Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đối thoại với nhân dân về tình trạng khai thác cát, sỏi

21:17' - 26/07/2017
BNEWS Ngày 26/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã có buổi tiếp xúc, đối thoại với nhân dân hai xã Hợp Thịnh và Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) liên quan đến việc khai thác, kinh doanh, cát, sỏi.
Chủ tich UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang trả lời ý kiến, đề nghị của nhân dân hai xã Hợp Thành và hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Vũ Hà -TTXVN

Việc tiếp xúc, đối thoại này để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát, sỏi của Công ty Cổ phần khai khoáng Sahara và Công ty TNHH xây dựng Hùng Yến.

Tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã thẳng thắn nhận trách nhiệm khi để xảy ra vụ việc gây bức xúc trong nhân dân.

Đây là bài học về trách nhiệm chung của các ngành từ cơ sở tới tỉnh trong công tác kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước về công tác phối hợp giải quyết công việc. Đồng thời, mong muốn nhân dân hai xã Hợp Thành, Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan và địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, việc cấp phép cho hai công ty về hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Đà đã đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiện, trong quá trình hoạt động khai thác từ thời điểm cuối tháng 4 đến giữa tháng 5/2017, hai Công ty đã để xảy ra sai phạm làm ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của bà con nhân dân trên địa bàn, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xác định hành vi, xử phạt hành chính theo quy định.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã hai lần ra Quyết định tạm đình chỉ việc khai thác cát từ ngày 22/5 đến hết ngày 31/7/2017.

Trong đó, các cơ quan quản lý Nhà nước và huyện Kỳ Sơn chưa hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, chưa theo sát việc hướng dẫn, quản lý khai thác của hai công ty.

Công tác phối hợp, kiểm tra, xử lý còn thiếu chặt chẽ, không kịp thời đã để vi phạm diễn ra trong nhiều ngày mới xử lý.

Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị, qua buổi đối thoại, các ngành và địa phương sẽ có báo cáo, đề xuất thích đáng để giải quyết sự việc; lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân và tiếp tục phối hợp để giải quyết các vấn đề liên quan.

Nhân dân hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn đã nêu những ý kiến, đề nghị giải đáp những vướng mắc xung quanh vấn đề khai thác cát của hai công ty như: Việc cho hai công ty tiếp tục khai thác cát, sỏi có đúng pháp luật trong thời gian vừa qua không, đã được dân chủ thông qua nhân dân của hai xã chưa.

Hai công ty ồ ạt khai thác cát có vi phạm giấy phép đầu tư hay không và tỉnh Hòa Bình đã xử lý ra sao vấn đề này. Việc tiếp tục cho khai thác cát về lâu dài có tác động tiêu cực như thế nào tới diện tích đất canh tác cũng như đời sống của người dân khu vực...

Đại diện các ngành, chính quyền địa phương đã trả lời đi thẳng vào những vấn đề mà người dân hỏi.

Đồng thời các cơ quan chức năng cũng mong muốn nhân dân hai xã tiếp tục đồng hành cùng chính quyền để kiểm tra, giám sát hoạt động của hai công ty, đảm bảo cho phát triển kinh tế xã hội địa phương gắn với ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự trên địa bàn.

Về những giải pháp trong thời gian tới khi hai công ty khai thác cát trở lại (từ 1/8/2017), ông Nguyễn Văn Quang đề nghị: Hai công ty chỉ được phép khai thác trở lại khi tuân thủ các nội dung: Về mốc giới và diện tích: khoanh vùng những chỗ có nguy cơ sạt lở không được phép khai thác, phạm vi khoanh định cách ranh giới là 50m...; mỗi Công ty không được sử dụng tàu cuốc, chỉ được sử dụng 1 tàu hút, xà lan vận chuyển là loại có trọng tải 300 tấn/1 xà lan và được sử dụng 6 xà lan đối với Công ty Hùng Yến,10 xà lan đối với Công ty Sahara.

Trong khu vực mỏ, mỗi đơn vị chỉ được sử dụng 3 xà lan (kể cả sửa chữa); thời gian khai thác từ 6h - 18h cùng ngày, ngoài ra không được phép hoạt động, kể cả sửa chữa; đặc biệt, phải có mốc của vùng mỏ và thả phao khi khai thác.

Tổ công tác liên ngành chốt trực 24/24h; trong hoạt động phải xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng để nhân dân phản ánh kịp thời và cùng tham gia giám sát, báo cáo, xử lý ngay khi xảy ra sai phạm.

Nếu hai công ty tiếp tục tái phạm các lỗi trên, sẽ xử lý theo quy định pháp luật mà mức cao nhất là tước giấy phép hoạt động.

Sở Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình xây dựng, đánh giá để xác định trữ lượng, từ đó điều chỉnh giấy phép đầu tư theo hướng giảm thời gian cũng như số lượng khai thác, đảm bảo tài nguyên và đời sống của nhân dân; đề nghị nhân dân tham gia sát hoạt động và trách nhiệm của tổ công tác liên ngành.

UBND tỉnh Hòa Bình sẽ thường xuyên chỉ đạo, xử lý tất cả các thông tin mà nhân dân nêu, đảm bảo việc khai thác vẫn phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn đảm bảo đời sống của người dân trên địa bàn...

Tuy nhiên, người dân hai xã Hợp Thành và Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn vẫn không đồng tình với cách giải quyết của UBND tỉnh Hoà Bình khi để cho hai Công ty được tiếp tục hoạt động khai thác cát trở lại.

Nhiều người nêu ra quan điểm, mong muốn UBND tỉnh Hòa Bình rút giấy phép hoạt động khai thác cát trên sông Đà của hai Công ty Sahara và Công Ty Hùng Yến. ./.

Xem thêm:

Làm rõ phản ánh doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường

Thủy điện Hòa Bình đóng 1 cửa xả đáy từ 12 giờ hôm nay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục