Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Xây dựng thương hiệu “Made in Việt Nam” trên trường quốc tế

12:47' - 07/01/2017
BNEWS Sáng 7/1, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt đoàn 115 đại biểu doanh nghiệp hội nhập và phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với các đại biểu. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

Chương trình “Doanh nghiệp hội nhập và phát triển” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế tổ chức bình chọn và vinh danh.

Nói chuyện với các đại biểu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.

Kết quả nổi bật của đất nước thời gian qua là thu hút nguồn lực bên ngoài về vốn, công nghệ, quản trị... phục vụ phát triển đất nước; thị trường xuất khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu ngày càng tăng; năng lực sản xuất, kinh doanh và tiềm lực kinh tế được nâng lên rõ rệt; năng lực cạnh tranh quốc gia từng bước được cải thiện.

Quá trình này đã hình thành một lớp doanh nhân có kiến thức, năng động, có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế quốc dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận sự đóng quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý, cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm ra nhiều của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp cho ngân sách, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu rõ, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã quyết định đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước với 15 loại vấn đề quan trọng, 6 nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển mạnh mẽ và bền vững đất nước.

Đây là sự nghiệp to lớn, nặng nề nhưng rất vẻ vang, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiếp tục nỗ lực đưa công cuộc đổi mới tiếp tục tiến lên, toàn diện hơn, vững chắc hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển, văn minh và tiến bộ.

Trên tinh thần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị đội ngũ hơn nửa triệu doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức sâu sắc vinh dự và trách nhiệm là lực lượng tiên phong phát triển kinh tế - xã hội nước nhà và hội nhập quốc tế; cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện đúng tinh thần và quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế với mục tiêu cao nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trên cơ sở các hiệp định đã được ký kết, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các doanh nghiệp cần xây dựng chương trình hành động cụ thể, đặc biệt chú trọng chiến lược sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường; tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế so sánh, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ mới, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ…

Cùng đó, các doanh nghiệp cần xây dựng và triển khai thực hiện tốt cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp, doanh nhân với các nhà khoa học trong việc nghiên cứu, triển khai, ứng dụng kết quả, thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến nhằm chủ động nắm bắt những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại; nâng cao nhận thức về giá trị kinh tế và những lợi ích hợp pháp của việc thương mại hóa các sản phẩm trí tuệ cũng như việc tuân thủ nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước; tích cực tham gia vào các thể chế thương mại - tài chính - tiền tệ khu vực và toàn cầu; xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

Cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực phấn đấu xây dựng thương hiệu Việt Nam - “Made in Việt Nam” trên trường quốc tế, làm chủ thị trường trong nước và thời gian tới, có đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đạt tầm cỡ khu vực, từng bước vươn ra thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục