Chủ tịch JICA: JICA sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với ASEAN

13:41' - 18/12/2023
BNEWS JICA sẽ hợp tác với ASEAN và các nước thành viên với tư cách là những đối tác bình đẳng và ngày càng quan trọng hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tại Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, ông TANAKA Akihiko, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có bài phát biểu chia sẻ về quan hệ giữa Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á trong nhiều lĩnh vực, cùng với đó là sự cân nhắc về vai trò của JICA và hoạt động hợp tác phát triển trong mối quan hệ hợp tác với các quốc gia này trong 50 năm tới.

Nhân sự kiện này BNEWS/TTXVN xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch JiCA TANAKA Akihiko. Dưới đây là toàn văn bài phát biểu:

Kính chào quý vị! Tôi rất hân hạnh được phát biểu vào buổi khai mạc của hội nghị ngày hôm nay. Như tiêu đề của hội nghị đã chỉ ra, năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN. Đây là thời điểm để chúng ta nhìn lại 50 năm qua và cân nhắc về những gì chúng ta sẽ làm cho thế hệ tương lai nhằm gìn giữ hòa bình và thịnh vượng ở Nhật Bản và ASEAN trong 50 năm tới.

Hội nghị này là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhau nhìn lại những gì đã qua. Trước hết, tôi xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Kao Kim Hourn, Tổng thư ký ASEAN và tất cả các chuyên gia đã nhận lời mời tham gia phiên thảo luận ngày hôm nay.

Trước khi bước vào phiên thảo luận, tôi muốn đưa ra một vài thông tin cơ bản qua việc nhìn lại mối quan hệ giữa ASEAN, Nhật Bản và JICA trong 50 năm qua và chia sẻ đôi điều về những thay đổi trong bối cảnh xoay quanh Nhật Bản và ASEAN. Đồng thời, tôi cũng muốn nêu lên định hướng của JICA trong việc xây dựng mối quan hệ mới với ASEAN.

 

ASEAN được thành lập vào năm 1967 với tư cách là cơ quan cố vấn của 5 quốc gia: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN bắt đầu vào năm 1973 khi hai bên giải quyết mâu thuẫn về xuất khẩu cao su tổng hợp của Nhật Bản thông qua các cuộc họp cấp bộ trưởng. Thật thú vị khi nhận thấy mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã bắt đầu thông qua việc giải quyết mâu thuẫn.

Cũng trong thời gian đó, mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản vào đầu những năm 1970 được nhận định là không mấy tích cực. Năm 1974, Thủ tướng đương thời của Nhật Bản, ông Tanaka Kakuei đến thăm Indonesia và Thái Lan. Ở đây, ông đã được tiếp đón bằng các cuộc biểu tình chống Nhật quy mô rất lớn.

Có những lời chỉ trích và sự phẫn nộ, thậm chí là sự giận dữ đối với thái độ của Nhật Bản và sự ngờ vực hiện diện khắp nơi ở Đông Nam Á. Vì vậy, tôi cho rằng các bên đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện mối quan hệ ảm đạm tại thời điểm đó. 

Một trong những nỗ lực quan trọng là bài phát biểu của Thủ tướng Takeo Fukuda tại Manila năm 1977 mà sau này được gọi là Học thuyết Fukuda. Trong bài phát biểu, ông đã đề ra ba nguyên tắc: thứ nhất, Nhật Bản cam kết sẽ không bao giờ trở thành một cường quốc quân sự.

Thứ hai, Nhật Bản sẽ xây dựng mối quan hệ chân thành và tin cậy với các quốc gia Đông Nam Á dựa trên sự thông hiểu “từ trái tim đến trái tim”.

Thứ ba, Nhật Bản sẽ là đối tác bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên.

Trong thập kỷ tiếp theo, vào năm 1981, khi Thủ tướng Zenko Suzuki đến thăm các nước ASEAN, ông đã đề xuất Nhật Bản hợp tác thành lập các Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực ASEAN. Các trung tâm này đóng vai trò là dự án tiên phong của Nhật Bản nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy giao lưu giữa người dân ASEAN và Nhật Bản, từ đó, đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và ASEAN ngày nay.

Mối quan hệ Nhật Bản-ASEAN đã trải qua những thay đổi lớn sau Thỏa ước Plaza năm 1985. Do giá trị đồng yên cao, các công ty Nhật Bản đã mở rộng hoạt động đầu tư và kinh doanh ở các nước Đông Nam Á. Song song với đó, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội qua nguồn vốn ODA, góp phần vào sự phát triển của các nước ASEAN.

Sau đây, tôi xin nêu một số ví dụ về hợp tác của JICA trong phát triển cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực trong giai đoạn này. Khái niệm “JICA” được đề cập đến ở đây chỉ cả JICA hiện tại và các tổ chức tiền thân của JICA. JICA hay Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản được thành lập chính thức vào năm 1974. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến nhiều nội dung thậm chí là từ trước thời gian JICA được thành lập.

Vào thời điểm JICA được thành lập năm 1974, phần lớn các khoản vay ưu đãi ODA của Nhật Bản, khoản vay theo đồng Yên, đều do Quỹ Hợp tác Kinh tế hải ngoại Nhật Bản (OECF) quản lý. Vào năm 2008, những tổ chức này đã được hợp nhất để trở thành JICA hiện tại. Vì vậy, ở phần tới đây, khi tôi nói “JICA” nghĩa là bao gồm tất cả các tổ chức sau này được hợp nhất thành JICA.

Dự án tiêu biểu nhất có thể kể đến của JICA là dự án phát triển Lưu vực sông Brantas ở Indonesia, bắt đầu từ năm 1961 và triển khai cho đến ngày nay. Dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản để xây dựng các đập đa năng, công trình thủy lợi và nhiều công trình khác ở lưu vực sông Brantas, nơi thường bị lũ lụt tàn phá. Thành quả là lưu vực sông Brantas đã chuyển mình thành vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm ở Indonesia và trở thành động lực thúc đẩy quốc gia này đạt được mục tiêu tự cung tự cấp gạo vào năm 1984.

Một ví dụ khác là Chương trình Phát triển Vùng ven bờ Đông tại Thái Lan, bắt đầu vào năm 1982. JICA đã hỗ trợ toàn diện từ quy hoạch đến phát triển cơ sở hạ tầng thông qua 16 dự án bao gồm phát triển cảng, đường sắt, nguồn nước, đường bộ và các khu công nghiệp. Khu vực ven biển này đã phát triển thành khu kinh tế và khu công nghiệp lớn thứ hai của Thái Lan chỉ sau Vùng đô thị Bangkok. Ngành công nghiệp ô tô, kể cả các doanh nghiệp liên kết với Nhật Bản, đều tập trung ở đó.

Thứ ba là ví dụ về phát triển nguồn nhân lực mà điển hình là các hoạt động hỗ trợ “Chính sách hướng Đông” (Look East Policy) theo chủ trương của Thủ tướng Malaysia đương thời là Tiến sĩ Mahathir năm 1981.

Tính đến nay, đã có hơn 26.000 học viên Malaysia học tập tại Nhật Bản hoặc tham gia đào tạo nghề thông qua các chương trình do JICA hỗ trợ. Khoảng 60% cán bộ cấp thứ trưởng của chính phủ Malaysia hiện tại đã tham gia các chương trình đào tạo này. Sự liên kết về con người được thiết lập thông qua các chương trình “Chính sách hướng Đông” là tài sản quý báu trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Malaysia, cũng như giữa Nhật Bản và toàn bộ khu vực ASEAN.

Vào đầu những năm 1990, Chiến tranh Lạnh chấm dứt, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử đương đại. Ở Đông Nam Á, hiệp định hòa bình toàn diện ở Campuchia được ký kết năm 1991 đã mang lại hòa bình cho Campuchia và khu vực Đông Dương cũ. Từ năm 1995 đến năm 1999, bốn nước trong khu vực sông Mê Kông là Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia lần lượt gia nhập ASEAN, đưa ASEAN thành một cộng đồng khu vực bao trùm toàn bộ khu vực Đông Nam Á.

Vào những năm 1990, sau hiệp định hòa bình Campuchia, JICA đã nối lại các dự án hợp tác chính thức cho ba quốc gia Đông Nam Á lục địa là Campuchia, Lào và Việt Nam. JICA đã hỗ trợ nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng khác nhau, như các dự án xây dựng đường, cầu, cảng, tiêu biểu là cảng Sihanoukville ở Campuchia; các nhà máy điện, hay cơ sở y tế như bệnh viện Chợ Rẫy ở Việt Nam; và dịch vụ cấp nước đô thị ở Phnom Penh, Campuchia và Viêng Chăn, Lào.

Bên cạnh đó, JICA còn tham gia “hợp tác trí tuệ” với các nước trong khu vực. Một ví dụ tiêu biểu của loại hình hợp tác này là “Dự án Ishikawa” ở Việt Nam. Dự án này được đặt theo tên của cố giáo sư Shigeru Ishikawa, giáo sư danh dự của Đại học Hitotsubashi. Dự án có được sự tham gia của rất nhiều chuyên gia Nhật Bản để cùng nghiên cứu xây dựng chính sách kinh tế sau thời kỳ kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Một ví dụ khác là hợp tác phát triển pháp lý và tư pháp với các nước Việt Nam, Campuchia và Lào. Dự án này hỗ trợ soạn thảo bộ luật dân sự và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý. Một đặc điểm chung của hình thức hợp tác trí tuệ này là nghiên cứu chung, giúp mang lại nhiều hiểu biết sâu sắc về cách thức hợp tác mà tôi cho rằng JICA nên hướng tới trong tương lai. Ngày nay chúng ta thường gọi đó là “đồng sáng tạo kiến thức” thông qua đối thoại và tương tác chung.

Ngoài ra, JICA cũng ủng hộ hòa bình và ổn định trong khu vực. Tại Philippines, sau hiệp định ngừng bắn ở Mindanao năm 2003, JICA đã bắt đầu những hoạt động hỗ trợ xây dựng hòa bình quan trọng. Ngay cả khi cuộc đàm phán rơi vào bế tắc vào năm 2008, JICA, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch thời bấy giờ, Bà Sadako Ogata, vẫn chủ trương không rút lui và ở lại Mindanao. Đến năm 2011, Chính phủ Nhật Bản đứng ra bảo trợ cho cuộc họp thượng đỉnh bí mật tại Narita, Nhật Bản giữa Chính phủ Philippine và Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF). Cuộc họp thượng đỉnh bí mật đã có thể được tiến hành nhờ có sự vững tin của cả chính phủ Philippines và MILF đối với Nhật Bản.

Kết quả của cuộc họp là việc ký kết hiệp định hòa bình toàn diện mang tính lịch sử giữa hai bên vào năm 2014. Tôi đảm nhận vị trí Chủ tịch JICA lần đầu tiên vào năm 2012, và với tư cách là chủ tịch JICA vào thời điểm năm 2014, chuyến công tác tới Mindanao khi ấy là một trong những chuyến công tác đầu tiên của tôi. Và vì vậy tôi đã có vinh dự được đến thăm trụ sở MILF và chứng kiến lễ ký kết hiệp định hòa bình.

Khi tôi đến thăm Mindanao vào tháng 1 năm nay, Hạ viện, Cơ quan chuyển tiếp Khu tự trị Bangsamoro đã thông qua nghị quyết để cảm ơn JICA vì sự hợp tác lâu dài. Đó là một vinh dự vô cùng to lớn đối với JICA.

Thành tựu phát triển kinh tế ở các nước ASEAN cũng như việc thành lập Cộng đồng ASEAN và sự hội nhập sâu rộng của khối này kể từ đầu thế kỷ 21 rất đáng khâm phục.

Trước đại dịch COVID-19, các nước ASEAN đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, tăng hơn gấp đôi GDP danh nghĩa trong 10 năm và được mệnh danh là “tâm điểm tăng trưởng của thế giới”. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch, các nước thành viên ASEAN có mức tăng trưởng âm, ngoại trừ Việt Nam. Nhưng kể từ đó, các nước đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ sau suy thoái.

Về mặt chính trị, các nước này đã thành lập Cộng đồng ASEAN. Các nước ASEAN tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2003 và thông qua Hiến chương ASEAN vào năm 2007. Cuối năm 2015, ASEAN đã tăng cường hội nhập sâu rộng hơn giữa các quốc gia thành viên bằng việc thành lập Cộng đồng ASEAN, bao gồm Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-xã hội.

Với sự phát triển kinh tế của các nước ASEAN, việc thành lập Cộng đồng ASEAN và hội nhập ngày càng sâu sắc giữa các thành viên cũng như sự nổi lên của ASEAN với tư cách là một bên tham gia quan trọng trong cộng đồng quốc tế, mối quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN đang có những thay đổi đáng kể. Các quốc gia thành viên ASEAN cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn đối với Nhật Bản bởi hòa bình và thịnh vượng của ASEAN cũng trực tiếp góp phần vào hòa bình và thịnh vượng chung trên toàn khu vực Đông Á, trong đó bao gồm cả Nhật Bản. JICA sẽ mở rộng hỗ trợ để củng cố Cộng đồng ASEAN và Ban Thư ký.

Ngày nay, khi nhìn ra thế giới bên ngoài, chúng ta thấy một chuỗi các cuộc khủng hoảng kép mà ta có thể phân loại thành 3 lớp khủng hoảng. Lớp ngoài cùng là khủng hoảng hệ thống vật chất mà biểu hiện điển hình là biến đổi khí hậu và thiên tai. Lớp ở giữa là khủng hoảng hệ thống sống thể hiện qua các bệnh truyền nhiễm và thảm họa sinh thái và lớp trong cùng là khủng hoảng hệ thống xã hội mà hậu quả là xung đột vũ trang, bất ổn địa-chính trị và các cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội.

Cho đến nay, các nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách quan hệ quốc tế truyền thống chỉ được thực hiện trên cơ sở hệ thống xã hội. Nhưng chúng ta chưa chạm đến bản chất của các cuộckhủng hoảng kép. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kép không chỉ từ các hệ thống xã hội mà còn từ sự tương tác giữa hệ thống vật chất, hệ thống sống và hệ thống xã hội. Vì vậy, trừ phi chúng ta nghiên cứu cả sự tương tác giữa hệ thống xã hội, hệ thống vật chất, hệ thống sống, chúng ta không thể tập trung được vào căn nguyên của vấn đề.

 Tôi vẫn vững tin rằng toàn thể nhân loại – bao gồm cả những bên đang xung đột với nhau – phải cùng phối hợp để xây dựng một hệ thống hợp tác để giải quyết những khủng hoảng kép nêutrên. Do đây là vấn đề của hệ thống xã hội, cạnh tranh sẽ là không tránh khỏi. Nhưng nếu nhìn con người như một tổng thể, chúng ta cần giải quyết những thách thức đến từ sự tương tác của các hệ thống vật chất, hệ thống sống và hệ thống xã hội này.

Trước bối cảnh này, Nhật Bản đã và đang thúc đẩy thiết lập trật tự mới dựa trên quy tắc từ khu vực Châu Á sang Châu Phi theo tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đáp lại, ASEAN thực hiện “Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” (AOIP). Nhật Bản sẽ tiếp tục góp phần xây dựng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với ASEAN và các quốc gia thành viên, vốn là trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

JICA sẽ hợp tác với ASEAN và các nước thành viên với tư cách là những đối tác bình đẳng và ngày càng quan trọng hơn nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu. JICA đã bắt đầu hợp tác với Ban Thư ký ASEAN cũng như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và các nước khác để giải quyết các vấn đề trong khu vực, ngoài khu vực và cả những vấn đề toàn cầu. JICA sẽ tiếp tục mở rộng sự hợp tác này trong những năm tới. Một đặc điểm trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật trước đây của JICA, bao gồm các chương trình đào tạo, là các bên tham gia từ Nhật Bản và các nước ASEAN có thể hiểu được những điểm mạnh của nhau và cùng nhau kiến tạo tri thức thông qua đối thoại và tương tác. Trong tương lai, JICA sẽ thúc đẩy hơn nữa loại chương trình tương tác và hợp tác này.

Ngoài ra, mối quan hệ hợp tác và trao đổi giữa Nhật Bản và các nước ASEAN cũng cần tăng cường theo hướng đa tầng hơn thông qua nhiều kênh khác nhau trong khu vực công và tư nhân. Ngày nay, nhiều hoạt động của JICA vẫn nhận được sự hỗ trợ của các đối tác trong ngành công nghiệp, chính phủ và giới học thuật. Từ bây giờ, JICA sẽ xem xét cách hỗ trợ hoạt động của các đối tác đó nhằm góp phần vào sự phát triển và ổn định của khu vực ASEAN. Chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ vai trò của JICA với tư cách là cơ quan điều phối các hoạt động hợp tác và trao đổi trong khu vực.

Cuối cùng, tôi một lần nữa muốn nhắc lại những lời tâm huyếttrong Học thuyết Fukuda. Theo ông Fukuda, “Nhật Bản sẽ củng cố mối quan hệ chân thành, sự tin tưởng lẫn nhau dựa trên sự thông hiểu “từ trái tim đến trái tim” với các nước Đông Nam Á” và “Nhật Bản sẽ là đối tác bình đẳng của ASEAN và các nước thành viên”. Khi được công bố vào năm 1977, học thuyết này là chính là kim chỉ Nam cho các hoạt động của JICA, đặc biệt sau khi Nhật Bản phải đối mặt với sự nghi ngờ và mất lòng tin.

Tuy nhiên, ngày nay, từ những trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng đường hướng được đưa ra 46 năm về trước, đã trở thành sự thật. Khi tôi nhìn lại 50 năm hợp tác vừa qua của JICA, thông qua hỗ trợ tài chính, hợp tác kỹ thuật và các chương trình tình nguyện, chúng tôi hướng tới và đã đạt được mối quan hệ chân thành giữa con người với con người, từ trái tim đến trái tim, thực sự đã vun đắp niềm tin giữa ASEAN và Nhật Bản. Đó chính là điều mà Học thuyết Fukuda muốn đề ra. Để tiếp tục là đối tác tin cậy và quan trọng, Nhật Bản phải tiếp tục học hỏi các nước ASEAN đang phát triển và tổ chức đối thoại chuyên sâu để cùng nhau tiến bộ.

50 năm tiếp theo sẽ thuộc về thế hệ trẻ. Kết thúc bài phát biểu của mình, tôi xin bày tỏ hy vọng rằng thông qua Hội nghị Cấp cao lần này, các bạn sẽ có được tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc về hành động sẽ giúp người dân Nhật Bản và ASEAN, trong đó bao bao gồm cả chính bạn, cùng chung tay mở ra một tương lai tươi sáng, để cùng nhau đối mặt và giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Xin chân thành cảm ơn!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục