Nhiều bức xúc tại cuộc đối thoại, về đăng kiểm phương tiện tàu, thuyền vùng hồ Hòa Bình

17:57' - 13/07/2017
BNEWS Một bộ phận người dân chưa hiểu hết các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật khi đưa phương tiện chưa đăng ký
Cơ hội phát triển du lịch hồ Hòa Bình. Ảnh: Báo Hòa Bình

Thời gian gần đây, các chủ tàu, thuyền thuộc khu vực bến cảng Thung Nai, vùng hồ Hòa Bình (huyện Cao Phong) đã làm đơn kiến nghị đến Cục Đăng kiểm Việt Nam, các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và Thông tấn xã Việt Nam phản ánh về việc gặp khó khăn khi đăng kiểm phương tiện đường thủy, cấm xuất bến, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển du lịch vùng hồ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Quang, sáng ngày 13/7, tại xã Thung Nai, lãnh đạo Sở Giao Thông Vận tải tỉnh Hòa Bình cùng lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đồng chủ trì hội nghị đối thoại công tác đăng kiểm phương tiện đường thủy nội địa với đại diện 3 tổ tàu thuyền và hàng trăm chủ phương tiện.

Tại buổi đối thoại, ông Lê Ngọc Quản, Phó Giám đốc, Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình cho biết, bến cảng Thung Nai hiện có 169 phương tiện kinh doanh vận tải khách; trong đó, có 60 phương tiện đã đăng ký, 109 phương tiện chưa đăng ký. Đến thời điểm này đã có 17 phương tiện còn hạn đăng kiểm, 43 phương tiện hết hạn đăng kiểm lưu hành.

Trong thời gian qua, công tác đăng kiểm cho phương tiện đường thủy đang gặp khó khăn, vướng mắc do phần lớn người dân đóng tàu, thuyền theo phương thức dân gian, không có hồ sơ thiết kế kỹ thuật trước khi đóng phương tiện. Xuất phát từ nhu cầu vận tải khách du lịch tăng nhanh trong những năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã mua tàu chở hàng về tự sửa chữa, hoán cải thành tàu chở khách, không có thiết kế hoán cải.

Một bộ phận người dân chưa hiểu hết các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường thủy, vi phạm pháp luật khi đưa phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm vào chở khách du lịch và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông đường thủy.

Đại diện cho các chủ tàu thuyền, ông Nguyễn Đình Tuy, chủ khu du lịch Đảo Dừa phản ánh, người dân đi đăng kiểm gặp khó khăn do tỉnh Hòa Bình chưa có đơn vị đăng kiểm, Chi cục đăng kiểm Hà Sơn Bình ở tận Hà Nội chưa bố trí nhân lực thường xuyên lên hỗ trợ, giúp đỡ chủ tàu làm thủ tục. Một số cán bộ đăng kiểm còn nhũng nhiễu, yêu sách.

Ông Hồ Văn Trữ, Phó Chủ tịch, Hiệp hội du lịch tỉnh Hòa Bình, chủ khu du lịch Động Thác Bờ bức xúc: “ Nhiều chủ phương tiện đã nộp tiền mua thiết kế đóng tàu, nhưng đơn vị thiết kế chậm bàn giao, nên không thể đăng kiểm. Tại bến Thung Nai, hiện chưa có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; lên cảng Bích Hạ thì xưởng luôn quá tải, không nhận làm...”

Thẳng thắn đối thoại và ghi nhận gần chục ý kiến phản ánh, đề nghị của bà con, ông Nguyễn Vũ Hải, Phó Cục trưởng, Cục Đăng kiểm Việt Nam xin nhận khuyết điểm, trách nhiệm lãnh đạo liên quan đến hành vi, thái độ, cách ứng xử không phù hợp của một số đăng kiểm viên; đồng thời, cam kết sẽ xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, tắc trách.

Lãnh đạo Cục cũng yêu cầu Chi cục 1, Chi nhánh Đăng kiểm Hà Sơn Bình bố trí đủ nhân lực, có mặt thường xuyên trên địa bàn thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện đường thủy nội địa một cách khách quan, phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ và đúng pháp luật.

Chi cục 1 phải rà soát, hướng dẫn chi tiết cho từng chủ tàu; công khai trình tự, thủ tục, nội dung quy trình, lệ phí và đăng kiểm nhanh chóng, thuận lợi cho người dân. Cục Đăng kiểm sẽ cung cấp 3 mẫu thiết kế định hình phương tiện chở 12, 30, 45 khách để các hộ dân áp dụng.

Buổi đối thoại giữa các cơ quan chức năng với các chủ tàu thuyền bến Thung Nai diễn ra trong 4 giờ đồng hồ khá cởi mở, bước đầu giải tỏa được những bức xúc của người dân. Đây cũng là dịp để các chủ tàu, thuyền nắm rõ và thực hiện các văn bản pháp luật đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục