng là cách để doanh nghiệp bảo vệ chính mình cũng như góp phần đẩy mạnh tiêu thụ cho ngành đường trong nước.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương cũng yêu cầu, lực lượng quản lý thị trường tăng cường quản lý địa bàn; chủ động phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn lập chốt kiểm tra lưu động tại các tuyến đường thường xuyên vận chuyển mặt hàng đường nhập lậu.

Mặt khác, kiểm tra các phương tiện vận tải đường bộ và đường sông nhằm ngăn chặn vận chuyển thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Đặc biệt, Sở Công Thương các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh.

Tới đây, các tỉnh, thành phố lớn cần sớm tiến hành kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, điểm tàng trữ, các cơ sở đóng gói, kinh doanh mặt hàng đường nhằm phát hiện, ngăn chặn mặt hàng đường nhập lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục