Chưa thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018

15:09' - 28/07/2017
BNEWS Kết thúc phiên họp, đại diện người sử dụng lao động và người lao động chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Sợi (Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Nam Định). Ảnh: Hiền Hạnh-TTXVN.

Sáng 28/7, Phiên họp lần thứ 2 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội. Kết thúc phiên họp, đại diện người sử dụng lao động và người lao động chưa thống nhất được phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2018.

Theo đó, đại điện cho giới sử dụng lao động - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức tăng 5%; phía đại diện cho người lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 8%.

Như vậy, Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ phải tổ chức phiên họp thứ ba để thống nhất phương án, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/8/2017. Đây cũng là phiên họp cuối cùng để chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 để Hội đồng Tiền lương Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: Đại diện người sử dụng lao động và người lao động đều có thiện chí để hướng tới thống nhất phương án lương tối thiểu năm 2018. Hiện nay, còn hai phương án để Hội đồng đưa ra xem xét. Hy vọng, trong thời gian chuẩn bị cho phiên họp thứ ba của Hội đồng, hai bên đại diện cho người sử dụng lao động và người lao động sẽ có các cuộc trao đổi, thương lượng để có phương án làm hài lòng cả hai phía.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp giải thích: Hội đồng Tiền lương Quốc gia hoạt động dựa trên quy chế. Nếu hai bên thống nhất được một phương án để đưa ra bỏ phiếu, tỷ lệ ủng hộ phương án đó cao, đó sẽ là quyết định của Hội đồng. Trong trường hợp không thống nhất được, hai phương án do người sử dụng lao động và người lao động sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Phương án nào đạt được tỷ lệ cao hơn sẽ được chọn. Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia không quyết phương án nào bởi đây là quá trình thương lượng, cân nhắc giữa hai bên nhằm cải thiện đời sống người lao động cũng như bảo đảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Giải thích lý do đưa ra phương án tăng 5%, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Hoàng Quang Phòng nêu rõ: Phương án được đưa ra dựa tinh thần xây dựng và trên cơ sở đánh giá của trên 30 Hiệp hội đại diện cho giới sử dụng lao động. Quan điểm của Phòng Thương mại và Công nghiệp là việc tăng lương tối thiểu trong bối cảnh hiện tại sẽ ảnh hưởng tới chi phí sản xuất doanh nghiệp sẽ cao lên.

Theo các chuyên gia đánh giá mức lương tối thiểu hiện nay đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động nhưng trên thế giới chưa có nước nào lương tối thiểu đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu bởi đây là cuộc chạy marathon. Giới chủ sử dụng lao động cho rằng mức lương tối thiểu chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu nhưng lương tối thiểu hiện tại đang dần tiến tới mức lương trung bình. Dư địa để đàm phán tiếp là làm sao để tăng thêm thu nhập cho người lao động… nếu lương tối thiểu cao quá, dư địa đó sẽ không còn, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Phía Doanh nghiệp muốn phát triển ổn định, bảo đảm được tiền lương vốn có vì nếu lương tối thiểu quá cao, doanh nghiệp sẽ phải tính đến chuyện cơ cấu lại, dẫn đến việc một bộ phận người lao động đang có việc làm sẽ trở thành thất nghiệp. Yếu tố để quyết định việc tăng lương tối thiểu là năng suất lao động, chất lượng việc làm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), khả năng chi trả… bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

Tất cả các yếu tố đó được trả lời, việc tăng lương tối thiểu sẽ dễ dàng nhưng thực tế mặc dù đời sống doanh nghiệp đã được cải thiện, khởi sắc nhưng đại đa phần doanh nghiệp còn khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều lao động như: Dệt may, da giầy, điện tử… chịu sự tác động lớn của việc tăng lương tối thiểu - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trả lời các phóng viên trước phiên họp của Hội đồng diễn ra, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, theo lộ trình, tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, vì vậy mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 không thể thấp hơn năm ngoái (7,3%).

Trong đàm phán, thương lượng, chắc chắn phải có bên lên, bên xuống, nhưng nếu mức tăng 5% như phía Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra không thể chấp nhận được bởi mức tăng này chỉ bù trượt giá. Các chỉ số kinh tế-xã hội của 6 tháng đầu năm 2017 đều có kết quả tốt hơn năm 2016, vì vậy không có lý do gì chỉ tăng lương tối thiểu ở mức 5%.

Trước đó, tại phiên họp đầu tiên về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 của Hội đồng Tiền lương Quốc gia ngày 27/6 tại Hải Phòng, các bên đã đưa ra các phương án khá chênh lệch: Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng 13,3%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra quan điểm hoặc không tăng hoặc chỉ tăng mức dưới 5%. Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng đưa ra các mức tăng: 5%, 6%, 6,8%.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia do Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội làm Chủ tịch; 3 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: một Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; một Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và một Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ủy viên của Hội đồng là đại diện của nhiều cơ quan, ban, ngành. Theo Quy chế của Hội đồng, mỗi bên đều có quyền dừng cuộc họp một lần. Nếu sau đó chưa tìm được điểm chung, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ có quyền tự đề xuất mức tăng lương tới Chính phủ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục