Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận: Cần giải pháp tổng thể

17:40' - 22/10/2017
BNEWS Chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ.

Chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) là một trong 4 sáng kiến đề xuất của Việt Nam đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước APEC lần thứ 24 (FMM 24) vừa diễn ra tại Quảng Nam.

Ông Sebastian Eckardt, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh: Thùy Dương/Bnews/TTXVN

BEPS là hành vi trốn thuế của người nộp thuế, nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng khoảng trống và những hạn chế trong chính sách thuế tại những nước nơi doanh nghiệp tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh để chuyển lợi nhuận sang những nước/vùng lãnh thổ có mức thuế suất thấp hơn hoặc bằng không.

Các kế hoạch này đang ngày càng trở nên phổ biến và được thiết lập thông qua hành vi chuyển giá, thương mại điện tử, vốn mỏng, hiệp định tránh đánh thuế hai lần, cơ sở thường trú hay "thiên đường" thuế.

Tại FMM 24, ông Sebastian Eckardt, quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, với nhiều công ty đang hoạt động xuyên biên giới.

Theo Bộ Tài chính Việt Nam, đến nay, BEPS là một vấn đề mang tính toàn cầu đòi hỏi phải có một giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương, trong khi khả năng ngăn chặn BEPS bằng các biện pháp đơn phương và song phương như hiện nay không khả thi, do số lượng các công ty đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn và giao dịch phức tạp.

Điều này cũng được nhiều nền kinh tế thành viên APEC quan tâm và được các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và WB hỗ trợ mạnh mẽ, nhất là lỗ hổng trong chính sách và cách thức quản lý mà các tổ chức xuyên quốc gia tận dụng để áp dụng chính sách thuế với mỗi nền kinh tế.

Ngay tại tuyên bố chung của các Bộ trưởng APEC lần này cũng đã nhấn mạnh những tác động quan trọng của các vấn đề BEPS đến các nền kinh tế thành viên APEC.

“BEPS đặc biệt thiết thực với các nền kinh tế đang phát triển giúp bảo vệ nguồn thu và duy trì, mở rộng cơ sở tính thuế. Việt Nam bị ảnh hưởng nguồn thu chính đáng từ hành vi trốn thuế được thể hiện rõ nhất qua chuyển giá hay các giao dịch qua biên giới trong lĩnh vực thương mại điện tử...” - đạo diện Bộ Tài chính Việt Nam đánh giá.

Từ bối cảnh trên, để chủ động ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận, Việt Nam đã có các biện pháp tương đối mạnh để làm chủ, xử lý việc lạm dụng hiệp định thuế của Việt Nam với các nước.

Ông Pascal Saint-Amans, Giám đốc Trung tâm Điều hành và Chính sách Thuế thuộc OECD cho biết, bằng cách thúc đẩy các sáng kiến được đề ra trong các chương thảo luận về thuế ở tiến trình APEC, các tổ chức quốc tế như OECD, WB có thể hợp tác với các bộ ngành về thuế, các nhà lập pháp của Việt Nam trong việc bảo vệ các các quy định cơ sở về thuế song vẫn tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp, đưa cơ sở thuế của Việt Nam tương đồng với các quy định thuế quốc tế và tránh được nguy cơ trở thành mục tiêu bị đánh thuế 2 lần.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Theo Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng thì Việt Nam sẽ phối hợp với các nền kinh tế APEC trong việc thực hiện BEPS và phải theo các tiêu chuẩn, các chuẩn mực của OECD để cùng triển khai.

Trước hết Việt Nam đã có được văn bản pháp quy rất quan trọng là nghị định của Chính phủ về chống chuyển giá và hiện đang triển khai quyết liệt việc này nhằm mục đích tăng thu cho ngân sách, đồng thời, đảm bảo kinh doanh công bằng giữa các thành phần kinh tế trong nước cũng như thành phần kinh tế nước ngoài đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Ông Angel Gurria, Tổng Thư ký OECD, cũng cho rằng việc ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận bằng các biện pháp đơn phương của mỗi nước không thực sự khả thi trong khi các biện pháp song phương như hiện nay cũng đang mất dần tính hiệu lực, hiệu quả do số lượng các doanh nghiệp hoạt động đa quốc gia ngày càng tăng, quy mô lớn, giao dịch phức tạp. Do đó, để ngăn chặn xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận đòi hỏi các giải pháp mang tính tổng thể trên cơ sở hợp tác đa phương.

Đối với ngành thuế, việc triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận cũng giúp ngành thích ứng kịp thời với những tác động của quá trình hội nhập trên cơ sở đề xuất một số giải pháp về chính sách và quản lý thuế cũng như tăng cường hợp tác hành chính thuế quốc tế với các cơ quan thuế các nước nhằm ngăn chặn hiệu quả các hành vi trốn, tránh thuế của người nộp thuế thông qua hành vi chuyển giá, rủi ro thất thu thuế từ các giao dịch qua biên giới.

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế, Bộ Tài chính cho biết, Việt Nam là nơi nhận sự đầu tư nước ngoài lớn nên việc tham gia chương trình hành động BEPS cần có sự hỗ trợ của các tổ chức, đặc biệt là tổ chức OECD là nơi xây dựng tiêu chuẩn quốc tế về thuế quốc tế.

“Thông qua chương trình này, Việt Nam có điều kiện xây dựng quy định mới về minh bạch thông tin của các tập đoàn, xây dựng cơ chế trao đổi thông tin giữa các nước hướng tới nâng cao hợp tác quản lý hành chính thuế giữa các quốc gia, minh bạch về thuế và tăng cường công tác quản lý đảm bảo nguồn thu, đặc biệt trong tiến trình mở cửa tiếp tục thu hút đầu tư từ nước ngoài”, ông Đặng Ngọc Minh nói./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục