Chủ tịch TP Cần Thơ: Nhiệm vụ phát triển trọng tâm là thay đổi tư duy, cách làm làm việc

19:22' - 07/12/2020
BNEWS Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, nhiệm vụ trọng tâm nhất để có thể phát triển thành phố trong tương lai chính là thay đổi về tư duy, cách làm việc tại mọi cơ quan, đơn vị.

Ngày 7/12, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thành phố Cần Thơ 5 năm 2021 - 2025 và năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường nhận định, nhiệm vụ trọng tâm nhất để có thể phát triển thành phố trong tương lai chính là thay đổi về tư duy, cách làm việc tại mọi cơ quan, đơn vị.

Theo đó, các lãnh đạo sở, ngành cần nâng cao vai trò hơn nữa, phát huy tính chủ động và sáng tạo trong chuyên môn của ngành mình, bớt trông chờ vào chỉ đạo của cấp trên bởi tất cả công việc đã có kế hoạch, chỉ tiêu cụ thể.

Cần so sánh thấy mức phát triển kinh tế -xã hội ở Cần Thơ là chưa cao so với các địa phương xung quanh, chưa thể hiện vị thế là một thành phố trực thuộc trung ương, là trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Chủ tịch Trần Việt Trường, để có thể phát triển thành phố, cần giải quyết các "điểm nghẽn"; trong đó, "điểm nghẽn" nghiêm trọng nhất chính là về hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và hạ tầng giao thông.

Thực tế cho thấy thành phố Cần Thơ mặc dù có những thuận lợi về hạ tầng, có sân bay quốc tế, cụm cảng quốc tế, hệ thống đường bộ, đường thủy, hàng không được Trung ương quy hoạch kết nối với các địa phương, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của các cơ sở hạ tầng này.

Để thực hiện hoàn thành nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 sắp tới, thành phố hướng tới tập trung triển khai 10 nhiệm vụ.

Một trong số các nhiệm vụ trọng tâm là tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nhằm nâng cao các chỉ số: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index) và chỉ số sẵn sàng cho sự phát triển ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT Index).

Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, loại bỏ rào cản bất hợp lý, khởi nghiệp và mở rộng sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Cần hiểu rõ công cuộc phát triển thành phố nếu chỉ có cấp chính quyền thực hiện sẽ không thể nào đạt được chỉ tiêu đã giao. Do đó, thành phố tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, bổ sung các chính sách huy động các nguồn vốn xã hội, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn trong nước, đầu tư theo hình thức đầu tư công cho phát triển hạ tầng. Tích cực khai thác có hiệu quả và quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đầu tư phát triển.

Trong giai đoạn vừa qua, dịch COVID -19 có sự tác động rất nặng nề lên nền kinh tế thành phố Cần Thơ, nguyên nhân do thành phố chủ yếu phát triển các ngành nghề thương mại - dịch vụ là chủ yếu. Trong khi đó, dịch vụ du lịch chiếm tỉ trọng rất lớn trong kinh tế thành phố nhưng vì phải thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội của Chính phủ nên chịu thiệt hại rất nặng nề.

Theo ông Trần Việt Trường, trong bối cảnh hiện tại, khi dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, cần quan tâm đầu tư các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, huy động nhiều nguồn lực đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đảm bảo phòng chống dịch COVID- 19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội, việc tuyên truyền đạt yêu cầu nâng cao ý thức phòng chống dịch chứ không làm người dân hoang mang.

Một yếu tố khác đáng quan tâm đó là vấn đề về môi trường, cần tập trung giải phóng mặt bằng tái định cư và mặt bằng dự án trọng điểm, dự án ODA, dự án chống ngập. Bên cạnh đó là tăng cường bảo vệ hiệu quả tài nguyên và môi trường, tập trung giải quyết vấn đề xử lý rác thải trên địa bàn thành phố, chủ động trong phòng chống, ứng phó biến đổi khí hậu.

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Thành Đông nhận định, việc phát triển thành phố sẽ được tập trung triển khai đồng bộ theo chương trình 03-Ctr/TU của Ban thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành ngày 4/11/2020 về thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, những chỉ tiêu trong giai đoạn sắp tới cần được triển khai, phối hợp một cách chặt chẽ. Một số chỉ tiêu mới, chẳng hạn chỉ tiêu số 7 (tốc độ đổi mới công nghệ máy móc thiết bị đạt 12 -13%; tổng sản phẩm công nghệ cao chiếm 35 - 40 % tổng giá trị sản phẩm) phải có sự phân chia trách nhiệm cụ thể cho các sở ngành, đặt ra nguyên tắc để giám định tiến độ thực hiện.

Một chỉ tiêu mới quan trọng đó là chỉ tiêu số 14 (phấn đấu xây dựng thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu), các sở ngành cần triểu khai kế hoạch và lựa chọn một địa bàn cụ thể cho việc xây dựng bởi trong bối cảnh hiện tại việc xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn thành phố vẫn còn ở những bước chập chững, trong khi đó nông thôn mới kiểu mẫu sẽ có những tiêu chí cao hơn nhiều.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện cho biết, trong 5 năm qua, thành phố đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do tình hình thế giới có nhiều biến động, suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 cùng dịch bệnh COVID -19 bùng phát toàn cầu năm 2020 đẩy nền kinh tế toàn cầu nói chung rơi vào suy thoái.

Những yếu tố trên đã hạn chế nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ của các sở ngành trên địa bàn. Trong tổng số 13 chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, thành phố có đến 7 chỉ tiêu chưa đạt.

Trong giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021, trên cơ sở nắm bắt những thuận lợi thời cơ của giai đoạn trước và dự báo những xu thế, thách thức trong tương lai, thành phố đề ra 17 chỉ tiêu kinh tế - xã hội cần phải thực hiện. Trong đó có 8 chỉ tiêu về kinh tế, 6 về xã hội, 2 chỉ tiêu về môi trường và 1 chỉ tiêu về quốc phòng - an ninh.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các chỉ tiêu, thành phố tập trung thực hiện 3 khâu đột phá; trong đó, khâu đột phá thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực, thứ hai là việc huy động nguồn lực đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội và thứ ba là tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển khoa học công nghệ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục