Chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ có thể bị chậm sau tiêm vaccine COVID-19

07:45' - 08/01/2022
BNEWS Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology, chu kỳ kinh nguyệt của nhiều phụ nữ tiêm vaccine ngừa COVID-19 bị chậm so với những người chưa tiêm vaccine.

Một nghiên cứu công bố ngày 6/1 trên tạp chí Obstetrics & Gynecology cho thấy nhiều phụ nữ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 ghi nhận hiện tượng chu kỳ kinh nguyệt chậm gần 1 ngày so với những người chưa tiêm vaccine.

Nghiên cứu trên do Chính phủ Mỹ tài trợ, được thực hiện với sự tham gia của gần 4.000 tình nguyện viên. Tác giả nghiên cứu, chuyên gia Alison Edelman của Trường Khoa học và sức khỏe Oregon, cho biết các tác động của tiêm vaccine chỉ ở mức nhẹ và sẽ chỉ mang tính tạm thời. Bà cho biết phát hiện này "rất thuyết phục" và đã được những người từng trải qua những thay đổi này xác nhận.

Nghiên cứu cũng giúp phản bác những thông tin sai trái phản đối tiêm phòng được lan truyền trên mạng xã hội. Việc chu kỳ tăng thêm một ngày không đáng kể về mặt lâm sàng. Theo Liên đoàn quốc tế về phụ khoa và sản khoa, bất cứ thay đổi nào trong vòng dưới 8 ngày được xếp vào loại bình thường.

Chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ kéo dài khoảng 28 ngày, nhưng con số chính xác không giống nhau ở tất cả mọi người, và cũng khác nhau tùy theo giai đoạn cuộc đời của mỗi người, cũng như có thể thay đổi trong thời gian bị stress.

Trong nghiên cứu trên, khoảng 2.400 người đã tiêm phòng, đa số tiêm vaccine của Pfizer (55%), tiếp theo là vaccine của Moderna (35%) và vaccine của Johnson & Johnson (7%).

Khoảng 1.500 người chưa tiêm phòng. Đối với nhóm được tiêm, dữ liệu thu thập từ 3 kỳ kinh liên tiếp trước khi tiêm và 3 kỳ liên tiếp bao gồm cả trong và sau khi tiêm. Đối với nhóm chưa tiêm, dữ liệu được thu thập là 6 chu kỳ liên tiếp.

Kết quả cho thấy sau mũi tiêm đầu tiên, chu kỳ dài thêm trung bình 0,64 ngày còn sau mũi thứ hai là thêm 0,79 ngày so với người chưa tiêm vaccine. Phản ứng miễn dịch của vaccine có thể gây ra thay đổi này.

Nhóm nghiên cứu hy vọng thu thập thêm dữ liệu về các chu kỳ tiếp theo của những người đã tiêm để khẳng định thời gian chu kỳ trở lại bình thường và mở rộng nghiên cứu ra toàn cầu để xác định các tác động khác nhau của các dòng vaccine khác nhau./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục