Chủ động ứng phó để phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế

14:50' - 30/11/2023
BNEWS Ngày 30/11, tại trụ sở Bộ Công Thương, Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 11 diễn ra với chủ đề “Phòng tránh lừa đảo trong thương mại quốc tế".

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Nền kinh tế thế giới đang chịu tác động của những cuộc đa khủng hoảng toàn cầu cùng những ảnh hưởng từ hậu quả của dịch COVID-19; trong đó, vấn đề lừa đảo trong thương mại quốc tế tương đối nổi cộm với phương thức đa dạng, thủ đoạn tinh vi.

Kết quả ghi nhận trong năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp toàn cầu đã chịu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo với giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD. Điều này thể hiện việc tranh chấp và gian lận thương mại đang là vấn đề tồn tại trong giao dịch thương mại quốc tế mà doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn phải tính đến, trong bối cảnh thương mại quốc tế nhiều biến động, rủi ro.

Ông Hoàng Minh Chiến cũng chỉ ra rằng, mặc dù doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nhiều trải nghiệm nhưng đa số là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, chưa dày kinh nghiệm phòng ngừa và đối phó với lừa đảo và tranh chấp thương mại quốc tế. Nhiều doanh nghiệp chưa quen với văn hoá kinh doanh của nước nhập khẩu, có khi chưa hiểu biết nhiều các đối tác, hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp. 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại như trọng tài thương mại hay hòa giải thương mại. Không ít doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bị "sập bẫy" gian lận thương mại, lừa đảo hoặc “vướng vấn đề về pháp lý” trong thời gian gần đây.

Trước tình hình lừa đảo thương mại quốc tế đang gia tăng, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên cập nhật thông tin, cảnh báo cho địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp về hình thức lừa đảo, gian lận thương mại phổ biến hoặc mới xuất hiện. 

Đồng thời, hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng kiến thức thương mại, tài chính quốc tế, đào tạo kỹ năng giao dịch quốc tế cho địa phương, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế.

 

 

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Thu Quỳnh-Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay: Thời gian gần đây, số lượng các vụ lừa đảo doanh nghiệp Việt Nam có liên quan đến Canada đang gia tăng nhanh chóng. Hệ thống pháp luật của Canada khá minh bạch, rõ ràng để kiểm tra thông tin; các biện pháp chế tài, xử lý vi phạm của Canada cũng tương đối mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, với thực tế là Canada cho phép nhập cư khá ồ ạt trong những năm gần đây, từ nhiều quốc gia khác nhau, cấu trúc xã hội Canada có những biến động theo hướng đáng quan ngại, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp. 

Nhiều vụ việc lừa đảo liên quan đến một số cá nhân,chủ doanh nghiệp có gốc từ những nhóm sắc tộc đặc thù. Phức tạp hơn là hiện nay, một số cá nhân tự tiếp cận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp lớn, có uy tín cao, có danh tiếng của Canada, download đăng ký kinh doanh và dùng vỏ bọc của các doanh nghiệp; dùng tên của các chủ doanh nghiệp này để đi lừa đảo các doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo bà Trần Thu Quỳnh, hình thức lừa đảo này chủ yếu là gọi điện trực tiếp, email (đuôi email miễn phí như gmail, hotmail…), whatsapp, viber để gửi hồ sơ đăng ký kinh doanh, thậm chí gửi cả chứng nhận ngân hàng (tài khoản, số dư); chứng nhận nộp thuế… để xác nhận uy tín; sau đó trao đổi đặt hàng, gửi hợp đồng (thường yêu cầu giá CIF), đóng dấu đầy đủ. 

Đến giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam đề nghị chuyển tiền đặt cọc, các đối tượng sẽ yêu cầu một số loại chứng nhận (thường là không tồn tại) và thậm chí gửi bản mẫu chứng nhận này cho doanh nghiệp Việt Nam; khẳng định đây là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện của Chính phủ Canada/Chính phủ tỉnh bang trước khi chuyển tiền. 

Sau đó, đối tượng sẽ giới thiệu một luật sư, một broker để “hỗ trợ, thay mặt” doanh nghiệp Việt Nam làm chứng nhận này tại cơ quan công quyền Canada. Các “luật sư-broker” này có thể chủ động liên lạc, nêu mức phí hoặc đối tượng lừa đảo tự nêu mức phí và nói đây là mức phí đặc biệt do doanh nghiệp đã thoả thuận cho doanh nghiệp xuất khẩu của các nước. 

Để tăng độ tin cậy, bà Trần Thu Quỳnh cho biết có đối tượng còn chấp nhận ký hợp đồng giá FOB, xử lý tranh chấp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam, thanh toán trước 50% và thanh toán nốt khi có giấy tờ chứng nhận hàng đã xếp lên tàu; chấp nhận gửi thư ưng thuận của ngân hàng (BCL) hoặc thư tín dụng dự phòng (SBLC). Có vụ việc, đối tượng ở Canada sau khi làm giả BCL, SBLC, còn cung cấp số điện thoại của ngân hàng để doanh nghiệp Việt Nam kiểm tra. 

Ngoài quá trình tự xác minh và phối hợp với doanh nghiệp để cảnh báo và ngăn chặn, Thương vụ Việt Nam đã liên lạc với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam (bộ phận thương mại) và Bộ An ninh nội địa để đề nghị hỗ trợ kiểm chứng thông tin và phối hợp cảnh báo ngân hàng, doanh nghiệp có uy tín của Canada về hành vi mạo danh; làm con dấu giả để lừa đảo này. 

Bởi vậy, bà Trần Thu Quỳnh lưu ý, khi doanh nghiệp Canada nhập khẩu đề nghị bên xuất khẩu tự đứng ra làm chứng chỉ của Canada và coi đây là yêu cầu bắt buộc của giao dịch, hầu hết đều là lừa đảo vì doanh nghiệp nhập khẩu thường sẽ đứng ra thực hiện thủ tục của sở tại.

Ngoài các vụ việc lừa đảo khá tinh vi như trên để lừa các doanh nghiệp Việt Nam bỏ một khoản tiền nhỏ nhằm có hợp đồng lớn, ở địa bàn còn có một số vụ việc tranh chấp thanh toán liên quan đến chất lượng. Theo đó, một số doanh nghiệp Canada nhập hàng theo cơ chế thanh toán LC trả chậm.

Sau khi hàng được giao đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng theo hợp đồng, bên nhập hàng dỡ hàng, tự thuê kiểm định không theo thoả thuận thuê bên thứ ba kiểm định và không chấp nhận kiểm tra ngẫu nhiên mẫu qua video call; cố ý không thanh toán phần chậm trả.  Có vụ việc khác, không biết bằng cách gì, doanh nghiệp nhập khẩu đã lấy được chứng từ và lấy hàng, trong khi ngân hàng thu hộ không phản hồi các điện SWIFT. Nói cách khác, ngân hàng thu hộ không thực hiện đúng trách nhiệm của ngân hàng thu hộ và để cho người "mua" nhận hàng mà không thanh toán, cho thấy lỗ hổng của hình thức thanh toán DP. 

Tại hội nghị, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiến nghị Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam. Từ đó, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu, vì ảnh hưởng cạnh tranh trực tiếp đến giá cả và thời gian giao nhận hàng với đối thủ xuất khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore.

Đồng thời, các cơ quan chức năng mở đường bay kết nối với Sao Paulo, Brazil bởi đây là cửa ngõ giao dịch lớn nhất của khu vực Nam Mỹ. Mặt khác, doanh nghiệp, hiệp hội, và địa phương nên phối hợp Bộ Công Thương để tham gia các chương trình xúc tiến trực tiếp như hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến và hội nghị doanh nghiệp,… tại Brazil và các nước kiêm nhiệm, nhất là Peru, Bolivia. 

Theo đại diện Thương vụ Brazil, tới đây cần sự liên kết chặt chẽ các doanh nghiệp trong nước để cùng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu uy tín và cùng hợp tác để mở rộng thị trường tại Brazil và các nước kiêm nhiệm. Đồng thời, phối hợp chặc chẽ từ các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến phát triển thị trường xuất khẩu, xây dựng thương hiệu với sự cạnh tranh tốt nhất về chất lượng và giá cả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục