Chưa có quy định rõ ràng để xác định hàng hoá Việt Nam

17:28' - 04/07/2019
BNEWS Hàng hóa của Việt Nam hay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam là những khái niệm đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có quy định cụ thể rõ ràng.

Vì vậy, Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ ban hành quy định hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Hiện tại, dự thảo mới ở giai đoạn đầu, (chưa phải dự thảo 1) để xin ý kiến đóng góp cho sát thực và ngăn chặn gian lận thương mại.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Thông tin này được ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) chia sẻ với báo giới tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 4/7 tại Hà Nội.
Liên quan đến sự việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính làm đầu mối phối hợp với các bộ ngành; trong đó có Bộ Công Thương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ.
Bổ sung thêm về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho hay: Đối với hàng hoá lưu thông trong nước có Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 43) đã nêu quy định yêu cầu bắt buộc hàng hoá lưu thông trên thị trường Việt Nam đều phải dán nhãn tên người sản xuất, tổ chức cá nhân, xuất xứ hàng hoá.

Theo Nghị định 43 có điều 15 quy định các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân xác định và có trách nhiệm với thông tin công bố.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) với quy định cụ thể phục vụ cho hàng hoá xuất, nhập khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan còn chưa được áp dụng với nhãn hàng tại thị trường Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ không nói lên tỷ lệ xuất xứ Việt Nam và cả khu vực. Hơn nữa, khi có dự thảo về vấn đề quy định xuất xứ hàng Việt Nam, Bộ Công Thương sẽ công bố và xin ý kiến các hiệp hội, doanh nghiệp, người tiêu dùng làm sao để ngăn chặn gian lận thương mại.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Cục, Vụ, Viện có liên quan như: Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường… kiểm tra rà soát việc quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này.
Từ đó, có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh... Các quy định về xuất xứ hàng hóa được thực hiện theo luật hóa quốc tế, sắp tới có văn bản riêng để phục vụ hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường.
Trong ASEAN, 40% nguyên liệu trong ASEAN có thể 10% Malaysia, 15% Indonesia, 5% của Việt Nam cũng vẫn cung cấp được nguồn gốc xuất xứ mẫu D. Hiện, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ ban hành quy định hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại Việt Nam./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục